Thursday, August 21, 2014

69 năm vẫn chưa xác lập xong quyền tự do kinh doanh



Published on August 21, 2014   ·   
XHCN-CONGSAN

“Chúng ta phải mất một thời gian rất dài là 48 năm (1945-1992) để xác lập quyền tự do kinh doanh. Và mất đến 69 năm để xác lập hoàn chỉnh quyền tự do kinh doanh (1945-2013)”, ông Nguyễn Đình Lục, nguyên Vụ trưởng Vụ pháp luật Văn phòng trung ương Đảng đã nói như vậy; trong thời điểm Chính phủ còn đang đốc thúc các bộ, ngành rà soát các điều kiện, ngành nghề kinh doanh cho kịp thời điểm sửa Luật doanh nghiệp.
Phát biểu tại cuộc tọa đàm trao đổi về quyền tự do kinh doanh do Bộ Tư pháp và CLB pháp chế doanh nghiệp tổ chức hôm 20-8 tại Hà Nội, ông Lục nói rằng từ bản Hiến pháp đầu tiên (1946) đã xác định: “Quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam được đảm bảo”. Với quy định, quyền tư hữu về tài sản từ tất cả các nguồn, kể cả tài sản do kinh doanh mà có được nhà nước đảm bảo. Và đến Hiến pháp 2013 thì quyền này càng được khẳng định rõ: “Mọi người được quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm”.
Luật thì ghi như vậy nhưng thực tế, cá nhân, doanh nghiệp muốn thực hiện quyền của mình như pháp luật quy định không hề dễ dàng.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch CLB pháp chế ngân hàng, đồng thời là luật sư cho Ngân hàng ACB trong vụ án xét xử bầu Kiên vừa qua đặt câu hỏi: “Tôi muốn biết “chất” thật sự quyền tự do kinh doanh thế nào?” Ông diễn giải rằng, không thể hiểu được có những cái luật không cấm nhưng các văn bản dưới luật lại cấm.
Câu hỏi của ông Đức được đặt ra trong thời điểm, Bộ KH-ĐT rà soát, dự tính có 8 nghề kinh doanh bị cấm nhưng hiện có đến 386 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Cùng với nó là 895 điều kiện kinh doanh “cấp 1”, 2.129 điều kiện kinh doanh “cấp 2” và 1.745 điều kiện “cấp 3”.
Hầu hết các bộ, ngành cũng không rà soát, cắt giảm như đề xuất của Bộ KH-ĐT, nhất là các bộ như Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên Môi trường là những nơi có “rừng” thủ tục, quy định dưới luật nhiều nhất.
Ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) , người tham gia rà soát Hiến pháp (sửa đổi) trả lời rằng: “Hạn chế quyền tự do kinh doanh và cấm kinh doanh phải bằng luật. Các văn bản dưới luật không được phép làm thay luật việc này vì Hiến pháp quy định thế”.
Song thực tế, đang diễn ra không như những gì ông Thảo nói. Để đáp ứng được sự “đa dạng” của các điều kiện kinh doanh được đặt ra, ví dụ như 110 ngành nghề đòi giấy phép kinh doanh với 171 loại giấy phép kinh doanh, 345 ngành nghề yêu cầu phải có chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, những người muốn kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm phải rất kiên trì mới đáp ứng được điều kiện kinh doanh.
Bà Vũ Thị Hoa, giám đốc Công ty TNHH thương mại và sản xuất VINABLOK nói rằng, quyền tự do này dù được khẳng định nhưng việc thực hiện nó phụ thuộc rất nhiều vào cơ chế đăng ký kinh doanh. Việc đăng ký kinh doanh và cơ chế đi kèm đã cản trở việc thực hiện quyền tự do. “Nó được xây dựng trên quan điểm thuần túy quản lý nhà nước”, bà nói. Vì quan điểm như vậy sẽ khiến các cơ quan nhà nước áp đặt những điều kiện và thủ tục nhằm làm cho chủ thể kinh doanh phụ thuộc vào mình càng nhiều càng tốt. “Việc đăng ký kinh doanh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức thực hiện quyền tự do kinh doanh nếu nó được xây dựng dựa trên quan điểm vì sự tăng trưởng của nền kinh tế”, bà Hoa nhấn mạnh.
Đó cũng là yêu cầu mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh khi kết luận trong phiên họp của Thường trực Chính phủ hôm 19-8 rằng: Phải tiếp tục rà soát danh mục để giảm bớt các điều kiện không cần thiết hoặc chỉ công bố để hậu kiểm. Việc rà soát và bãi bỏ, bổ sung đều phải đảm bảo tính khả thi, phù hợp.
Vậy khi nào danh mục các giấy phép “cha”, “con”, “cháu” được rút gọn, không nhằm mục đích giành thuận lợi cho quản lý mà hướng đến mục tiêu giành thuận lợi cho người dân tự do kinh doanh, làm ăn thì quãng thời gian xây dựng một điều luật hàng chục năm qua mới đi đến đích.
THEO THE SAIGON TIMES

No comments:

Post a Comment