Nguyễn Cao-03-06-2016
(VNTB) - Theo bản kế hoạch của Việt Nam và Hoa Kỳ về tăng cường thương mại và quan hệ lao động (phụ lục được ký giữa Hoa Kỳ và Việt Nam liên quan tới chương lao động trong TPP), từ nay tới khi TPP có hiệu lực, Việt Nam sẽ phải thực hiện cải cách thể chế và pháp lý về quyền tự do liên kết. Sau đó, khi TPP có hiệu lực, tổ chức của NLĐ tại DN có thể được thành lập ngay.
Ngày 1-7-2016, Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS) sửa đổi sẽ có hiệu lực. Theo đó, quy định công đoàn có quyền khởi kiện và tham gia tố tụng những vụ án lao động khi quyền lợi của người lao động (NLĐ) bị xâm phạm.
Vấn đề mà người viết muốn đề cập ở đây, là các nhà vận động cho thành lập tổ chức công đoàn độc lập dường như vẫn chưa quan tâm đến hệ thống pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi của NLĐ. Trong đó có vấn đề liên quan đến tố tụng lao động, khoảng 100 điều, khoản nằm rải rác trong các chương, điều của Bộ luật TTDS 2015. Do đó yêu cầu những nhân sự cho hình thành các tổ chức công đoàn độc lập trong tương lai phải am tường pháp luật, để có thể dung hòa được quyền lợi chủ doanh nghiệp và người lao động, là một cần kíp.
Công đoàn không phải là nơi chăm chăm hút máu chủ doanh nghiệp
Điều 26, Luật Công đoàn quy định, tất cả các doanh nghiệp (DN) đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, dù có hay không tổ chức công đoàn cũng phải đóng phí công đoàn. Trong tổng số phí này, 65% để lại cho công đoàn cơ sở, 35% còn lại nộp cho công đoàn cấp trên.
Quy định này có quá nhiều bất ổn và sẽ dễ dàng vô hiệu hóa các tổ chức công đoàn độc lập mà Việt Nam phải chấp nhận theo thỏa thuận từ cam kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Bởi nếu các công đoàn độc lập vẫn lệ thuộc một tổ chức công đoàn cấp trên như quy định tại điều 26, Luật Công đoàn thì đây là mối quan hệ phụ thuộc của cấp trên – cấp dưới; trong đó phía Tổng liên đoàn lao động Việt Nam lại dùng quyền lực chính trị là “Đảng đoàn” để có thể áp đặt các quy định có lợi cho chính tổ chức của mình.
Về lý thuyết, công đoàn là tổ chức tự nguyện do NLĐ thành lập để bảo vệ lợi ích hợp pháp và chính đáng của mình, nên trong chừng mực nhất định, đây là tổ chức đối lập với người sử dụng lao động (trong trường hợp có xung đột quyền và lợi ích). Việc bắt buộc người sử dụng lao động (NSDLĐ) phải đóng một khoản tiền không nhỏ cho công đoàn hàng tháng là một điều rất vô lý. Đúng lý là phải lấy nguồn thu từ công đoàn để lo cho công đoàn thì mới đúng tính chất đại diện, lấy chỗ khác (tức NSDLĐ) để nuôi công đoàn là không ổn. Tuy nhiên thời gian qua nghịch lý này vẫn được chấp nhận, với DN, đó là điều giống như một khoản phí hành chánh buộc phải có, hơn là mang ý nghĩa của tiếng nói cho quyền lợi NLĐ.
Cũng nói thêm, tại khoản 3, điều 26 về tài chính công đoàn, nêu một trong các nguồn thu của công đoàn là “ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ”. Ghi như thế là hoàn toàn không đúng vì theo điều 10, Luật Ngân sách nhà nước 2002 “ngân sách nhà nước bảo đảm cân đối kinh phí hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (trong đó có Tổng liên đoàn lao động Việt Nam)”. Như vậy, đối với công đoàn ngân sách nhà nước bảo đảm có nghĩa là cấp đủ chứ không phải chỉ cấp hỗ trợ như những tổ chức khác. Hơn nữa, rõ ràng ngân sách cho công đoàn được cấp trùng hai lần: một lần do Chính phủ cấp theo Luật Ngân sách nhà nước và một lần (đóng 2% trên tổng số lương thực trả) từ NSDLĐ.
Đừng nhân danh NLĐ để bóc lột DN nữa!
Ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sông Hồng, phản ứng gay gắt rằng những chi phí trong sản xuất của các DN phải gánh chịu là quá lớn, quá sức chịu đựng, trong đó đặc biệt là các phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm cùng thứ chi phí vô cùng phi lý là phí công đoàn.
“Cùng với những năm tháng DN phải vật vã vì thiếu vốn, lãi suất quá cao, hàng hóa luôn không đủ vì thời gian dài VN bị phong tỏa, hạn chế giao thương với thế giới bên ngoài... đã làm các DN kiệt quệ về tài chính, không thể mở rộng hay tự tích tụ để tái đầu tư... Đó mới chính là căn nguyên cơ bản xô đẩy DN đến bước đường cùng của khốn khó. Công nhân nếu như có đấu tranh bởi họ không biết được sự thật cay đắng đằng sau đó là gì khi mà các DN đang phải hàng ngày gồng mình lên chống chọi, tìm mọi phương cách để mỗi ngày có thể đem lại những gì tốt đẹp hơn cho họ.
Tổng liên đoàn lao động có viện này, viện kia hoành tráng lắm, nhưng thử hỏi đã có bao giờ Tổng liên đoàn nghiên cứu để tự tìm ra câu trả lời này chưa, để biết thực chất những khó khăn của DN? Giá như từ vị trí xã hội của mình, các vị biết chia sẻ với DN, biết lắng nghe để tháo gỡ, xóa bỏ những rào cản, những khó khăn cho DN thì chúng tôi sẽ cảm kích biết bao. Nhưng rất tiếc, chưa bao giờ chúng tôi được nghe những điều tâm huyết gan ruột đó. Phải chăng các vị luôn tránh né vì trong đó đụng chạm tới lợi ích phí công đoàn của chính các vị?”. Ông Bùi Đức Thịnh, nói.
Không phân biệt đối xử
Theo bản kế hoạch của Việt Nam và Hoa Kỳ về tăng cường thương mại và quan hệ lao động (phụ lục được ký giữa Hoa Kỳ và Việt Nam liên quan tới chương lao động trong TPP), từ nay tới khi TPP có hiệu lực, Việt Nam sẽ phải thực hiện cải cách thể chế và pháp lý về quyền tự do liên kết. Sau đó, khi TPP có hiệu lực, tổ chức của NLĐ tại DN có thể được thành lập ngay.
Trong năm năm kể từ ngày TPP có hiệu lực, Việt Nam sẽ phải thực thi đầy đủ các cam kết về quyền tự do liên kết, bao gồm cả liên kết ở cấp cao hơn (upper-level labour union) là liên kết theo ngành và theo vùng.
Cũng theo bản kế hoạch này, các tổ chức của NLĐ cấp cơ sở phải đăng ký hoạt động với cơ quan nhà nước có thẩm quyền (có thể là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) và có thể lựa chọn trực thuộc Tổng liên đoàn lao động, hoặc hoạt động độc lập.
Điểm đặc biệt, tổ chức của NLĐ (nếu không trực thuộc Tổng liên đoàn lao động) sẽ có người đại diện, cơ chế hoạt động riêng, được quyền thay mặt cho lao động mà họ đại diện, tổ chức đình công, thương lượng tập thể và nhiều hoạt động khác liên quan tới quyền của NLĐ tại DN và ở cấp cao hơn. Như vậy nếu hệ thống luật về công đoàn của Việt Nam vẫn chưa có sự thay đổi, thì nguyên tắc đưa ra là các tổ chức của NLĐ sẽ được hưởng 2% quỹ lương của DN trên cơ sở “không phân biệt đối xử”. Tức là tổ chức cơ sở thuộc hệ thống Tổng liên đoàn lao động được hưởng thế nào thì tổ chức ngoài hệ thống cũng được hưởng như vậy.
Từ các góc nhìn nói trên cho thấy nguồn nhân lực thực sự am tường pháp luật về công đoàn khi hình thành các tổ chức công đoàn độc lập là hết sức bức thiết. Thời gian qua một số tổ chức vận động kêu gọi quyền thành lập công đoàn độc lập, quyền tự do lập hội vẫn dừng ở mức độ thông báo về các quyền mà người dân đương nhiên thụ hưởng. Đi sâu vào bảo vệ các quyền lợi ấy như thế nào trong các DN, trong tổ chức hội, đoàn vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Lưu ý, trên thế giới chỉ có Việt Nam và Trung Quốc là đang áp dụng hình thức DN phải đóng tiền để nuôi hệ thống công đoàn.
Vai trò của hệ thống công đoàn lâu nay đang bị “lung lay” khi Việt Nam là thành viên của TPP. Sau khi gia nhập TPP, NLĐ có thể tự liên kết để thành lập tổ chức công đoàn cấp cơ sở và có lộ trình để liên kết với nhau mà không cần trực thuộc Tổng liên đoàn lao động. Tuy nhiên, vai trò độc quyền của Tổng liên đoàn lao động chỉ có thể chấm dứt khi sửa đổi điều 9, Hiến pháp, chấm dứt việc tổ chức công đoàn là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
No comments:
Post a Comment