Tuesday, July 8, 2014

Biển Đông: Mỹ lại nói thẳng, quan Trung Quốc đuối lý

 (Baodatviet) - Tuyên bố chủ quyền “nuốt” gần trọn Biển Đông của Trung Quốc là “có vấn đề” - một quan chức cấp cao của Mỹ nhận định hôm 8/7.

Cập nhật thông tin đến thời điểm 16h ngày 8/7, đại diện Cục Kiểm ngư Việt Nam cho biết, trong ngày lực lượng Kiểm ngư Việt Nam phát hiện thêm máy bay dạng trinh sát điện tử của Trung Quốc bay liên tục quanh khu vực giàn khoan Hải Dương-981.

Cụ thể, từ 7h15 đến 8h 5 phát hiện một máy bay dạng trinh sát điện tử TU-154M số hiệu 1224 từ hướng Đông Bắc, bay 4 vòng trên khu vực đội tàu Việt Nam hoạt động ở độ cao 200-300m, sau đó rời khu vực theo hướng Tây Bắc.

Theo đó, phía Trung Quốc duy trì khoảng 106 tàu các loại tham gia bảo vệ giàn khoan Hải Dương-981; trong đó có 46 tàu Hải cảnh, 14 tàu vận tải, 14 tàu kéo, 27 tàu cá các loại và 5 tàu quân sự.

Một máy bay trinh sát điện tử của Trung Quốc hoạt động trên khu vực giàn khoan Hải Dương 981
Một máy bay trinh sát điện tử của Trung Quốc hoạt động trên khu vực giàn khoan Hải Dương 981

Đáng chú ý, khi các tàu Việt Nam tiếp cận giàn khoan để đấu tranh tuyên truyền thì các tàu của Trung Quốc ở vòng ngoài đã tiến hành dàn hàng ngang, đồng loạt tăng tốc độ, cơ động áp sát các tàu Kiểm ngư của Việt Nam; ngăn cản, hú còi nhằm uy hiếp và không cho các tàu cá của Việt Nam tiến vào gần giàn khoan nhưng các tàu Kiểm ngư Việt Nam đã chủ động vòng tránh, kiên trì bám trụ để đấu tranh tuyên truyền và thực thi pháp luật.

Đường 9 đoạn của Trung Quốc 'có vấn đề'

Cùng ngày 8/7, một quan chức ngoại giao Mỹ tháp tùng đoàn quan chức Mỹ dự Đối thoại thường niên Mỹ - Trung Quốc cho biết tuyên bố của Trung Quốc về đường 9 đoạn (đường lưỡi bò) trên Biển Đông là "có vấn đề", và đó sẽ là một trong những chủ đề chính của cuộc đối thoại này.

Việc Trung Quốc đòi chủ quyền hầu hết Biển Đông qua cái gọi là "đường 9 đoạn" cùng những hành động gây căng thẳng của nước này gần đây đã gia tăng căng thẳng.

Phái đoàn Mỹ cũng bày tỏ lo ngại sâu sắc trước việc các bên tranh chấp đang sẵn sàng sử dụng lực lượng quân sự, bán quân sự, lực lượng bảo vệ bờ biển nhằm đẩy mạnh các yêu sách chủ quyền.

Trung Quốc đã đòi sở hữu đến 80% diện tích Biển Đông thông qua đường 9 đoạn. Nhận xét về vấn đề này, một quan chức tháp tùng đoàn của Ngoại trưởng Kerry nhận xét: "Sự mơ hồ liên quan đến đường chín đoạn này là có vấn đề".

"Quan sát của chúng tôi là sự mơ hồ về tuyên bố này có thể gây mất ổn định và dẫn đến sự đối đầu, thậm chí là xung đột".

Việc Trung Quốc gây tranh chấp với các nước trên Biển Đông đã dẫn đến việc nước này cho tàu đâm húc, phun vòi rồng và bắt giữ ngư dân (của Việt Nam).

Mỹ nhấn mạnh sẽ không đứng về bên nào trong các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ, nhưng đã cáo buộc Bắc Kinh có các hành vi gây mất ổn định và thúc giục Trung Quốc duy trì tự do hàng hải trên các tuyến đường thủy quan trọng.

Dù Trung Quốc từng nói là cam kết sử dụng các biện pháp ngoại giao và hòa bình để giải quyết các yêu sách chủ quyền, vị quan chức Mỹ nhận xét: "Chúng tôi muốn Trung Quốc tôn trọng và sống đúng với những lời họ nói".

goại trưởng Mỹ John Kerry tiếp xúc với giới truyền thông trên chuyến bay tới Trung Quốc hôm 7/7
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tiếp xúc với giới truyền thông trên chuyến bay tới Trung Quốc hôm 7/7

Trước đó, ngày 7/7, Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Nguyễn Tất Thành đã có bài viết “Ai là kẻ gây bất ổn tại biển Đông-Vài lời với Đại sứ Ninh Phú Khôi" đăng trên báo Matichon (Thái Lan) phản bác những luận điệu sai trái của Đại sứ Trung Quốc tại Thái Lan về vấn đề Biển Đông.

Trong bài viết của mình, Đại sứ Nguyễn Tất Thành cho rằng thông tin mà Đại sứ Ninh Phú Khôi nêu trong bài cho rằng "Việt Nam quấy rối hoạt động của Trung Quốc" thực chất là chép lại từ tài liệu ngày 8/6/2014 công bố trên trang mạng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Theo Đại sứ Thành, cả tài liệu này cũng như trong các cuộc họp báo khác nhau, đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa bao giờ đưa ra được bằng chứng thuyết phục và khách quan để chứng minh luận điểm của mình.

Thực tế là hoạt động trái phép của giàn khoan Trung Quốc cũng như hành động hung hăng, vô nhân đạo của các tàu hộ tống giàn khoan của Trung Quốc trong vùng biển của Việt Nam đã được thông tin đầy đủ bởi nhiều cơ quan truyền thông cả trong và ngoài khu vực, của các nước phát triển và đang phát triển.

Thứ hai, Đại sứ Nguyễn Tất Thành nhấn mạnh ông không thể đồng ý với quan điểm của Đại sứ Ninh cho rằng Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện chủ quyền liên tục, hợp pháp và ổn định đối với quần đảo Hoàng Sa từ giữa và cuối thế kỷ thứ 10 vì điều này mâu thuẫn với lịch sử và nhầm lẫn về pháp lý.

Hơn nữa, chính tài liệu của Trung Quốc, như "Hải ngoại Kỷ sự" (Haiwai jishi) năm 1696 hay "Hải Lục" (Hailu) năm 1820 và tài liệu quốc tế như "Journal of the Asiatic Society of Bengal" (1837) và "Journal of the Geographical Society of London" (1849) đã công nhận và thể hiện quần đảo Hoàng Sa là lãnh thổ của Việt Nam," Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan nhấn mạnh.

Người dân tham quan Triển lãm
Người dân tham quan Triển lãm "Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam-Những bằng chứng lịch sử" ở tỉnh Đắk Lắk.

Thứ ba, Đại sứ Việt Nam bác bỏ nhận định của Đại sứ Trung Quốc khi ông Ninh Phú Khôi cho rằng "hoạt động của giàn khoan Hải Dương-981 lần này là sự tiếp nối của tiến trình thăm dò trong suốt 10 năm qua, hoàn toàn trong phạm vi chủ quyền và quyền quản lý của Trung Quốc và Việt Nam không có quyền phát biểu, không có quyền can thiệp hoặc ngăn cản."

"Việc Việt Nam kiên quyết phản đối hoạt động của giàn khoan Hải Dương-981 lần này là để bảo vệ khu vườn cùng các cây cối tại đó của mình đang bị một người hàng xóm vô cớ đòi sở hữu," Đại sứ Thành nhận định.

Đại sứ Nguyễn Tất Thành nhấn mạnh: "Tôi nghĩ rằng điều thiết thực nhất hiện nay là Trung Quốc ngay lập tức rút giàn khoan Hải Dương-981 cùng các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam và cùng Việt Nam giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan.

Trung Quốc hành động sai lầm tại Biển Đông

Trong một bài viết mới đây, ông Rivislei Gonzalez Saez, chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu chính sách quốc tế của Cuba, nhận định rằng Trung Quốc đã hành động sai lầm tại Biển Đông.

Theo ông Saez, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Chuyên gia Saez nhấn mạnh Trung Quốc đề nghị giải quyết mọi vấn đề bằng biện pháp hòa bình, nhưng lại có những hành động đi ngược lại lời nói của chính mình. Điều này gây quan ngại sâu sắc đối với các quốc gia có liên quan, các nước khác trong khu vực cũng như Mỹ.

Ông cho rằng những căng thẳng mà Trung Quốc gây ra với Việt Nam là một sai lầm nghiêm trọng, bất chấp các lợi ích có liên quan của Bắc Kinh.

Tiêu cực hơn chính là cách hành xử của Trung Quốc với việc phát động một chiến dịch tuyên truyền hung hăng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng nhằm tấn công Việt Nam.

Theo ông Saez, lập trường của Bắc Kinh cần mang tính xây dựng và cân nhắc kỹ. Cho dù thế giới có thể tràn ngập thông tin, nhưng sự thật sẽ luôn được tôn trọng. Mỗi ngày sẽ có thêm hàng nghìn trí thức, nhà ngoại giao, quân nhân và nhân dân trên thế giới hiểu và lên tiếng bảo vệ quyền lợi của Việt Nam.

Việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lụa địa của Việt Nam là một hành động sai lầm của Trung Quốc. Đó không còn là vấn đề của Việt Nam hoặc của Đông Nam Á mà là vấn đề cả thế giới phải quan tâm và lên tiếng bởi lẽ nó đã vượt quá phạm vi của sự ổn định khu vực.

Bên cạnh đó, chuyên gia Harry J.Kazianis tại Viện Nghiên cứu chính sách Trung Quốc thuộc Đại học Nottingham (Anh) cũng chỉ trích mạnh mẽ việc xuất bản bản đồ khổ dọc nói trên cùng những hành động khác của Trung Quốc như hạ đặt phi pháp giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển Việt Nam.

Trong bài bình luận đăng trên chuyên san The Diplomat, ông Kazianis cảnh báo nếu cộng đồng thế giới để mặc Trung Quốc dần dần thay đổi hiện trạng và kiểm soát toàn bộ Biển Đông thì sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm trong khu vực và trên thế giới. Từ đó, chuyên gia này kêu gọi Mỹ phải lưu ý và có hành động ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc.

Tương tự, chuyên gia Matthew Hipple tại Trung tâm an ninh hàng hải quốc tế (Mỹ) cho rằng Mỹ cần theo dõi sát sao tàu hải quân hoặc tàu hải cảnh của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trong bài bình luận đăng trên chuyên trang War on The Rocks, ông Matthew còn đề nghị tàu hải quân Mỹ nên can thiệp hoặc ít nhất quay lại cảnh tàu Trung Quốc đâm vào tàu phi quân sự của các nước khác. Thậm chí ông cho rằng tàu hải quân Mỹ có thể phải chấp nhận va chạm hay bắt đầu hành động can thiệp khi sự tự do đi lại của các nước đồng minh trong khu vực bị xâm phạm.

Sự “ngoa ngôn” của báo chí Trung Quốc

Trong khi đó, trang mạng “Tiền Thiêm” (Tầm nhìn, qianzhan.com) Trung Quốc ngày 5/7 có bài viết tiếp tục luận điệu xuyên tạc, vu cáo thường thấy của truyền thông Trung Quốc, cho rằng Philippines và Việt Nam trước sau “gây phiền phức” cho Trung Quốc ở Biển Đông.

Trung tướng Vương Quán Trung, Phó Tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 13.
Trung tướng Vương Quán Trung, Phó Tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 13.

Bài báo cho rằng, “Việt Nam như người chạy tiếp sức với Philippines để “gây hấn” với Trung Quốc, Việt Nam “đi con đường cũ” của Philippines, nhưng Việt Nam “cứng” hơn Philippines, quyết tâm “đối đầu” cũng kiên quyết hơn.

Bài báo vu vạ nực cười rằng, “trong quá trình đối phó với Việt Nam, Trung Quốc đã khó thoát được hoàn cảnh khó xử “nước lớn bị nước nhỏ bắt cóc”, rằng bất cứ Trung Quốc làm gì ở Biển Đông hay Việt Nam chủ động “khiêu khích, gây sự”, dư luận quốc tế đều đứng về phía Việt Nam.

Bài báo thừa nhận một lý do để Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông, rằng “nếu Trung Quốc không cứng rắn trong vấn đề chủ quyền”, thì sẽ không thể làm dịu thái độ bất mãn ở trong nước. Trung Quốc và Việt Nam tiếp tục tiến hành “khẩu chiến”, “vòi rồng chiến” chỉ có thể là “kế tạm thời thích nghi”.

Bài báo gắp lửa bỏ tay người cho rằng, giữa Trung-Việt có thể bùng phát chiến tranh quy mô lớn thực sự ở Biển Đông bất cứ lúc nào. Cuộc chiến giữa Trung-Việt ở Biển Đông có thực sự phải dùng vũ lực hoàn toàn tùy thuộc vào sự lựa chọn của Việt Nam.

Trung Quốc tuy “quyết tâm, kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, nhưng Trung Quốc sẽ không nổ phát súng đầu tiên”. Bài báo cho rằng, nếu Việt Nam dám nổ phát súng đầu tiên thì Trung Quốc và Việt Nam sẽ lại nổ ra chiến tranh trên biển. Đây thực sự là một ý đồ thâm hiểm vì bài báo đẩy quả bóng về phía Việt Nam, cho rằng cuộc chiến nếu có nổ ra hay không là do Việt Nam.

Lan Phương (Tổng hợp)

No comments:

Post a Comment