HÀ NỘI (NV) .- Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Quốc gia vừa phát cảnh báo, số ca bị hoại tử do nhiễm vi khuẩn ăn thịt Aeromonas Hydrophila đang tăng. Khoảng 50% bệnh nhân nhiễm loại vi khuẩn này đã thiệt mạng.
Một bệnh nhân bị hoại tử vì nhiễm vi khuẩn ăn thịt Aeromonas Hydrophila. (Hình: Soha)
Vi khuẩn Aeromonas Hydrophila khiến phần cơ thể bị lây nhiễm hoại tử nhanh tới mức để cứu mạng bệnh nhân, người ta phải cắt bỏ phần cơ thể đó nên mới được gọi nôm na là vi khuẩn ăn thịt.
Tại Việt Nam, các ca nhiễm vi khuẩn ăn thịt Aeromonas Hydrophila bắt đầu rộ lên từ năm 2009.
Theo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Quồc gia ở Hà Nội, riêng từ năm 2012 tới nay, bệnh viện này đã tiếp nhận hơn một chục trường hợp nhiễm vi khuẩn Aeromonas Hydrophila. Một số ca thì do cơ địa suy giảm miễn dịch vì nhiễm HIV, xơ gan,… Số ca còn lại do bệnh nhân bị xây xát khi tiếp xúc với nước bẩn, xây xát do tiếp xúc với cá, cua,.., song không bận tâm vì nghĩ rằng đó là điều bình thường.
Ca gần nhất nhiễm vi khuẩn ăn thịt Aeromonas Hydrophila xảy ra trên một nam bệnh nhân 45 tuổi, ngụ ở Hà Nội. Người bệnh được đưa tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Quốc gia trong tình trạng sốc nhiễm trùng, suy thận, rối loạn đông máu nặng. Hai bàn chân, hai cẳng chân, bàn tay và cẳng tay phải hoại tử.
Trước đó ba ngày, bệnh nhân này bị ong đốt vào mu bàn tay phải và đã rửa vết thương dưới mương nước bẩn. Do bệnh tiến triển quá nhanh và nặng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Quốc gia quyết định cắt bỏ hai chân từ đầu gối trở xuống song không chắc sẽ cứu được vì nhiều phần khác trên cơ thể cũng đã hoại tử. Gia đình từ chối, xin ngừng chữa trị, đưa về để lo hậu sự.
Không chỉ có tình trạng số ca nhiễm vi khuẩn ăn thịt Aeromonas Hydrophila đang tăng mà số ca nhiễm các loại vi khuẩn gây ra nhiều chứng bệnh hiểm nghèo khác cũng đang tăng vì thói quen ăn uống không an toàn.
Trong vài tháng qua, các viên chức y tế ở Việt Nam liên tục cảnh báo về sự gia tăng đáng ngại của những ca nhiễm liên cầu khuẩn trong máu heo. Bệnh liên cầu heo do một loại liên cầu khuẩn gọi tắt là S.suis, thường cư trú trong heo gây ra và việc ăn tiết canh heo khiến người ăn bị nhiễm S.suis. Loại liên cầu khuẩn vừa kể khiến người bệnh bị viêm màng não mủ hoặc nhiễm trùng huyết, suy đa tạng.
Khắp cơ thể xuất hiện nhiều vết hoại tử, đặc biệt là ở mặt. Khoảng 50% thiệt mạng, trong 50% còn lại, một số trường hợp tuy không thiệt mạng nhưng bác sĩ phải cắt bỏ một số chi do hoại tử.
Bởi các triệu chứng do nhiễm vi khuẩn ăn thịt Aeromonas Hydrophila và nhiễm liên cầu khuẩn heo khá giống nhau và cùng tăng, các viên chức y tế ở Việt Nam lo ngại sẽ có sự nhầm lẫn khi chẩn đoán bệnh, điều trị sai, khiến tính mạng của bệnh nhân thêm nguy hiểm.
Trong tuần này, ngoài cảnh báo của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Quốc gia ở Hà Nội về tình trạng nhiễm vi khuẩn ăn thịt Aeromonas Hydrophila đang tăng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Sài Gòn phát cảnh báo về tình trạng nhiễm ký sinh trùng do ăn ốc sên, ốc bươu chỉ làm tái bằng chanh hay nướng đang gia tăng.
Thói quen ăn ốc tái chanh hay ốc nướng trở thành nguyên nhân dẫn tới nhiễm một loại ký sinh trùng thường có trong các loại ốc vào cơ thể. Loại ký sinh trùng này theo mạch máu tấn công não, gây viêm màng não, tổn thương hệ thần kinh trung ương, nếu không mất mạng thì cũng mất tri giác, sống thực vật.
Một bác sĩ làm việc tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Sài Gòn cho biết, quan niệm ăn tái mới ngon, mới ngọt tuy sai lầm song rất phổ biến và là nguyên nhân dẫn tới nhiều hậu quả đáng tiếc. Cũng theo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Sài Gòn, dẫu đã có rất nhiều người thiệt mạng khi ăn ve sầu rồi bị nhiễm các loại nấm độc nhưng số nạn nhân của ve sầu vẫn không giảm. Tháng trước, có ba người ở Bình Phước hôn mê sâu vì nhậu với nhộng ve sầu chiên giòn. Một trong ba người đã mất mạng.
Tin mới nhất cho biết, các bác sĩ làm việc tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quốc gia vừa phát giác nguyên nhân chính khiến một bệnh nhân có khối u ở dương vật là sán lá gan nhỏ. Loại sán lá gan nhỏ này thường được tìm thấy trong gan của những người bị tổn thương gan, ung thư gan và trước khi phát bệnh thích ăn gỏi cá sống. Đây là lần đầu tiên, ngành y tế tại Việt nam tìm thấy sán lá gan nhỏ lọt vào dương vật và làm tổ trong dương vật. Bệnh nhân thú nhận ông ta rất thích ăn gỏi cá sống. (G.Đ)
07-18- 2014 12:47:34 PM
Theo Người Việt
No comments:
Post a Comment