QUẢNG NAM (NV) - Công an tỉnh Quảng Nam vừa khởi tố bảy người “tàng trữ và tiêu thụ tiền giả.” Một số cơ quan truyền thông tại Việt Nam tiếp tục hướng dẫn cách phân biệt các tờ bạc là “thật hay giả.”
Tiền giả được trộn với tiền thật rồi cột thành bó để phát tán trong vụ án mới bị phát giác ở Quảng Nam. (Hình: Công an Quảng Nam)
|
Nhiều năm nay, tiền giả vẫn là vấn nạn dai dẳng đối với an ninh kinh tế của Việt Nam.
Vụ án mới nhất liên quan đến tiền giả xảy ra tại tỉnh Quảng Nam. Công an tỉnh Quảng Nam vừa khởi tố bốn người đàn ông và ba người phụ nữ vì “tàng trữ và lưu hành tiền giả,” loại có mệnh giá 200,000 đồng.
Cả bảy người vừa kể cư ngụ tại nhiều tỉnh ở miền Bắc Việt Nam như: Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Nghệ An. Họ mang tiền giả vào Quảng Nam rồi chia nhau tiêu thụ bằng cách dùng nó mua hàng có giá trị thấp để nhận tiền thối lại là tiền thật hoặc đặt mua các lô hàng với số lượng lớn, khi thanh toán thì trộn tiền giả vào các bó tiền thật, rồi bán lại các lô hàng với giá rẻ để nhanh chóng gom tiền thật về.
Giống như hàng trăm vụ án liên quan đến tiền giả khác tại Việt Nam, toàn bộ 200 triệu đồng tiền giả trong vụ án này đều được mua từ Trung Quốc. Cũng cần nhắc lại là hồi 2002, Quảng Nam từng bắt được một công dân Trung Quốc tổ chức tiêu thụ số tiền giả trị giá đến 1.4 tỉ đồng. Dẫu có một người bị phạt tử hình, hai người bị phạt tù chung thân nhưng không ăn thua. Tiền giả từ Trung Quốc vẫn cứ ố ạt chảy vào Việt Nam.
Hồi Tháng Ba vừa qua, Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam cho biết lượng tiền giả mà hệ thống ngân hàng và ngân khố quốc gia thu giữ trong năm 2015 tiếp tục tăng, nếu so với năm 2013 thì tăng khoảng 23% và khuynh hướng đó có dấu hiệu mạnh mẽ hơn từ giữa năm 2015 đến nay. Nếu so với năm 2013, lượng tiền giả mà hệ thống ngân hàng và ngân khố quốc gia thu giữ trong năm 2015 tăng khoảng 23%.
Theo Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam thì các nhân viên ngân hàng, ngân khố có thể dễ dàng phát giác tiền giả khi kiểm tra những yếu tố bảo an trên tờ bạc (hình chìm, mực đổi màu,…). Song vì đa số công chúng không đủ hiểu biết về các đặc điểm bảo an của tờ bạc nên vẫn dễ nhận nhầm tiền giả. Cơ quan này khuyến cáo công chúng nên dành thời gian tìm hiểu về cách nhận biết các đặc điểm bảo an trên tờ bạc, kiểm tra kỹ những tờ bạc mà họ nhận từ các giao dịch hàng ngày.
Có một thực tế mà Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam tránh đề cập, đó là trước nay, toàn bộ tiền giả mà công an Việt Nam thu giữ từ các vụ mua bán, vận chuyển, cố tình tàng trữ và lưu hành tiền giả đều có xuất xứ từ Trung Quốc.
Tiền giả đe dọa an ninh kinh tế nên quốc gia nào cũng xem việc sản xuất, mua bán, cố tình tàng trữ và lưu hành tiền giả là trọng tội. Chống tiền giả thường là một nỗ lực có tính cách quốc tế. Riêng với Việt Nam - nơi mà tất cả các vụ phạm tội liên quan đến tiền giả đều đã xác định được xuất xứ là từ Trung Quốc thì lại chưa bao giờ thấy yêu cầu Trung Quốc phối hợp ngăn chặn dòng tiền giả và xử lý từ gốc. Có thể cả chính quyền Việt Nam lẫn công an Việt Nam đều biết nguyên nhân vì sao và kết quả sẽ thế nào. (G.Đ)
No comments:
Post a Comment