BÍCH DIỆP-09:26 18/07/2014
Tính toán được Tổng cục Thống kê chỉ ra rằng VN có thể thiệt hại 10% GDP nếu cắt đứt quan hệ kinh tế với TQ, trong trường hợp VN không có sự chuẩn bị trong tìm kiếm thay thế các đối tác thương mại khác.
Dù vậy, trên thực tế thì kể từ đầu tháng 5, kinh tế VN vẫn tăng trưởng tốt...
Công ty Cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp với các chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ kinh tế Việt - Trung vừa công bố báo cáo nghiên cứu thường kỳ Policy Debate số 16, với chủ đề “Vụ giàn khoan HD-981 và kịch bản hợp tác kinh tế Việt- Trung”.
Báo cáo đưa ra ba kịch bản, trong đó kịch bản xấu là việc Trung Quốc tiến hành “trả đũa” mạnh mẽ Việt Nam về kinh tế, hoặc mức cao hơn là cắt đứt quan hệ kinh tế song phương, cấm vận kinh tế, trong những năm tới, trong trường hợp tranh chấp ở Biển Đông leo thang. Ở kịch bản trung bình, nhóm nghiên cứu cho rằng, quan hệ kinh tế giữa hai nước có các thay đổi sâu sắc, chuyển từ “vừa hợp tác, vừa đấu tranh” sang trạng thái “vừa đấu tranh, vừa hợp tác”. Và kịch bản tốt xảy ra là sự căng thẳng trên biển Đông không ảnh hưởng đáng kể đến quan hệ kinh tế giữa hai nước.
Sự trừng phạt và cấm vận kinh tế của Trung Quốc (nếu có) cũng không đủ sức gây tác động nghiêm trọng và dài hạn tới nền kinh tế có độ mở cửa rất cao của Việt Nam.
Qua đánh giá thực tế tình hình hoạt động doanh nghiệp, Nhóm nghiên cứu cho rằng kịch bản “vừa đấu tranh, vừa hợp tác” có nhiều khả năng xảy ra nhất, do kịch bản 1, tức kịch bản cấm vận và trừng phạt kinh tế, khó xảy ra.
Theo đó, trong ngắn hạn, Trung Quốc ít có khả năng áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh mẽ đối với Việt Nam vì chính nước này cũng sẽ bị thiệt hại khi trừng phạt kinh tế Việt Nam, cả về kinh tế và chính trị. Hơn nữa, Trung Quốc thiếu các công cụ hữu hiệu để trừng phạt và cấm vận kinh tế Việt Nam. Sự trừng phạt và cấm vận kinh tế của Trung Quốc cũng không đủ sức gây tác động nghiêm trọng và dài hạn tới nền kinh tế có độ mở cửa rất cao của Việt Nam.
Trong khi đó, kịch bản 3, tức là quan hệ kinh tế Việt – Trung hoàn toàn không bị ảnh hưởng, cũng khó xảy ra bởi sự leo thang căng thẳng trên biển Đông chắc chắn sẽ dẫn tới các điều chỉnh chiến lược về kinh tế của các bên có liên quan.
Theo Vietnam Report, kịch bản quan hệ kinh tế "vừa đấu tranh, vừa hợp tác” có tiềm năng gây khó khăn cho kinh tế Việt Nam do Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và các nhà thầu Trung Quốc chiếm tỷ trọng cao trong các hợp đồng EPC tại các lĩnh vực quan trọng của kinh tế Việt Nam.
Về mặt chiến lược, Việt Nam sẽ khó khăn hơn trong việc tận dụng sự trỗi dậy của cường quốc kinh tế Trung Quốc như một thị trường khổng lồ cũng như nguồn cung cấp vốn, công nghệ và đổi mới cho quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa của Việt Nam.
Hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng xấu trong ngắn hạn. Trung Quốc chiếm vị trí số một trong các nước xuất khẩu tới Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng nguyên vật liệu, máy móc đầu vào sản xuất. Các doanh nghiệp Việt Nam, vốn lệ thuộc khá lớn vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc (chẳng hạn, nhập khoảng 70% số giống lúa, 80% số nguyên liệu dệt may…từ Trung Quốc) sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và sẽ đối mặt nhiều khó khăn lớn. Căng thẳng trong quan hệ Việt Trung có thể có ảnh hưởng nhất định tới nguồn cung cấp các đầu vào này từ Trung Quốc.
Mới đây, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng đã tính toán, nếu như Việt Nam không có sự chuẩn bị trong tìm kiếm thay thế các đối tác thương mại khác, GDP có thể giảm tới 10% nếu như Trung Quốc cắt đứt quan hệ kinh tế.
Bên cạnh ngành nông nghiệp thì ngành du lịch cũng sẽ bị ảnh hưởng do lượng du khách từ Trung Quốc suy giảm. Trong giai đoạn 2007-2013, lượng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam tăng bình quân khoảng 22,8%; tăng từ mức hơn 557 nghìn năm 2007 lên 1,9 triệu lượt khách năm 2013. Trung Quốc luôn đứng đầu về lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, trung bình chiếm khoảng 21-23% tổng số du khách nước ngoài vào Việt Nam.
Mặc dù vậy, báo cáo cho rằng, nhìn chung, chính sách cấm vận của Trung Quốc (nếu xảy ra) mặc dù sẽ gây tổn thất đáng kể cho nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên những tổn thất này chủ yếu có tính ngắn hạn và trên phạm vi của một số ngành nghề nhất định.
Sản lượng ngành sản xuất Việt Nam vẫn tiếp tục tăng.
Trên thực tế, trong khoảng 2 tháng sau khi Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông và quan hệ Việt - Trung căng thẳng, ngoại trừ lĩnh vực du lịch, các lĩnh vực kinh tế khác của Việt Nam cơ bản vẫn ổn định - bản báo cáo đánh giá.
Theo nhận định của Tổng cục thống kê, Việt Nam lại có những chỉ báo về kinh tế khá tốt trong tháng 5 và tháng 6 năm 2014 với những dấu hiệu rõ rệt của việc "nền kinh tế đã thoát đáy". Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2014 ước tính tăng 5,18% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó quý I tăng 5,09%; quý II tăng 5,25%. HSBC, trong báo cáo công bố Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất tại Việt Nam trong tháng 6/2014 cũng nhận định rằng"Sản lượng ngành sản xuất Việt Nam tiếp tục tăng”. Theo đó, PMI chỉ giảm nhẹ về 52,3 từ mức 52,5 trong tháng 5, đánh dấu tháng thứ 10 liên tiếp đạt trên ngưỡng tăng trưởng 50 điểm.
Và như vậy, theo nhóm nghiên cứu, bên cạnh các khó khăn, thách thức, vụ giàn khoan HD-981 cũng mang lại một số cơ hội cho Việt Nam, giúp Việt Nam đánh giá đúng tình hình quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, các mối quan hệ đối ngoại, để từ đó Nhà nước và các doanh nghiệp đưa ra các quyết sách kinh tế mang tính chiến lược và dài hạn.
Nhóm nghiên cứu cho rằng, thách thức và cơ hội lớn nhất của kinh tế Việt Nam là định hướng phát triển kinh tế Việt Nam sẽ phải có những thay đổi quan trọng thích ứng với tình hình mới, trong đó Việt Nam ngày càng khó tận dụng hơn những cơ hội khổng lồ từ sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc. Sẽ là thiếu thực tiễn và bỏ lỡ cơ hội nếu Việt Nam tìm cách hạn chế quan hệ kinh tế giữa hai nước. Thay vào đó, Việc Nam cần có một chiến lược hợp tác kinh tế quốc tế khôn ngoan hơn và cân bằng hơn.
Theo Báo Dân Trí
No comments:
Post a Comment