Saturday, August 23, 2014

Tòa chờ ủy ban, ủy ban đợi tòa

Hai cơ quan đều có địa chỉ, điện thoại, hà cớ gì cứ phải chờ người qua liên lạc để lấy hồ sơ. Sao không chủ động trao đổi?
“Giữa năm 2012, TAND quận Bình Thạnh (TP.HCM) thụ lý đơn xin ly hôn; chia nhà, đất chung của tôi. Đến nay vụ án chưa được đưa ra xét xử. Cơ quan này cứ đổ qua cho cơ quan kia đang thu thập chứng cứ khiến tôi rất lo lắng…”. ông H. (ngụ đường Lý Chiêu Hoàng, phường 10, quận 6, TP.HCM) phản ánh.
Có rồi sao không qua lấy!
Ông H. cho biết khi xử lý vụ án, do vợ ông giữ giấy tờ nhà, đất mà không cung cấp nên ngày 1-4, tòa gửi công văn yêu cầu phía UBND quận cho sao lục tài liệu liên quan đến tài sản tranh chấp. Chờ lâu không thấy nên ông đến tòa hỏi thì được trả lời là bên ủy ban chưa phản hồi.
Ông quay sang UBND quận thì nơi đây cho biết: “Quận đã có sẵn giấy tờ mà tòa cần từ giữa tháng 4 nhưng không thấy tòa đến lấy”.
Ông H. ngạc nhiên: “Sao các cơ quan không giao chuyển cho nhau mà cứ bên này chờ bên kia. Nếu các cơ quan cứ chờ nhau như vậy thì chuyện của tôi sẽ kéo dài, tôi biết làm sao!”. Tuy nhiên, ý kiến của ông vẫn bị rơi vào im lặng.
Chúng tôi tìm hiểu thì quả đúng như phản ánh của ông H. Bà Nguyễn Thanh Hòa - Trưởng phòng TN&MT quận Bình Thạnh cho biết: “Theo nguyên tắc, nếu tòa gửi văn bản hỏi thì ủy ban sẽ có văn bản trả lời. Trường hợp này, tòa yêu cầu sao lục tài liệu thì tòa phải liên hệ hoặc cử người sang lấy. Chúng tôi đã lục sẵn hồ sơ và phân công người chờ phục vụ cho tòa rồi. Hơn nữa, trong công văn cũng không để lại số điện thoại của thẩm phán hoặc thư ký nên chúng tôi không thể liên hệ để nhắc tòa qua lấy được. Nếu là án hành chính thì chúng tôi sẽ có trách nhiệm gửi sang tòa. Còn đây là án dân sự nên tòa phải chủ động. Chúng tôi làm hoàn toàn miễn phí nhưng phía tòa phải cử người đến chứ, hồ sơ rất nhiều”.
Tòa cũng thiếu sót!
Trao đổi với phóng viên, Chánh án TAND quận Bình Thạnh Phạm Doãn Hiếu cho biết: “Đây là trục trặc không đáng có. Văn bản tòa gửi cho ủy ban là văn bản trao đổi và phối hợp nên không đề cập đến thời hạn. Nhưng lý ra cũng cần có sự trao đổi xem việc đã diễn tiến đến đâu. Vụ này tòa sẽ cử thư ký liên hệ với bên ủy ban để sao lục tài liệu về ngay nhằm phục vụ cho việc giải quyết vụ án”.
“Qua vụ này, chúng tôi nhận thấy công tác văn thư chưa nhất quán nên xảy ra sự chậm trễ. Mỗi thư ký có một cách tác nghiệp riêng. Lẽ ra thư ký bằng cách này cách khác phải chủ động hỏi thăm về việc phối hợp với bên ủy ban để bảo đảm việc giải quyết vụ án được thuận lợi, tránh cho đương sự phải chờ đợi không đáng có, ảnh hưởng đến quyền lợi của họ” - ông Hiếu nhìn nhận.
Thứ Sáu, ngày 22/8/2014 - 01:00
PHƯƠNG LOAN
Sự phối hợp có vấn đề
Theo tiểu mục 2 mục II Thông tư liên tịch 01/2002 của TAND Tối cao, VKSND Tối cao và Tổng cục Địa chính (về việc hướng dẫn về thẩm quyền của TAND trong việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến sử dụng đất) thì “Trong trường hợp tòa án, VKS có văn bản yêu cầu thì trong thời hạn một tháng kể từ ngày được nhận văn bản yêu cầu, UBND, cơ quan địa chính có trách nhiệm cung cấp cho tòa án, VKS các tài liệu có liên quan đến quyền sử dụng đất hoặc xác nhận việc sử dụng đất của đương sự”.
Bên cạnh đó, Điều 7 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự (về trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ của cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền) đã quy định: “Cá nhân, cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm cung cấp đầy đủ và đúng thời hạn cho đương sự, tòa án, VKS tài liệu, chứng cứ mà mình đang lưu giữ, quản lý khi có yêu cầu của đương sự, tòa án, VKS và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ đó. Trong trường hợp không cung cấp được thì phải thông báo bằng văn bản cho đương sự, tòa án, VKS biết và nêu rõ lý do của việc không cung cấp được tài liệu, chứng cứ”.
Thông qua các quy định đó, tôi thấy rằng sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết công việc cho người dân trong trường hợp này có vấn đề. Tòa chuyển yêu cầu qua đường công văn. Tòa có trụ sở làm việc, địa chỉ và số điện thoại liên lạc. Ủy ban có trách nhiệm phúc đáp cũng bằng văn bản. Phần tòa cũng phải có trách nhiệm đôn đốc để công việc được thuận lợi cho người dân. Phía ủy ban có trách nhiệm phối hợp.
Theo quan điểm của tôi, quy định pháp luật đã có, vấn đề là phụ thuộc vào ý thức chấp hành pháp luật và thái độ phục vụ nhân dân của một số bộ phận cán bộ, công chức. Tôi cho rằng việc đổ qua đổ lại như vậy là sự thể hiện tinh thần thiếu nhiệt tình trong thực thi công vụ.
Luật sư HOÀNG TƯ LƯỢNG, Đoàn Luật sư TP.HCM

No comments:

Post a Comment