Tuesday, July 8, 2014

Lao động Việt Nam tại Đài Loan vẫn chịu gánh nặng tiền môi giới


RFI-Thanh Phương
Trong bản báo cáo thường niên về tình hình buôn người trên thế giới, công bố ngày 20/06/2014, trong phần nói về Việt Nam, bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đặc biệt lưu ý về tình hình của người lao động Việt Nam ở nước ngoài, mà trong đó, nhiều người vẫn còn phải chịu gánh nặng tiền môi giới, như trường hợp của các lao động Việt Nam tại Đài Loan, thị trường xuất khẩu lao động lớn nhất của Việt Nam hiện nay.
Bản báo cáo của bộ Ngoại giao Mỹ viết:
“ Các công ty xuất khẩu lao động Việt Nam, hầu hết là các đơn vị thành viên của các công ty nhà nước, và các cá nhân môi giới lao động trung gian không có giấy phép hoạt động, đôi khi đã bắt người lao động phải đóng những khoản phí vượt quá mức quy định của pháp luật để được đi xuất khẩu lao động. Kết quả là, người lao động Việt Nam phải gánh chịu những khoản nợ cao nhất trong số những lao động người châu Á, và họ rất dễ rơi vào cảnh bị cưỡng ép lao động, bao gồm việc phải làm công trừ nợ.
Sau khi đến nước tiếp nhận lao động, một số người mới nhận ra rằng họ bị bắt buộc phải làm việc trong những điều kiện tồi tàn, được trả lương rất ít hoặc không được trả lương, bất chấp những khoản nợ đang đè nặng trên vai, cũng như không được tiếp cận với kênh trợ giúp pháp lý đáng tin cậy nào. Một báo cáo của một tổ chức phi chính phủ năm 2013 cho thấy người lao động thường không được xem trước hợp đồng hoặc bị ép ký các hợp đồng được soạn thảo bằng những ngôn ngữ mà họ không hiểu. Các công ty tuyển dụng lao động xuất khẩu đôi khi không đáp ứng yêu cầu trợ giúp của người lao động khi họ bị bóc lột.”
Tờ Tuổi Trẻ ngày 22/05 vừa qua có báo động về tình trạng ngày càng nhiều lao động Việt Nam bỏ trốn ở Đài Loan, trung bình mỗi tháng có đến 600 lao động bỏ trốn ở nước này. Nguyên nhân của tình trạng đó chính là do các công ty môi giới Đài Loan kết hợp với các công ty xuất khẩu lao động Việt Nam làm ăn gian dối, kiểm soát từ khâu tuyển dụng đến khâu thu phí, bắt người lao động trả phí cao hơn nhiều so với mức quy định. Theo tố cáo của nhiều người lao động và điều tra của bộ Lao động Thương binh Xã hội Việt Nam, các công ty này thu phí từ 5.000 đôla đến gần 10.000 đôla/người, trong khi chi phí thực chỉ chưa đến 4.000 đôla/người.
Tình trạng bỏ trốn ngày càng nhiều như trên không những gây thiệt hại cho người lao động mà còn đẩy thị trường Đài Loan đến nguy cơ đóng cửa đối với Việt Nam do tỷ lệ lao động bất hợp pháp ngày càng tăng.
Trước tình trạng này, theo tờ Tuổi Trẻ, bộ Lao động Việt Nam đã thanh tra và xử lý hành chính hàng chục công ty xuất khẩu lao động sai phạm. Nhưng vấn đề là vào tháng 8 năm ngoái, chính phủ Hà Nội lại ban hành Nghị định 95 về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.”. Trong nghị định này có một điều khoản quy định phạt từ 80  triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với những lao động “ bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng”, trong khi như ta đã thấy ở trên, nhiều lao động Việt Nam đã bỏ trốn bởi vì không chịu được cảnh làm việc gần như nô lệ, hậu quả của việc thu phí môi giới quá cao.
Không chỉ có lao động Việt Nam, mà nhiều phụ nữ Việt Nam lấy chồng Đài Loan nay cũng rơi vào tình trạng bất hợp pháp do không nhập được quốc tịch Đài Loan, mà lại không có tổ chức, đoàn thể nào đứng ra bảo vệ quyền lợi cho họ.
Để tìm hiểu thêm về tình hình của người lao động Việt Nam và cô dâu Việt ở Đài Loan, sau đây mời quý vị nghe phần phỏng vấn linh mục Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp Cô dâu và Lao động Việt Nam, trụ sở tại Đào Viên, Đài Loan:
http://telechargement.rfi.fr/rfi/vietnamien/audio/modules/actu/201407/LM_Nguyen_Van_Hung.mp3

No comments:

Post a Comment