Thursday, August 21, 2014

Hiệu quả hay không – Thông tư mới của ngành công an? (phần 1)

cong-an-nhuc-hinh-6225 bị cáo là công an, đã tham gia trong vụ bắt giữ, đánh đập nạn nhân Ngô Thanh Kiều đến tử vong tại phiên xử hôm 27/3/2014.File photo
Chân Như, phóng viên RFA 2014-08-21
Mới đây, Bộ công an ban hành thông tư nghiêm cấm bức cung, mớm cung hoặc dùng nhục hình dưới bất kỳ hình thức nào trong quá trình điều tra hình sự. Thông tư này cũng qui định điều tra viên không được sách nhiễu đối với người bị tạm giữ; Không được có bất kỳ liên hệ nào với thân nhân hay cơ quan, tổ chức có liên quan đến bị can; Không để lộ thông tin điều tra vụ án. Đây cũng là chủ đề cho diễn đàn bạn trẻ kỳ này cùng với phần tham gia của 4 bạn Anna Huyền Trang, Trịnh Kim Tiến, Thúy Nga và Nguyễn Ngọc Lụa.

Chưa quy định xử phạt

Chân Như: Xin chào các bạn, đến hôm nay thông tư này mới được ban hành. Điều này có nghĩa là đã, đang và cũng không loại trừ sẽ có bạo quyền, sách nhiễu, bức cung, mớm cung và dùng nhục hình trong quá trình điều tra hình sự của ngành công an. Chân Như nói sẽ là vì Việt Nam đã ký vào công ước chống tra tấn với quốc tế mà giờ đây phải đưa ra thông tư này thì như vậy việc thực thi công ước xem chừng như không có ở Việt Nam?
Thúy Nga: Việc chống tra tấn, chống nhục hình của ngành công an mới đưa ra, thực chất là công khai để cho ngành công an tùy tiện tra tấn, ép cung, dùng nhục hình với những người bị công an bắt vào đồn. Bởi vì bất kể lệnh gì của Việt Nam đưa ra đồng nghĩa với việc làm trái ngược lại với quy định được đưa ra.
Nguyễn Ngọc Lụa: Chúng ta được biết chính quyền cộng sản đã dùng công an như một công cụ để bảo vệ cho chế độ của họ, và trao cho họ quyền vượt quá cho phép. Vì vậy công an lạm quyền, tha hồ tác oai tác quái; Chưa kể những người bị tra tấn không chết nhưng bị thương tật. Cho nên dù Việt Nam đã ký công ước chống tra tấn nhưng những nạn nhân thì không hề giảm mà cứ mỗi ngày mỗi tăng lên.
Mình không coi trọng thông tư này lắm vì có thông tư cũng có nghĩa là quy định bắt buộc rồi còn việc hình thức xử phạt khi vi phạm thông tư lại chưa được quy định.
-Trịnh Kim Tiến
Trịnh Kim Tiến: Việc ra thông tư này cũng là điều tốt. Vấn đề là thông tư này bất kỳ một nhà nước nào bắt buộc cũng phải có mà đến nay Việt Nam mới ra. Trên thực tế những điều quy định của thông tư này là những điều hiển nhiên và phải được tôn trọng ở bất kỳ một quốc gia nào. Tuy nhiên,ở Việt Nam vi phạm về chống tra tấn đã rất nhiều từ trước tới nay. Do vậy, mình nghĩ đưa ra thông tư này cũng là dấu hiệu tích cực. Nhưng mình không coi trọng thông tư này lắm vì có thông tư cũng có nghĩa là quy định bắt buộc rồi còn việc hình thức xử phạt khi vi phạm thông tư lại chưa được quy định. Mình nghĩ thông tư này không có giá trị nhiều; Cũng chỉ như những lời hứa suông mà ngành công an đã từng tuyên bố thôi.
Anna Huyền Trang: Theo cá nhân tôi, nếu như nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã thực sự tôn trọng và thực thi công ước chống tra tấn mà Việt Nam, đã tham gia ký kết thì sẽ không ban hành thông tư này. Bởi vì nếu làm đúng thì đâu có nhiều trường hợp người dân đang khỏe mạnh được mời vào đồn công an rồi sau đó chết bất đắc kỳ tử. Một ví dụ khác tôi xin nhấn mạnh, như mọi người cũng biết là phiên tòa của dân oan Bùi Hằng cùng với 2 người bạn có một chi tiết đáng quan tâm được đề cập đến trong thông tư này đó là những nhân chứng trong vụ án đã tố cáo, công an có hành vi mớm cung và ép cung; Tự tiện ghi vào biên bản những lời khai mà nhân chứng không hề đề cập tới.
Chân Như: Với nhiều nhận xét cho rằng “nếu bức cung đến chết người cùng lắm thì tù đến 5 năm là cùng” thì theo các bạn liệu thông tư này có giúp làm giảm bớt chuyện “chết tức tưởi sau khi vào đồn công an” hay không?
Thúy Nga: Nó sẽ không làm giảm bớt đi mà có thể sẽ tăng thêm nữa. Khi bất kể người dân nào vào trong đồn công an bị chết bất đắc kỳ tử thì họ sẽ đưa ra rất nhiều lý do khác ví dụ bị côn đồ (không mặc quần áo công an) đánh; Đó không phải là công an bởi vì những công an đó không mặc sắc phục; Cũng giống như mọi khi họ nói tự ngã tự té tự đập đầu vào tường hoặc vào trong đồn công an thì ân hận quá nên tự tự chết. Điều đó khiến tôi không tin thông tư này sẽ làm giảm nạn bị chết bất đắc kỳ tử trong đồn công an mà đặc biệt là những người dân bị ngành công an, an ninh thường phục tùy tiện bắt cóc đưa vào đồn có thể sẽ gia tăng hơn.
cong-an-nhuc-hinh
Kẻ khóc người cười. Các công an đánh chết người vẫn cười trước tòa (ảnh bên trái) gia đình nạn nhân khóc tức tưởi cũng tại tòa (ảnh bên phải) tại phiên xử hôm 27/3/2014.
Trịnh Kim Tiến: Như mình đã nói, thông tư này nếu không có quyết định xử lý khi vi phạm thì cũng chỉ như là mớ giấy lộn thôi. Chính vì vậy mà những mức án oan uổng và những người chết oan sẽ vẫn tiếp diễn như tình trạng trước đây. Thông tin này đưa ra để hòng làm người dân có thể nguôi ngoai bớt đi sự bức xúc đối với ngành công an vì hiện tại sự bức xúc đối với ngành công an trong lòng dân rất lớn. Mình nghĩ thông tư này như là liều thuốc hạ nhiệt và không có tác dụng nếu không đưa ra quy định xử lý rõ ràng và tình trạng công an tra tấn đánh chết dân vẫn sẽ tiếp diễn.
Nguyễn Ngọc Lụa: Theo em thông tư này giống như một trang sức cho ngành công an vốn dĩ đã quá nhiều những vi phạm. Điển hình nhất là lạm quyền đến mức mất nhân tính khi dùng nhục hình đẩy người ta vào cái chết rồi sau đó thông báo với gia đình nạn nhân tự sát. Và chính luật pháp Việt Nam chủ trương giành cho công an những bản án nhẹ nhất, chẳng khác nào khuyến khích và cổ vũ họ tiếp tục những hành động vô nhân tính của công an. Vì thế em nghĩ thông tư này giống như đem muối bỏ biển, càng ngày việc công an lạm quyền dùng nhục hình với nhân dân ngày càng nhiều.
Anna Huyền Trang: Tôi nghĩ dù nhà cầm quyền cộng sản có soạn thảo vô số thông tư hay nghị định mang tính răn đe, cảnh báo lực lượng công quyền trong việc mớm cung, ép cung, dùng nhục hình trong việc điều tra thì người dân không bao giờ thoát được lưỡi tử thần khi làm việc với công an bởi vì quyền con người không được đề cao và nhà cầm quyền luôn luôn bao che cho những việc làm sai trái của lực lượng công an. Điều quan trọng là người dân sống trong một chế độ độc tài, độc đảng, không tam quyền phân lập thì tính mạng của người dân trong xã hội Việt Nam như là đang sống trong tình trạng ngàn cân treo sợi tóc.

Công an có quá nhiều quyền hạn

Chân Như: Ngành công an Việt Nam có vẻ như có quá nhiều quyền hạn, thậm chí là tha hồ tác oai, tác quái không chỉ trong điều tra hình sự mà cả trong sinh hoạt hằng ngày của người dân như đánh dân, chĩa súng vào dân tùy tiện và nổi tiếng là những “ông trùm” trong nạn mãi lộ. Vì sao?
Công an bây giờ được đào tạo để làm tay sai và công cụ cho chế độ; Chỉ biết có đảng của mình thôi, chứ không hề được đào tạo ra vì mục đích lớn nhất là để bảo vệ an nguy cho người dân.
-Nguyễn Ngọc Lụa
Nguyễn Ngọc Lụa: Nói thẳng ra thì công an bây giờ được đào tạo để làm tay sai và công cụ cho chế độ; Chỉ biết có đảng của mình thôi, chứ không hề được đào tạo ra vì mục đích lớn nhất là để bảo vệ an nguy cho người dân và thực thi sứ mệnh công lý. Tất cả được che dấu lẫn nhau, được dung dưỡng bởi tội ác. Ví dụ như có một lần tôi bị bắt và bị đánh trong đồn, tôi liền hỏi những người đánh tôi “tại sao anh có quyền đánh tôi” thì chọ cười rất là khinh bỉ và trả lời là “tao đánh mày khi nào, ai làm chứng?” và những người công an khác thì họ đứng nhìn, cười để giễu cợt lời nói của tôi thôi, chứ chẳng đá động đến lời ai cho quyền đánh người dân như vậy. Bấy nhiêu đó thôi thì đã đủ để mọi người biết là chế độ này dung dưỡng sự độc ác của ngành công an và làm người dân thấp cổ bé họng họ không thể nào nói lên được những tiếng nói của mình vì khi nói lên thì bị trù dập.
Anna Huyền Trang: Theo ý kiến của tôi thì, bởi vì luật pháp hiện nay ở Việt Nam là do nhà cầm quyền cộng sản soạn thảo với mục đích bảo vệ chế độ, bảo vệ nhóm lợi ích nhỏ đang ngồi trên đầu trên cổ người dân và tản quyền lực ra cho cấp dưới để dễ bề trị dân. Tôi thiết nghĩ nhà cầm quyền rất hiểu rõ lực lượng công an là những đứa con hư nhưng vẫn phải cưng chiều vì chỉ có lực lượng công an mới bảo vệ được chế độ này, còn đảng còn mình là vậy. Nên lực lượng công an ý thức rõ họ được nuông chiều bởi vì họ là công cụ chuyên bảo vệ chế độ nên càng ngày họ càng hư xem trời bằng vung.
Thúy Nga: Nói về ngành công an thì họ đúng là thành phần để bảo vệ đảng cộng sản. Những lần bị bắt vào đồn công an, tôi được nghe những công an nói chuyện với nhau là khi họ đi học họ bị tách biệt trong một môi trường không được đi ra ngoài và trong khoảng thời gian đó họ được huấn luyện giống như những con chó nghiệp vụ sai đâu đánh đấy. Đặc biệt nhất khi thi vào trường an ninh họ đã phải hối lộ bao nhiêu tiền và khi học xong rồi muốn ra có việc làm lại phải hối lộ bao nhiêu tiền. Đó là lý do khi thi vào ngành công an họ không thi bằng thực lực, bằng mục đích là bảo vệ đất nước hoặc an ninh trật tự xã hội mà mục đích là để kiếm tiền. Chính vì mục đích kiếm tiền nên họ chà đạp lên tất cả đạo đức, nhân phẩm con người, đạo lý và luật pháp. Họ được phép chà đạp lên người khác bởi vì khi vào trường họ đã được huấn luyện như thế. Đó là lý do vì sao ngành công an Việt Nam hiện nay họ lại ác đến mức độ tùy tiện bắt bớ, đánh đập, giết người mà họ không hề có sự hối hận, hối tiếc hay thương tiếc giữa con người đối với con người nữa.
000_Nic595625-250.jpg
Cô Trịnh Kim Tiến với tấm ảnh người cha là ông Trịnh Xuân Tùng bị công an đánh chết. AFP
Trịnh Kim Tiến: Như chị Huyền Trang cũng nói lý do là tại vì ngành công an được trao quyền hạn quá lớn và hệ thống tam quyền không phân lập. Ngành công an được bao che tội ác dưới hệ thống pháp luật và được khoác trên mình chiếc áo công vụ để che lấp đi tội ác mà họ gây ra. Khi gây ra tội ác không có một bản án công tâm cũng như không có một hình thức xử lý nào thật sự thích đáng. Điều đó dung dưỡng cho tội ác ngày một lớn lên. Khi không bị xử lý thì họ cảm thấy điều đó là đặc quyền riêng ngành của họ và cứ thế tiếp tục vì chưa có một bản án khiến họ phải sợ. Cho đến hiện tại quyền lực trong tay của họ đã quá lớn. Dường như ngành công an không còn biết sợ người dân nữa. Như ở các nứơc tân tiến người dân ra đường chỉ mong được thấy công an (cảnh sát) để được bảo vệ; Còn ở đất nước mình khi ra đường thì không ai mong muốn gặp công an cả tại vì họ lạm dụng quyền lực một cách vô tội vạ.
Chân Như: Xin cám ơn phần chia sẻ của các bạn, Thúy Nga, Trịnh Kim tiến, Anna Huyền Trang, Nguyễn Ngọc Lụa rất tiếc vì thời lượng của chúng ta có hạn nên Chân Như xin tạm ngưng cuộc chia sẻ nơi đây và hẹn lại các bạn vào tuần sau để tiếp đề tài này. Và thưa quý thính giả để kết thúc cho phần thứ 1 đề tài này xin mời quý vị cùng theo dõi 1 số ý kiến của những bạn trẻ mà chúng tôi có cơ hội tiếp chuyện về thông tư mới này của bộ công an, cũng như các bạn ấy nghĩ gì về ngành công an. Chân Như mến chào và hẹn gặp lại quý vị và các bạn vào tuần sau.
“Theo tôi việc bộ công an quy định việc cấm bức cung, nhục hình, tra tấn trong việc điều tra các vụ án hình sự cũng có thể coi là quy định thừa còn hơn thiếu, bởi các bộ luật như bộ luật tố tụng hình sự và bộ luật hình sự cũng đều có những quy định rất rõ ràng về việc này. Tuy nhiên tôi muốn nhấn mạnh về việc giám sát việc thực thi và ai sẽ là người kiểm tra việc đó mới là quan trọng, bởi trong thực tế tôi thấy thường xuyên trên báo chí có tin bài về việc người dân bị chết trong đồn công an, đó là một việc rất là thường xuyên.”
“Theo tôi thông tư vừa được bộ trưởng bộ công an Trần Đại Quang ký thông qua nói lên hai điều. Điều thứ nhất thông tư này thể hiện rằng từ trước đến nay công an Việt Nam hoàn toàn không tuân thủ luật pháp. Điều thứ hai đây là một sự lập lại mang tính thừa thãi đối với những bộ luật đã được ban hành từ trước đến nay.”
“Nói về công an Việt Nam thì ai cũng sợ; Sợ ở đây không phải sợ hãi mà sợ phiền hà, rắc rối nhất là khi làm việc với cơ quan công an. Đã xảy ra rất nhiều vụ dùng nhục hình để đấy lời khai dẫn đến nhiều vụ án oan ức, rất bức xúc cho dư luận. Đặc biệt trong cách lấy lời khai hay thẩm vấn của công an thì giống như là chợ búa, thậm chí đe dọa người bị bắt. Ngoài ra, thủ tục hành chính hằng ngày rất rờm rà; Muốn chứng được một loại giấy tờ thì người dân phải đi xuống đi lên cơ quan mấy lượt mới xong. Hy vọng phía công an Việt nam cần cải thiện chứ hiện tại hình ảnh này đang xuống cấp rất nghiêm trọng.”
“Ngành công an Việt Nam hiện nay là một công cụ đàn áp để bảo vệ những lợi ích đi ngược lại với lợi ích của nhân dân. Họ đã vi phạm chính pháp luật và hiến pháp và chà đạp lên nhân quyền chính vì thế trong tâm trí của tôi hiện tại họ không khác gì một tổ chức tội phạm được bảo kê bởi đảng cộng sản.”

No comments:

Post a Comment