Mẹ Nấm (Danlambao) - 4 năm chưa phải là dài, cùng với sự phát triển của mạng xã hội và nhiều trang mạng khác nhau, đứng trước thách thức chặn tường lửa, hacker, trang blog Dân Làm Báo vẫn kiên trì nỗ lực lưu trữ thông tin và truyền tải những chia sẻ trong các vấn đề chính trị - xã hội theo cách riêng của mình. “Mỗi người là một chiến sỹ thông tin” - slogan ngắn gọn, nhưng chuyển tải đủ ý nghĩa và thông điệp để thay đổi xã hội.
*
Tháng 9/2012, trong công văn số 769/VPCP gửi Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu đích danh Dân Làm Báo đã đăng “thông tin vu khống, bịa đặt, xuyên tạc, không đúng sự thật nhằm bôi đen bộ máy lãnh đạo của đất nước..., gây hoài nghi và tạo nên những dư luận xấu trong xã hội...”.
Cùng với nhận xét trên sau khi tham khảo các báo cáo do các bộ gửi đến văn phòng chính phủ, Thủ tướng yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức không xem, không sử dụng và không phổ biến các thông tin đăng tải trên “các mạng phản động”.
Chưa rõ lệnh cấm này khả thi đến đâu, nhưng gần 2 năm qua, không chỉ Dân Làm Báo đăng tin tức, bình luận về các vấn đề xã hội ở Việt Nam, mà báo chí nước ngoài, cụ thể là báo chí Úc mới đây cũng đã lên tiếng nêu đích danh những lãnh đạo Việt Nam liên quan đến vụ bê bối in tiền polymer.
Rõ ràng thông tin và tiêu chí sự thật theo quy định từ văn phòng thủ tướng chính phủ không còn nằm trong sự kiểm duyệt và phong tỏa nguồn tin như từ trước giờ Hà Nội vẫn làm.
Lượng truy cập vào Dân Làm Báo vẫn tăng trưởng dần mặc dù trang blog này bị chặn tường lửa khá gắt gao.
4 năm - một chặng đường chưa phải là dài, nhưng theo đánh giá cá nhân thì Dân Làm Báo là một trong những trang mạng có nhiều đóng góp trong việc cổ vũ tự do thông tin, tự do ngôn luận tại Việt Nam.
Từ những bài viết lưu trữ ở nhiều blog cá nhân khác nhau, đến nay Dân Làm Báo đã thành công trong việc truyền tải nhiều thông điệp khác nhau từ nhiều người cộng tác. Nhắc đến Dân Làm Báo người ta sẽ nhớ tới tên Nguyễn Bá Chổi, Đặng Chí Hùng, Trần Quốc Việt, Hoàng Thanh Trúc, Le Nguyen, Đặng Huy Văn, Nguyễn Ngọc Già, Huỳnh Tâm, Phan Châu Thành, Nguyễn Hùng, Lê Thiên... Vài người trong số những tác giả trên không có blog riêng, và người ta nhớ đến họ như những cá nhân góp phần làm nên thương hiệu Dân Làm Báo.
Xét về mặt cộng hưởng, có thể nói Dân Làm Báo đã thành công với slogan “Mỗi người là một chiến sĩ thông tin”.
Không chỉ dừng lại ở các cộng tác viên viết bài, điểm thú vị của DLB là đã ra thương hiệu cho nhiều “còm sỹ”. Họ sử dụng trang blog DLB như một forum, một diễn đàn để chia sẻ ý kiến và chiến đấu với dư luận viên.
Quan sát và theo dõi phần bình luận ở mỗi bài viết, tôi nhận thấy nhiều còm sỹ nhớ và nhận ra nhau theo từng phong cách. Có người trong số họ còn coi DLB như là nhà.
Tôi nghĩ có lẽ, đây là phần thưởng lớn nhất với những người cổ xúy phong trào dân báo.
Theo số liệu báo cáo từ nhà nước Việt Nam, đến tháng 3/2013 có 812 cơ quan báo chí in, 74 báo và tạp chí điện tử, 336 mạng xã hội và 1174 trang thông tin điện tử được cấp phép hoạt động, nhưng tôi chắc chắn rằng, không một tờ báo nào có thể vượt khỏi tầm kiểm duyệt của Ban Tuyên giáo để tạo ra sân chơi tự do cho cả người đọc và người viết như Dân Làm Báo.
4 năm chưa phải là dài, cùng với sự phát triển của mạng xã hội và nhiều trang mạng khác nhau, đứng trước thách thức chặn tường lửa, hacker, trang blog Dân Làm Báo vẫn kiên trì nỗ lực lưu trữ thông tin và truyền tải những chia sẻ trong các vấn đề chính trị - xã hội theo cách riêng của mình.
“Mỗi người là một chiến sỹ thông tin” - slogan ngắn gọn, nhưng chuyển tải đủ ý nghĩa và thông điệp để thay đổi xã hội.
Tự do ngôn luận, tự do thông tin là điều kiện tiên quyết để có một xã hội minh bạch, dân chủ, công bằng. Và điều đó sẽ chỉ có thể xảy ra khi mỗi người chúng ta kiên quyết đấu tranh với cái sai, cái xấu.
No comments:
Post a Comment