MINH ĐỨC-16:35 18/07/2014
Trong lúc thảm họa rơi máy bay vừa xảy ra, sẽ là không hay nếu nói đến chuyện tiền nong, bởi không gì có thể đổi được mạng sống con người. Nhưng thiết nghĩ cũng cần thiết phải trả lời câu hỏi, nếu máy bay dân dụng rơi trong trường hợp chiến tranh, nạn nhân có được bồi thường hay không? Và nếu có, Malaysia Airlines có tìm được ai để đòi bồi thường cho nạn nhân hay phải tự gánh lấy trách nhiệm này?
Mảnh vỡ máy bay ở miền đông Ukraine. Ảnh: AFP.
Thông tin ban đầu cho biết, 283 hành khách và 15 thành viên phi hành đoàn trên chuyến bay mang số hiệu MH 17 của hãng Malaysia Airlines đã thiệt mạng khi máy bay bị rơi ở Ukraine gần biên giới với Nga đêm 17/7.
Cho đến nay, không có bằng chứng nào cho thấy chiếc máy bay bị trục trặc. Các quan chức nhiều nước đã khẳng định máy bay bị tên lửa bắn rơi.
Chiếu theo Công ước Montreal, một hiệp ước quốc tế ký năm 1999 về trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân của thảm họa hàng không, Malaysia Airlines sẽ phải chịu trách nhiệm, bất kể họ có lỗi hay không trong vụ tai nạn vừa qua.
Các hãng hàng không sẽ không phải trả tiền cho hàng hóa bị hư hỏng, nếu chúng bị phá hủy do hành động chiến tranh. Nhưng trong trường hợp thương vong cho hành khách, thì nhà vận chuyển phải có trách nhiệm bồi thường, tối đa là 100.000 Quyền rút vốn đặc biệt (SDR - một đơn vị đo trung bình giá trị đồng tiền chuyển đổi được sử dụng phổ biến trong tổ chức Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF).
Trong vụ rơi máy bay hôm qua, giá trị số SDR này tương đương với khoảng 154.139 đô la Mỹ cho mỗi hành khách. Nếu nhân với 283 hành khách thì Malaysia Airlines sẽ phải trả khoảng 44 triệu đô la Mỹ cho gia đình các nạn nhân. Đó là chưa kể số tiền bồi thường cho các thành viên phi hành đoàn, bởi họ thuộc diện điều chỉnh của một hiệp ước khác.
Malaysia Airlines hiện đang giải quyết những tuyên bố về bồi thường liên quan đến vụ mất tích bí ẩn của chiếc máy bay mang số hiệu MH-370 hôm 8-3 trên đường từ Kuala Lumpur đi Bắc Kinh, Trung Quốc. Tháng 6 vừa qua, gia đình mỗi nạn nhân trên chuyến bay MH-370 đã nhận được số tiền bồi thường ban đầu trị giá 50.000 đô la Mỹ. Cho đến nay, ít nhất 47 gia đình nạn nhân đã nộp đơn đòi bồi thường thêm. Người nhà của mỗi nạn nhân có thể đòi khoản tiền bồi thường lên đến 175.000 đô la Mỹ, dựa trên tỉ giá tại thời điểm máy bay rơi.
Theo luật, các gia đình cũng có thể đòi bồi thường thiệt hại bổ sung, và hãng hàng không có thể sẽ không phải chịu trách nhiệm về khoản này nếu chứng minh được rằng, nguyên nhân vụ tai nạn hoàn toàn do lỗi của một bên thứ ba.
Tuy nhiên, để chứng minh lỗi của bên thứ ba, trong trường hợp chuyến bay MH-17 vừa bị rơi sẽ rất khó khăn.
Malaysia Airlines sẽ phải chứng tỏ một cách thuyết phục rằng việc bay qua không phận Ukraine là một lựa chọn có trách nhiệm. Một tuần trước đó, một máy bay vận tải quân sự và một chiến đấu cơ Sukhoi 25 đã bị bắn rơi ở khu vực này.
Hồi tháng 4 vừa qua, Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ đã ban hành cảnh báo cấm các nhà vận chuyển của Mỹ bay qua vùng không phận của Crimea, Biển Đen và Biển Azov.
Nhưng các hãng thương mại khác vẫn tiếp tục sử dụng tuyến đường bay qua Ukraine và Malaysia Airlines chắc chắn không phải là hãng hàng không duy nhất hoạt động trên vùng trời bất ổn này.
Về lý thuyết, hãng có thể kiện một bên thứ ba về thiệt hại, nhưng họ sẽ đưa ai ra tòa?
Để xác định được chính xác những kẻ gây ra trách nhiệm trong vụ bắn rơi máy bay MH17 cần có thời gian. Hiện các quan chức Ukraine hiện đang đổ lỗi cho các tay súng li khai ở phía đông đất nước, nhưng lực lượng này thẳng thừng bác bỏ bất cứ liên quan nào.
Việc xác định liệu các tay súng li khai ở Ukraine có bất kỳ mối liên quan nào với chính phủ Nga hay không, cũng sẽ rất khó.
Brian F. Havel, Giám đốc Viện Pháp luật hàng không quốc tế cho biết, làm thế nào mà Malaysia có thể chứng minh tại tòa về mối liên hệ trực tiếp giữa các cá nhân cụ thể đã bắn hạ máy bay và nhà nước Nga? Hãng có thể có quyền pháp lý để trông cậy vào yếu tố bên thứ ba, nhưng rất khó để thu được chứng cứ cụ thể.
Theo SaigonTimes
No comments:
Post a Comment