Saturday, August 23, 2014

Nên hay không nên trả tiền chuộc mạng cho khủng bố?

HOA KỲ (NV) - Chính quyền Mỹ rõ ràng đã cố gắng cứu James Foley trước khi người phóng viên này bị tổ chức quá khích Nhà Nước Hồi Giáo (IS) hành quyết một cách tàn bạo. Bộ Quốc Phòng cho thực hiện một cuộc hành quân biệt kích hồi đầu mua Hè sau khi có được đủ tin tình báo về nơi Foley và những con tin khác bị giam giữ ở vùng Đông-Bắc Syria. Nhưng chiến dịch giải cứu không thành vì các con tin không có tại địa điểm này vào thời điểm ấy.

Tuy nhiên có một phương cách giải cứu khác, có thể dễ dàng hơn và ít khó khăn nguy hiểm, nhưng chính quyền Hoa Kỳ không chịu làm, đó là trả tiền chuộc mạng cho nhóm người bắt giữ con tin.


Dân thiểu số Thiên Chúa Giáo Iraq trốn chạy cuộc tấn công của chiến binh IS vào thành phố Batalah, Iraq, tạm trú trong một ngôi nhà đang xây dựng dở ở Arbil, thủ đô khu tự trị của dân Kurd ở miền Bắc Iraq. (Hình: Ahmad al-Rubaye/AFP/Getty Images)

Đường lối kiên định của Mỹ từ trước đến bây giờ vẫn là không thương thuyết với khủng bố, mặc dù không ngăn cấm các cá nhân hay tổ chức tư làm việc này.

Có thể một số người nêu lên nghi vấn về chuyện cũng đã có những lần Mỹ thương lượng với những nhóm bắt giữ con tin, như trong vụ gần đây trao đổi lấy trung sĩ bộ binh Bowe Bergdahl về và trao trả 5 chỉ huy Taliban bị bắt làm tù binh. Nhưng giới chức Hoa Kỳ giải thích và nhấn mạnh rằng trao đổi tù binh khác với trả tiền chuộc mạng con tin dân sự.

Quan điểm của chính phủ Mỹ rất thiết thực: không tạo động lực cho hành động bắt cóc đòi tiền chuộc, tiếp đó là ngăn chặn khủng bố và tổ chức tội phạm có ngân khoản lớn để hoạt động.

David Cohen, thứ trưởng Bộ Ngân Khố đặc trách tình báo về tài chính của khủng bố, năm 2012 giải thích rõ luận lý về chủ trương này: “Nạp tiền chuộc mạng sẽ tạo thêm những vụ bắt cóc trong tương lai và thêm tiền chuộc nữa. Tất cả sẽ xây dựng, tăng cường thêm khả năng cho các nhóm khủng bố tấn công.” Theo ông: “Chúng ta phải tìm ra  phương cách bẻ gẫy chu trình này. Không chấp nhận trả tiền chuộc là cách đúng nhất. Bởi vì nếu những kẻ bắt cóc chắc chắn không kiếm ra tiền như chúng muốn, thì chúng sẽ chẳng bắt giữ con tin làm gì nữa.”

Vụ phóng viên James Foley bị giết khiến nổi lên trở lại những tranh luận nên hay không nên chấp nhận trả tiền chuộc, và có thể tùy thuộc vào những tình huống như thế nào. Trong khi Hoa Kỳ và Anh tuyệt đối bảo vệ chủ trương không thương lượng với khủng bố thì nhiều quốc gia khác theo đường lối uyển chuyển hơn. Âu Châu và các quốc gia vùng Vịnh (Persic) càng ngày càng tỏ ra coi việc chịu trả tiền chuộc như là một nỗ lực tuyệt vọng để giải thoát cho công dân mình.    

Nhiều nhà báo Âu Châu, bị các nhóm khủng bố Hồi Giáo bắt cóc tại Phi Châu đã được giải thoát, không phải chịu số phận như James Foley. Theo điều tra riêng của tờ New York Times thì Pháp từ 2008 đến nay đã trả $58 tiệu tiền chuộc mạng cho công dân của họ, nhiều nhất trong tất cả mọi nước. Tiếp theo là Thụy Sĩ $12.4 triệu và Tây Ban Nha $5.9 triệu.

Có thể hậu quả của đường lối  này là trong năm ngoái, số công dân Pháp bị bắt làm con tin nhiều nhất thế giới. Nhưng đó cũng thể là do việc Pháp đã đưa quân can thiệp vào nhiều nước châu Phi.

Trên lý thuyết, Pháp và hầu hết các quốc gia khác tán đồng chủ trương của Hoa Kỳ và Anh, tuy nhiên họ đã dùng những kẽ hở để biện hộ. Martin Michelot, ủy viên nghiên cứu và chương trình của German Marshall Fund cho biết: “Chính quyền Pháp không trực tiếp trả tiền chuộc mà chuyển tiền tới chủ nhân của con tin và họ là người trách nhiệm nạp tiền chuộc mạng. Như thế trên bề mặt Pháp vẫn giữ đúng chủ trương.”

Những khoản tiền chuộc mà Âu Châu và các quốc gia vùng Vịnh đã trả giúp cho các nhóm  khủng bố có sẵn một tài khoản rất lớn để tổ chức, tuyển mộ và hoạt động. IS được coi là nhóm có hệ thống tống tiền và tuyên truyền hiệu quả hơn cả al-Qaeda và có ngân sách ước lượng $2 tỷ.

Nhưng cái chết khủng khiếp của James Foley gây ra sự hoài nghi là phải chăng nên có một đối sách khác. Hôm Thứ Năm, NBC phỏng vấn ông John và bà Diane Foley, hai người nói rằng họ đã hy vọng có thể thương thuyết được với những người bắt giữ con mình.

James Foley mất tích đúng ngày Lễ Tạ Ơn năm 2012 tại thành phố Taftanaz miền Bắc Syria trong khi đang làm phóng viên tường trình về cuộc nội chiến cho hãng tin GlobalPost ở Boston. Gia đình giữ kín chuyện này trong 6 tuần lễ rồi mới bắt đầu công khai kêu gọi cho biết tin tức, tìm kiếm và can thiệp phóng thích James. Tới tháng Chín, 2013 mới có tin chắc chắn là anh ta còn sống và bị bắt giữ tại một nơi nào đó, Nhưng sau đó ông John Foley cho biết không nhận được tin gì khác về con mình nữa.

Tháng 11 năm đó, bất ngờ gia đình nhận được một e-mail mã hóa không cho biết xuất xứ, đòi tiền chuộc 100 triệu euros ($134 triệu). Tới lúc ấy có thể đoán biết James bị nhóm ISIL (tên cũ của IS – Nhà Nước Hồi Giáo) bắt giữ. Nhưng một phần vì chính sách không trả tiền chuộc của Hoa Kỳ, mặt khác món tiền quá lớn không thực tế, tỏ ra đây không phải là điều kiện để có thể thương thuyết.

Matthew Levitt, chuyên viên chống khủng bố thuộc Washington Institute think-tank cũng đồng ý với phân tích ấy: “Khi đòi hỏi $132 triệu để thả một người thì chỉ có nghĩa là họ muốn cố gắng xác định một điều gì, đồng thời để chứng tỏ rằng việc làm của họ không phải vì cần tiền.”

Một vài e-mail tiếp sau cung cấp bằng cớ xác minh rằng quả thật James Foley đang bị nhóm này giữ. Các e-mail được viết bằng tiếng Anh rất đúng văn phạm nhưng không thể biết nơi và người viết.

Đến tuần trước, e-mail cuối cùng cho biết James Foley sẽ bị hành quyết để trả thù việc Hoa Kỳ oanh kích quân IS. Theo lời ông John Foley, ông hiểu sự nguy hiểm trong sự đe dọa này nhưng không thể mường tượng ra sự tàn bạo của nhóm IS. Bà Diane Foley cho biết gia đình đã cố gắng gởi đi nhiều e-mail trả lời với hy vọng đây là dấu hiệu mới của IS tỏ ra muốn thương lượng, và chỉ có thể chờ đợi.

Cuộc thương lượng không bao giờ đến nhưng người ta vẫn hoài nghi là nếu có thì liệu có cứu được sinh mạng của James Foley hay không, bởi vì dù tiền chuộc lớn đến đâu không thể so sánh với mạng sống của một con người, là vô giá.

Michel Juneau-Katsuya, một chuyên viên về an ninh của Canada nói với truyền hình CTV hôm Thứ Sáu: "Những quốc gia chịu trả tiền chuộc cho bọn khủng bố có nghĩa là xác định chỗ yếu của mình, và hậu quả là công dân nước họ bị bắt làm con tin nhiều hơn.”

Trả tiền hay không nên trả tiền chuộc mạng  là một vấn đề tranh luận không bao giờ dứt, bởi vì còn tùy thuộc rất nhiều điều kiện cá biệt, không gian, thời gian và hoàn cảnh thực tế. (HC)
08-22- 2014 5:14:00 PM
Theo Người Việt

No comments:

Post a Comment