Tuesday, July 8, 2014

Tiếp nối Hong Kong: Macau làm trái ý Bắc Kinh

(Baodatviet) - Trung Quốc: Làn sóng trăm hoa đòi dân chủ tại các vùng miền dâng cao, Tân Cương vẫn chưa yên.
Làn sóng biểu tình đòi dân chủ

Sau Hong Kong, chính quyền Bắc Kinh lại thêm một bài toán đau đầu mới. Lần này đến lượt đặc khu Macau. Kinh đô cờ bạc thế giới muốn noi gương Hong Kong tổ chức một cuộc trưng cầu đòi cải cách dân chủ.
Ngày 8/7, ba nhóm hoạt động ở đặc khu Macau thuộc Trung Quốc tuyên bố sẽ tiếp bước Hong Kong lên kế hoạch tổ chức trưng cầu dân ý không chính thức về dân chủ.
Dù chính quyền trung ương Trung Quốc cho rằng cuộc bỏ phiếu này là bất hợp pháp nhưng điều đó không cản được quyết tâm của người Macau.
Các nhóm tổ chức thăm dò ý kiến​​ là Lương tâm Macau, Thanh niên Macau cấp tiến và Xã hội Macau cởi mở. Họ đang có kế hoạch tổ chức trưng cầu dân ý từ 24 đến 30/8 với cả hai cách bình chọn trực tuyến và tại các trạm bỏ phiếu.
Macau là đặc khu hành chính của Trung Quốc giống như Hong Kong, theo "dự kiến" sẽ tái bầu lãnh đạo hiện nay là ông Fernando Chui trong một cuộc "bỏ phiếu" được Bắc Kinh công nhận vào ngày 31/8.
Cuộc biểu tình tại Hong Kong đã có tác động tới Macau
Cuộc biểu tình tại Hong Kong đã có tác động tới Macau
Quy chế bầu lãnh đạo Macau buộc ứng cử viên phải thông qua một hội đồng 400 người, gồm toàn thành viên thân Bắc Kinh trước khi đưa ra cho người dân bỏ phiếu.
"Bằng cách tổ chức một cuộc trưng cầu, chúng ta có thể kích thích sự quan tâm của người dân trong đấu tranh cho một cuộc bầu cử dân chủ chân chính", nhà tổ chức thăm dò ý kiến ​​Jason Chao, nói với hãng tin Reuters hôm 8/7.
Được biết, trong năm vừa qua, người dân Macau càng trở nên bất bình với sự kiểm soát của Bắc Kinh. Đã có hơn 20.000 người xuống đường trong tháng 5 để phản đối chính quyền Trung Quốc.
Trước đó, Trung Quốc cũng phải đối đầu với làn sóng biểu tình rầm rộ nhằm chống đối chính quyền Bắc Kinh ở Hong Kong.
Cụ thể, chiều 1/7, đúng ngày kỷ niệm 17 năm Hong Kong trở về Trung Quốc Đại lục (1/7/1997-1/7/2014), phe dân chủ mở rộng ở Hong Kong đã tổ chức biểu tình, giống như mọi năm kể từ năm 1997, để bày tỏ những yêu sách chính trị của họ.
Trước đó, gần 800.000 người Hong Kong đã bỏ phiếu đồng ý tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý tự do về cải cách dân chủ. Các nhà tổ chức hôm 30/6 đã yêu cầu chính quyền Hong Kong thực hiện nghiêm túc ý nguyện của người dân.
Gần 800.000 người tham gia bỏ phiều lần này chiếm gần 1/4 trong tổng số 3,47 triệu cử tri năm 2012 của Hong Kong, thành phố có dân số khoảng 7,2 triệu người.
Hôm 27/6, hơn 1.000 luật sư Hong Kong đã tuần hành trong yên lặng với trang phục màu đen để phản đối điều mà họ cho là mưu toan của Trung Quốc nhằm xâm phạm sự độc lập tư pháp của đặc khu hành chánh này.
Hôm 24/6, đặc khu trưởng Hong Kong Lương Chấn Anh đã phản đối mạnh mẽ bài xã luận trên tờ Thời báo Hoàn cầu của Trug Quốc khi cho rằng cuộc trưng cầu là “một trò hề bất hợp pháp” và tuyên bố 1,3 tỉ dân Trung Quốc đại lục đủ sức “đè bẹp dí” ý kiến của dân Hong Kong.
Không những thế, ông cũng lên tiếng bảo vệ quyền được đưa ra ý kiến của cử tri: “Nhiều người dân tham gia cuộc trưng cầu đã bày tỏ hy vọng và đòi hỏi với cuộc bầu cử Đặc khu trưởng vào năm 2017”.
Trong một diễn biến có liên quan, Bắc Kinh cũng đang xoay xở với các cuộc biểu tình ở Đài Loan.
Ông Trương Chí Quân (giữa) trong chuyến thăm Đài Loan
Ông Trương Chí Quân (giữa) trong chuyến thăm Đài Loan
Ông Trương Chí Quân Chủ nhiệm Văn phòng các vấn đề Đài Loan thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc (SCTAO) đang có chuyến công du lịch sử đến Đài Loan, ngày 28/6 đã hủy bỏ 2 sự kiện sau khi những người phản đối quan hệ gần gũi hơn với Bắc Kinh đã ném sơn vào đoàn xe của ông, theo hãng tin AP.
Nhiều người ở Đài Loan phản đối quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc, và những người phản đối đã cố gắng ném sơn vào đoàn xe của ông Trương vào tối 27/6.
Hồi cuối tháng 3, hàng nghìn người Đài Loan đã tụ tập xung quanh tòa nhà Quốc hội để phản đối thỏa thuận thương mại giữa vùng lãnh thổ này và Trung Quốc.
Đám đông những người biểu tình mặc đồ đen và ngồi tại chật kín giữa một đại lộ. Họ mang theo những bông hoa hướng dương, biểu tượng của phong trào biểu tình và vẫy những dải băng màu vàng có dòng chữ: “Đấu tranh vì dân chủ, hãy rút lại hiệp định thương mại”.
Họ phản đối ý định của người đứng đầu vùng lãnh thổ này, ông Mã Anh Cửu, chấp thuận một thỏa thuận thương mại có thể khiến các công ty tư nhân của Đài Loan và Trung Quốc Đại lục làm việc trong nhiều lĩnh vực như ngân hàng, chăm sóc sắc đẹp… có thể mở chi nhánh hoặc cửa hàng tại lãnh thổ của cả hai bên.
Tân Cương vẫn chưa yên
Hiện tại chính, quyền Bắc Kinh không chỉ đau đầu với làn sóng biểu tình đòi dân chủ ở các vùng miền Trung Quốc mà rối bời với tình hình bạo loạn ở khu vực Tân Cương.
Truyền thông Trung Quốc hôm 7/7 cho biết, nước này đã phá vỡ hơn 40 tổ chức khủng bố bạo lực, đồng thời bắt giữ hơn 400 nghi can tại khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương.
Báo Pháp chế Trung Quốc cho biết trong số những vụ liên quan đến khủng bố trên, cơ quan công an Trung Quốc đã được người dân cung cấp tin tức và bằng chứng khoảng 10 trường hợp.
Cảnh sát Trung Quốc đứng canh gác ở thủ phủ Urumqi của Tân Cương
Cảnh sát Trung Quốc đứng canh gác ở thủ phủ Urumqi của Tân Cương
Từ những tin tức này, cơ quan chức năng đã truy quét và bắt giữ hơn 100 nghi can cùng nhiều công cụ, thiết bị kích hoạt chất nổ và khối lượng lớn nguyên liệu thô dùng để chế tạo bom.
Trước đó, hôm 21/6, cảnh sát Tân Cương cũng đã bắn chết 13 kẻ tấn công vào đồn cảnh sát của khu vực này.
Khoảng 17h45 chiều ngày 15/5 theo giờ địa phương có ba người đàn ông cầm dao lao vào phòng chơi mạt chược trên đường Nghênh Bân và chém loạn xạ vào những khách đang vui chơi ở quận Hòa Điền, khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương.
Chưa hết, chiều 8/5, cũng tại khu tự trị Tân Cương, tây bắc Trung Quốc, đã xảy ra một vụ tấn công bằng dao nhằm vào lực lượng cảnh sát. Một đối tượng đã bị tiêu diệt và một người bị bắt giữ.
Trước đó, nhiều vụ nổ bom cũng từng xảy ra tại khu vực này. Chính phủ Trung Quốc cho biết, trong năm qua, có khoảng 200 người đã chết trong các cuộc tấn công khủng bố của lực lượng Hồi giáo cực đoan ở Tân Cương.
Những phần tử khủng bố ở Trung Quốc thời gian gần đây đã tăng cường các cuộc tấn công chớp nhoáng, sử dụng các loại vũ khí đơn giản như dao, bom tự chế… ở khắp Trung Quốc, nhắm vào nơi đông người, từ nhà ga xe lửa cho đến đồn cảnh sát.
 09/07/2014 10:34

No comments:

Post a Comment