Thursday, June 2, 2016

Vì sao vẫn chưa công bố nguyên nhân cá chết?

Gia Minh, PGĐ Ban Việt ngữ RFA 2016-06-02  
ca-chet-quang-binh-622.jpg
 Cá và hải sinh vật chết hằng loạt ở bờ biển Quảng Bình hôm 6/4/2016. File photo
Nguyên nhân cá và hải sinh vật chết hằng loạt hồi đầu tháng tư vừa qua đến nay vẫn chưa được công bố. Vậy có những vấn đề gì liên quan và cơ quan chức năng có những biện pháp hỗ trợ nào cho ngư dân bị tác động?
Gia Minh hỏi chuyện ông Nguyễn Tử Cương, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông, Lâm và Thủy sản- Nafiqad và hiện là thành viên Hiệp Hội Nghề Cá Việt Nam. Trước hết ông cho biết:

Vì sao có kết quả nhưng không công bố?

Nguyễn Tử Cương: Về việc cá chết tấp vào bờ thì hiện nay chính phủ, các bộ ngành rồi các chuyên gia nước ngoài, trong đó có chuyên gia Nhật, Đức và Úc lấy mẫu để phân tích. Theo tôi được biết thì kết quả đã có rồi nhưng người ta chưa công bố. Các nhà khoa học còn đang thảo luận với nhau để có được một công bố thật khách quan, và chính xác.
Về việc cá chết tấp vào bờ thì hiện nay chính phủ, các bộ ngành rồi các chuyên gia nước ngoài, trong đó có chuyên gia Nhật, Đức và Úc lấy mẫu để phân tích. Theo tôi được biết thì kết quả đã có rồi nhưng người ta chưa công bố.
-Nguyễn Tử Cương
Tuy nhiên đối với tình trạng cá bị chết thì đến nay không còn nữa, từ lâu không còn nữa. Tại những vùng cá chết thì đã thực hiện biện pháp cấm biển ven bờ, cho đến giờ này vẫn chưa mở lại. Sau khi có nguyên nhân đã, xác nhận nguyên nhân là gì, tác hại của nó đến đâu và thứ ba nữa là dư lượng có còn trong nước biển và trong trầm tích dưới đáy biển không thì lúc đó mới có thể có chỉ đạo từ phía chính phủ cho phép hay không cho phép sản xuất. Hoặc phục hồi (một hóa chất nào đó), thì phục hồi như thế nào. Lúc đó người ta sẽ phải tính toán.
Gia Minh: Như ông nói là ngưng không đánh bắt tại những vùng biển gần; nhưng cũng có sản phẩm đưa về và người dân ăn rồi bị ngộ độc; chuyện đó thế nào?
Nguyễn Tử Cương: Vùng biển ven bờ đúng ra từ Hà Tĩnh trở vào cho đến bắc Thừa Thiên - Huế cho đến thời diểm này bán cá cực kỳ khó khăn. Kể cả cá đánh cá ở khơi xa về người dân vẫn nghi ngại không mua.
Có thể thông tin để những nhà nhập khẩu yên tâm: cá đánh bắt ven bờ gần như không phải đối tượng để xuất khẩu; nên những nhà nhập khẩu cũng không phải lo lắng. Họ biết những loài cá sống ở đâu do vậy chúng tôi không gặp khó khăn gì trong xuất khẩu.
000_9Y4W5-622.jpg
Cá chết ở bờ biển huyện Quảng Trạch, Quảng Bình hôm 20/4/2016.
Tuy nhiên trong tiêu dùng nội địa, các tỉnh kiểm soát rất nghiêm ngặt. Tàu bè về đều có theo dõi đánh ở đâu, sau đó cấp giấy chứng nhận kèm theo lô hàng bao nhiêu tấn. Lúc đó người tiêu dùng hoặc các doanh nghiệp mới mua để chế biến nội địa.
Gia Minh: Có những nhà nhập khẩu nào nêu thắc mắc về sản phẩm của Việt Nam trong thời gian gần đây không?
Nguyễn Tử Cương: Tôi không làm trực tiếp ở cơ quan quản lý chất lượng nên tôi không nắm được thông tin này; nhưng qua kinh nghiệm thì chắc chắn có những doanh nghiệp hỏi. Các trả lời cũng như vây thôi; tuy nhiên nhà nhập khẩu họ cũng cảnh giác. Họ sẽ kiểm tra những chất mà họ có thể nghi ngờ. Cho đến thời điểm này thì chưa phát hiện ra điều gì đáng lo ngại về an toản thực phẩm đối với thủy sản Việt Nam xuất khẩu đi các nước.

Cần các nhà hảo tâm

Gia Minh: Với kinh nghiệm người làm về chất lượng thì ông thấy đối với những người nuôi trồng thủy hải sản trong thời gian này họ cần phải có những biện pháp gì để có thể đáp ứng được những tiêu chuẩn qui định?
Nguyễn Tử Cương: Như tôi nói chính phủ đã thực hiện lệnh cấm và người dân cũng tự giác thực hiện là không nuôi, kể cả kể cả nuôi ở biển và lấy nước biển vào nuôi ven bờ. Họ không làm nữa. Đi đánh cá ven bờ, người ta cũng không đi. Chính phủ cũng lo một việc là mỗi người trong hộ chịu thiệt hại bởi ngành nghề do cá chết gây ra được 15 kg gạo một tháng.
Hội Nghề Cá, Hội Chữ Thập Đỏ, Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tổ chức một cuộc vận động (dù không ai bảo, chúng tôi tự làm thôi) theo nguyên tắc ‘lá lành đùm lá rách’.
-Nguyễn Tử Cương
Rồi có chính sách nếu trước đây đã vay vốn nuôi cá, nuôi tôm, bây giờ  không được nuôi nữa, phải chờ thì vốn đó được hoãn thời gian trả nợ, giảm lãi suất. Và sau khi có quyết định nuôi trở lại thì người ta được vay vốn tiếp.
Việc vay vốn tiếp thì chưa, nhưng các động tác khác thì đã làm.
Gần đây nhất vào ngày 23 tháng 5, Hội Nghề Cá có văn bản đề nghị chính phủ ban hành lệnh hỗ trợ tiếp cho đến khi nào môi trường được phục hồi; vì trước đây chỉ hỗ trợ 1 tháng rưỡi thôi, nay hơn 1 tháng rưỡi rồi.
Gia Minh: Đó là những biện pháp từ phía chính quyền, ngoài ra còn có những biện pháp gì khác để giúp cho người dân ổn định cuộc sống trong lúc này?
Nguyễn Tử Cương: Hội Nghề Cá, Hội Chữ Thập Đỏ, Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tổ chức một cuộc vận động (dù không ai bảo, chúng tôi tự làm thôi) theo nguyên tắc ‘lá lành đùm lá rách’.
Chúng tôi vận động, cung cấp những địa chỉ chứ chúng tôi không nhận tiền trực tiếp. Những địa chỉ đang bị thiệt hại: hộ nào, ở đâu đang chịu thiệt hại gặp những khó khăn gì. Chúng tôi vận động bà con trong nước, những người có hảo tâm có thể đến giúp đỡ cho từng gia đình một.
Trong trường hợp họ không đến trực tiếp được thì có một tài khoản của Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, họ gửi trực tiếp vào đó.
Việc sử dụng rất minh bạch; tức đem đi đâu, làm gì, cho ai đều có chứng từ và chữ ký của người được nhận đầy đủ.
Gia Minh: Phương pháp làm sao để có được danh sách chính xác?
Nguyễn Tử Cương: Chính quyền từng nơi một có thống kê rất đầy đủ. Bản thân các tổ chức xã hội, nghề nghiệp cũng kiểm chứng lại danh sách. Chúng tôi có những danh sách đó trong tay, dựa vào đó chúng tôi cung cấp thông tin cho những người hảo tâm có mong muốn hỗ trợ cho những bà con đang gặp khó khăn.
Gia Minh: Cám ơn ông.

No comments:

Post a Comment