Thursday, August 21, 2014

Dân cần cán bộ tốt hơn trụ sở to

Để công tác quản lý hành chính tốt hơn, cần sử dụng những kỹ thuật bổ trợ, sử dụng triệt để công nghệ thông tin trong công tác điều hành…
Nhân đọc bài “Trung tâm hành chính: Biểu tượng quyền lực hay không gian giao tiếp?” mà Pháp Luật TP.HCM vừa phản ánh, tôi góp thêm một số ý kiến. Theo quan điểm của tôi, kiến trúc của trung tâm hành chính cũng cần nhưng là cái vỏ bên ngoài. Quan trọng hơn cả là nội dung thể chế, phương thức vận hành của bộ máy, con người ngồi bên trong cái vỏ đó như thế nào để phát huy hiệu quả công việc…
Phải đáp ứng tốt nhu cầu người dân
Xưa nay, qua nghiên cứu tôi thấy có hai loại hành chính song song tồn tại: hành chính cai trị và hành chính dịch vụ. Mác có nói đại ý là “khi xã hội văn minh và phát triển đến một mức nào đó thì nhà nước nhỏ lại và tiêu vong”. Đó chính là nhà nước cai trị sẽ tiêu vong và chỉ còn lại nhà nước cung cấp dịch vụ hành chính.
Xã hội ta ngày càng phát triển, nền dân chủ XHCN ngày càng củng cố, do đó không có lý do gì phát triển loại hành chính cai trị mà ngược lại phải phát triển hành chính dịch vụ. Hành chính dịch vụ sẽ hướng tới một nền hành chính gần dân, lấy nhân dân làm trung tâm (chủ thể), đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chính đáng của nhân dân.
Người dân đang làm thủ tục hành chính tại UBND quận 1, TP.HCM. Ảnh: HTD
Chúng ta có thể hình dung một cách nôm na là hành chính dịch vụ như doanh nghiệp dịch vụ, hướng về lợi ích của khách hàng thay vì đối xử với dân theo kiểu một người cai trị. Những công chức làm việc trong đó có chuyên môn, hiểu biết tâm lý, có kiến thức xã hội để có thái độ xử sự gần dân. Riêng người lãnh đạo thì luôn phải nêu gương và đòi hỏi cao đối với công chức dưới quyền thực hiện đúng nghĩa vụ trách nhiệm của họ... Ngoài ra, theo tôi, hoạt động hành chính dịch vụ đòi hỏi tổ chức bộ máy hành chính thích hợp, hoạt động hiệu quả, hiệu lực. Phân công phân cấp trách nhiệm rõ ràng; thực hiện “một cửa”; áp dụng những tiến bộ kỹ thuật hỗ trợ hoạt động hành chính; tạo sự thuận lợi tối đa cho dân...
Qua thực hiện nền hành chính dịch vụ, nhân dân sẽ thấy gần gũi, gắn bó với địa phương mình, gắn bó với chính quyền. Công chức nhận rõ sự vừa lòng hay không vừa lòng của dân (khách hàng) mà điều chỉnh thái độ, hành vi, lề lối làm việc theo hướng không ngừng hoàn thiện.
Tận dụng công nghệ thông tin
Có ý kiến cho rằng nguyên nhân dẫn đến nhiều bất cập hiện nay là do trình độ của công chức. Nói như vậy chỉ đúng một phần. Trong thực tế nhiều khi một công chức được đào tạo bài bản, khi thực thi công vụ do không bị những ràng buộc của một quy định chặt chẽ nhiều khi dẫn đến sai phạm. Thậm chí một số công chức còn “vận dụng” trình độ để “lách luật” gây nhũng nhiễu. Vì thế, công chức vừa phải có tâm, vừa phải có tầm. Tâm phải đặt lên hàng đầu sau đó mới tầm. Để hỗ trợ cho cái tâm có điều kiện phát huy, trong giai đoạn hiện nay theo tôi phải sử dụng những kỹ thuật bổ trợ như quản lý chất lượng thực thi công vụ của cơ quan theo tiêu chuẩn ISO 9000, phải sử dụng triệt để công nghệ thông tin trong công tác điều hành…
Ngoài ra, theo tôi, nếu chúng ta muốn xây dựng một nền hành chính có hiệu lực, hiệu quả thì phải có quy định về hoạt động công vụ (như tổ chức công sở, trách nhiệm của công chức khi thi hành công vụ; quan hệ trong công vụ; thủ tục hành chính). Có một quy định hoạt động công vụ đầy đủ và minh bạch sẽ tạo điều kiện cho việc giám sát, kiểm tra xử lý của cấp lãnh đạo, nhân dân, công luận được dễ dàng. Công chức có cẩm nang dựa vào đấy mà thực thi công vụ một cách mẫn cán, minh bạch và vô tư.
Chính quy định, quy chế hoạt động công vụ là cái ta đang thiếu, cần nhanh chóng ban hành. Trong lúc chờ đợi có một quy chế chung thống nhất, từng đơn vị, cơ quan, địa phương có thể chủ động soạn thảo ban hành quy chế tạm thời-coi đấy là khâu có tính chất đột phá cần gấp rút triển khai.
Thứ Năm, ngày 21/8/2014 - 01:10
DIỆP VĂN SƠN

Phát huy công tác xã hội hóa dịch vụ công
Một điểm nữa tôi cho rằng muốn xây dựng nền hành chính dịch vụ cần phải tăng cường xã hội hóa dịch vụ công, chính quyền phải giảm bớt nội dung quản lý. Bởi hiện nay nhu cầu của xã hội quá lớn nhưng khả năng của Nhà nước lại có hạn (có hạn về tài chính trong kiểm soát chi phí, kém hiệu quả trong chi tiêu, Nhà nước quá tải cung cấp dịch vụ chi phí cao hiệu quả thấp). Tôi cho rằng phát triển xã hội hóa dịch vụ công sẽ tăng tính cạnh tranh trong việc cung cấp dịch vụ, điều này chỉ có lợi cho khách hàng (nhân dân). Chưa kể là khi thực hiện điều đó, chúng ta sẽ giúp gắn bó quyền lợi giữa bên cung cấp dịch vụ và người thụ hưởng…

No comments:

Post a Comment