Thursday, August 21, 2014

Xin làm một chiến sỹ thông tin



Phạm Thanh Nghiên (Danlambao) - Lần đầu tiên tôi nghe đến chữ “Dân Làm Báo” khi còn đang ở tù. Chương trình thời sự tối ngày 12 tháng 9 năm 2012 của Đài Truyền hình Việt Nam phát toàn văn lệnh của ông Nguyễn Tấn Dũng “chỉ đạo điều tra xử lý việc đăng tải thông tin có nội dung chống Đảng và Nhà nước”. Ba trang blog điện tử “được” nêu đích danh là “Dân làm báo” , “Quan làm báo”, “Biển Đông” (kèm theo dấu ba chấm tức còn nhiều trang khác) bị kết tội là những tờ báo “phản động, đăng tải thông tin bịa đặt, bôi đen bộ máy lãnh đạo Nhà nước...” là “thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch”. Ông thủ tướng chỉ thị truy bắt, trừng trị những kẻ có liên can và cấm cán bộ truy cập vào những trang Web nói trên. Tôi đã hiểu ra rằng: một nền báo chí “Lề dân” đã thực sự được cất cánh, thực sự đe dọa sự độc tôn của nền “báo chí nói dối” vốn tồn tại hàng chục năm tại Việt Nam.

Danlambao chính thức ra đời vào ngày 22 tháng 8 năm 2010. Ngày ấy tôi mới chuyển từ trại tạm giam Trần Phú đến trại 5 Thanh Hóa được hơn bốn tháng. Tất nhiên, tôi không hay biết về sự kiện này cũng như đã không biết chút tin tức nào về tình hình tranh đấu ở bên ngoài kể từ ngày bị bắt, ngoại trừ những thông tin liên quan đến việc bắt bớ được phát trên chương trình Thời sự hay vô tình đọc được ở một tờ báo nào đó. Bốn năm, bao nhiêu người đã lần lượt vào tù. Trong số họ, có những người tôi đã may mắn từng được làm việc chung, được quen biết và cũng có không ít người tôi chưa từng nghe tên. Không có chút tin tức gì về người thân, về công cuộc tranh đấu ngoài tin bắt bớ quả thật là một điều kinh khủng đối với một người tù chính trị.

Mỗi khi nghe tin ai đó bị bắt hay bị ra tòa, tôi lại lấy cuốn sổ tay nho nhỏ ghi lại chi tiết tên tuổi, án tù và tội danh họ bị gán ghép như là một việc làm mang ý nghĩa để tri ân, để cảm nhận sự có nhau trong thế giới lao tù thương đau, nghiệt ngã. Số đồng đội của tôi còn ở ngoài chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhiều người quen và cả những người không quen đã lần lượt vào tù. Nhưng, cuốn sổ tay cũng đã khiến tôi nghiệm ra một điều: Nhiều người bị bắt đồng nghĩa với việc đã có rất nhiều người vượt qua sợ hãi để góp sức tranh đấu cho Tự do của chính mình và Dân tộc.

Trở lại với việc ông thủ tướng cấm đọc Dân Làm Báo và một số trang báo cổ vũ cho quyền Tự do thông tin, Tự do ngôn luận khác. Nhiều người nhận xét rằng ông Dũng đã “giật mình” khi thấy bộ máy tuyên truyền đồ sộ “lề đảng” bị yếm thế trước hệ thống thông tin “lề dân”. Không chỉ ông Dũng giật mình đâu. Mà đó là sự sợ hãi của cả một thể chế độc tài trước nguy cơ bị vạch trần tội ác bởi những “nhà báo” không cần cấp thẻ, không bị giới hạn bởi những nghị quyết, chỉ thị của Ban tuyên giáo, của đảng. Thực tế đã cho thấy “tác dụng ngược” của những cấm đoán do đảng cộng sản, khi thì dưới danh nghĩa thủ tướng, rồi đủ thứ thông tư hay nghị định “hầm bà làng - ba lăng nhăng” các loại do bộ nọ ngành kia vẽ ra. Cấm mà cấm không nổi. Vì bây giờ khác xưa rồi, cái thu hút người dân là “Sự Thật” chứ không phải những luận điệu tuyên truyền dối trá.

Không thể bịt miệng người dân cũng như không thể ngăn cản được quyết tâm đã được xác quyết trong bài viết kỷ niệm 4 năm thành lập Dân Làm Báo, xin trích:

“Là một phương tiện chiến lược để góp phần xây dựng phong trào, mục tiêu tối hậu của Dân Làm Báo là qua việc thay đổi nhận thức, chúng ta sẽ góp phần xây dựng sức mạnh quần chúng. Để một ngày không xa, hàng hàng lớp lớp người dân Việt Nam sẽ cùng bước ra khỏi nhà, cùng giơ cao tay hô lớn: CHÚNG TA là Tự Do và Độc tài Đảng trị phải ra đi!”

Xin hãy nhận từ tôi, một Chiến sĩ trên mặt trận Thông tin của Tự do và Sự thật lời chúc sức khỏe và thành công.


No comments:

Post a Comment