Saturday, August 23, 2014
Sinh nghề tử nghiệp
Chứng kiến bất đắc dĩ cảnh một đồng nghiệp nữa bị thảm sát trên màn ảnh truyền hình làm tôi sực nhớ lại một đồng nghiệp khác, Sander Thoenes, bị quân đội Indonesia bắn chết ở gần thủ đô Dilli của vùng đất nay là nước Cộng Hòa Ðông Timor.
Ở một khía cạnh nào đó Sander cũng rất giống James Foley. Tuy là người Hòa Lan, Sander đi học đại học ở Hoa Kỳ, tốt nghiệp BA về Lịch Sử Hiện Ðại của Nga ở Hampshire College ở Amherst, Mass. Học thêm báo chí từ Trung Tâm Center for Investigative Journalism ở San Francisco, Sander có đủ hành trang để lên đường.
Thông thạo tiếng Nga qua chương trình học ở Hampshire, Sander tìm sang Nga và vào làm việc cho tờ Moscow Times năm 1992. Sau đó anh chuyển sang viết cho US News and World Report tường thuật về Chechnya hồi năm 1995. Trong nhiều năm, anh tường thuật về vùng Trung Á cho tờ Financial Times. Năm 1997, Financial Times gửi anh sang Indonesia. Chúng tôi gặp nhau vào mùa hè đỏ lửa năm đó khi ông Suharto bị lật đổ.
Nhưng sau khi tình hình ở Indonesia bắt đầu hơn ổn, Sander bị lôi cuốn vào Ðông Timor. Vốn có khiếu ngôn ngữ, chả mấy lâu sau, Sander đã thông thạo cả Bahasa lẫn tiếng Bồ Ðào Nha mà người Ðông Timor, nhất là những nhà trí thức, thích chọn làm ngôn ngữ chính của mình. Tôi còn nhớ, một lần đi ké phi cơ của Chương Trình Thực Phẩm Liên Hiệp Quốc (World Food Program (WFP) đến Dili, hồi cuối thập niên 1990, khi tình hình bùng nổ vì Indonesia từ chối trả độc lập cho Ðông Timor. Ðến nơi, các cơ quan Liên Hiệp Quốc khuyên đám nhà báo nên ở lại phi trường Dili vì không bảo đảm an toàn. Nhưng Sander chả mấy chốc đã có một “người bạn” đến đèo xe gắn máy đi mất. Một ngày sau anh trở về, xe đầy quà từ Phong trào Fretilin, phong trào dành độc lập cho Ðông Timor và nhiều câu chuyện lý thú.
Nhưng vào ngày 21 tháng 9 năm 1999, Sander đã thiệt mạng cũng trong một chuyến đi làm phóng sự chở sau xe gắn máy. Lúc đó, quân đội Indonesia có một tiểu đoàn khét tiếng, Tiểu Ðoàn 745. Khi phải rút lui, vì lực lượng bảo vệ hòa bình Úc của Liên Hiệp Quốc sắp đến, họ đã được lệnh của chính phủ Indonesia thực hiện một chiến dịch nhà không vườn trống, tàn phá và giết hại không nương tay. Trên đường tiến về hướng Tây, về đến biên giới với Indonesia, tiểu đoàn này đã hạ sát nhiều người trong đó có Sander.
Các binh sĩ Úc tìm thấy thi thể của anh với rất nhiều vết đạn ở sân sau của một căn nhà ở một đường hẻm. Họ kết luận là thi thể của anh đã được dời vào đó để trì hoãn việc khám phá. Anh tài xế xe ôm cho Sander kể lại với báo chí là anh đã bị sáu người mặc đồng phục màu xám của cảnh sát quân sự của Indonesia chặn lại. Hai anh bỏ xe chạy. Anh tài xế nhanh chân chạy được vào một bụi rậm gần đó. Thực ra, toán lính Indonesia nào để ý đến anh. Anh đã chứng kiến cảnh Sander bị bắn chết bởi những quân nhân Indonesia vũ trang cùng mình trong khi anh tay không và đã té nằm dưới đất. Sau này Liên Hiệp Quốc đã buộc tội hai sĩ quan Indonesia đã ám sát anh. Nhưng tư lệnh của quân đội Indonesia lúc bấy giờ là Tướng Wiranto đã chối bảo ông chỉ tuân lệnh tổng thống trong khi Tổng Thống B J. Habibie thì nói đó là việc của mấy ông tướng.
Tôi không biết James Foley nhưng qua lời kể của những đồng nghiệp bạn bè đăng trên báo chí, James cũng giống Sander, một nhà báo can đảm và tận tâm. James Foley có điểm khác Sander ở chỗ là anh vào nghề trễ hơn. Anh đã trải mấy năm đi dạy học ở nhiều nơi trước khi ghi tên học báo chí ở Trường Báo Chí Medill của Viện Ðại Học Northwestern ở Illinois.
James đã bị lôi cuốn vào thực tế ở những nơi như Iraq nơi mà người anh em của mình đang là một sĩ quan không quân Hoa Kỳ, và anh chọn nơi đó khởi đầu nghề mới, “embed” tức là nằm vùng với quân đội Hoa Kỳ. Năm 2011, anh đi Libya để tường thuật về cuộc nổi dậy chống lại Ðại Tá Muammar Gaddafi, lần này “nằm vùng” với các quân nổi dậy. Tháng 4 năm 2011, James và ba đồng nghiệp bị lực lượng Gaddafi phục kích bắt. Phóng viên nhiếp ảnh Anton Hammerl đã bị giết, những người còn lại bị bắt. Ðã có lúc người ta tưởng anh cũng không còn nữa. Nhưng sau sáu tuần anh được trả tự do. Nhưng anh vẫn bị ám anh bởi cái chết của Anton. Anh vẫn bảo các bạn đồng nghiệp là lúc nào cũng vẫn nghĩ xem nếu mình làm khác thì có thể... Anton không chết chăng.
Bị bắt không làm James sợ chiến trường. Anh thường tâm sự với bạn bè là “Một đôi khi... nó kéo mình lại. Cái cảm tưởng là đã sống sót được, nó trở thành một sức mạnh lôi cuốn mình trở lại.” Sau kinh nghiệm tàn nhẫn ở Libya, James muốn tường thuật về một vụ nổi dậy khác ở Syria. Anh bảo anh bị “lôi cuốn bởi tấm thảm kịch của cuộc chiến và cố kể lại những câu chuyện đã chưa được kể.” Anh bắt đầu tường thuật về sự tàn bạo của lực lượng trung thành với Tổng Thống Bashar al-Assad. Nhưng anh lại bị bắt vào tháng 11 năm 2012.
Vợ của anh phóng viên nhiếp ảnh Anton, Penny Sukraj, là bạn thân của James, giải thích, “Anh ta hăng hái xông vào đó và kể lại câu chuyện của những nạn nhân yếu hèn nhất, và ảnh hưởng của những cuộc chiến, của chiến tranh đã tàn phá cuộc sống của họ như thế nào.”
Ở một khía cạnh nào đó James còn can đảm hơn Sander. Sander là phóng viên thường trú Indonesia của tờ Financial Times, một tờ báo nhiều uy tín và quý trọng các phóng viên của mình. Nhưng James là một nhà báo tự do, không trực thuộc vào một cơ quan ngôn luận nào cả. Các nhà báo freelance đặc biệt rất bị nguy hiểm ở những nơi biến loạn bởi không có bao nhiêu bảo đảm cho sự an toàn của họ.
Dù sao cả James lẫn Sander đều tin là những điều họ tường thuật sẽ đem lại sự thật và công lý cho những nơi bất hạnh của thế giới. Trong những ngày cuối trước khi anh bị quân đội Indonesia bắn chết, Sander viết một bài cho tờ Christian Science Monitor về tình hình ở Ðông Timor sau cuộc trưng cầu dân ý. Mở đầu với lời nhận xét, “Nếu Indonesia không giữ được Ðông Timor, các lực lượng thân Jakarta có vẻ sẽ để lại một đống tro tàn.” Dẫn lời một nhà ngoại giao Tây phương anh viết, “Cái trò là đe dọa người dân để giảm số phiếu (ủng hộ độc lập). Chiến thuật đó thất bại, nay họ sẽ tạo xáo trộn càng nhiều càng tốt trước khi bỏ cuộc ở Ðông Timor.”
Không có những bài báo kể rõ âm mưu và sự tàn nhẫn của quân đội Indonesia của Sander khuấy động lương tâm của Liên Hiệp Quốc thì lực lượng bảo vệ hòa bình do Úc cầm đầu đã không đến nhanh đến thế và sẽ còn nhiều người Ðông Timor nữa chết dưới tay quân đội Indonesia.
Và đó chính là lý do mà những kẻ muốn chà đạp lên sự sống muốn làm im tiếng những nhà báo như Sander hay James.
Nhưng những hành động của họ sẽ không mang lại cho họ kết quả mong muốn. Cái cảnh chặt đầu James đã khuấy động tin tức trong vài ngày, cũng như vụ giết nhà báo Daniel Pearl của tờ Wall Street Journal của al Qaeda hồi năm 2002. Cũng như Islamic State, al Qaeda tuyên bố video đó là “một thông điệp cho Hoa Kỳ.” Mục đích của al Qaeda là để ngăn ngừa chính phủ Hoa Kỳ đừng tiếp tục can thiệp vào Iraq nữa và thay đổi dư luận dân chúng Hoa Kỳ. Nhưng nếu chiến lược đó của al Qaeda thành công thì Hoa Kỳ đã không bỏ bom miền Bắc Iraq hôm nay.
Như tờ Washington Post đã nhắc nhở, các nhóm Hồi Giáo quá khích đã quay video những cảnh chặt đầu từ năm 1996, khi họ quay cái chết của một quân nhân Nga trong cuộc Chiến Tranh Chechnya. Hồi năm 2004, doanh nhân Hoa Kỳ Nicholas Berg đã bị chặt đầu sau khi bị bắt ở Iraq. Những hình ảnh kinh tởm này đã chế ngự tin tức và Internet vài ngày, nhưng rồi có những tin khác xảy ra. Ðiều đáng nói là những hành động tàn bạo đó không thay đổi chính sách của một quốc gia hay dư luận một cách thực sự có hiệu quả. Ngay cả đe dọa của Islamic State đòi sẽ không dung tha mạng sống của nhà báo Steven Sotlof trừ phi Tổng Thống Barack Obama có những bước đi “đúng,” sẽ không đưa ra kết quả mà họ muốn.
Trong khi đó các nhà báo vẫn tiếp tục hy sinh, sinh nghề tử nghiệp. Nhưng đó là điều mà một số nhà báo coi là thiên chức. Nhà bình luận Jack Shafer của Reuters nhắc lại, “Các nhà báo đã phải hy sinh mỗi ngày trong việc tường thuật. Cách đây một thế kỷ, khi một phóng viên mới vào nghề hỏi phóng viên Charles Chapin lừng danh của tờ New York Evening World là làm cái gì khi tường thuật về một trận hỏa hoạn. Ông Chapin lập tức trả lời, “Tìm chỗ nóng nhất rồi nhảy vào đó.” Ðó là điều mà các nhà báo vẫn làm. Ðó là điều đã khiến Sander và James nhảy vào đống lửa chiến tranh. Và nhờ họ chúng ta mới có được một hình ảnh rõ ràng hơn về thế giới chúng ta đang sống.
08-23-2014 1:56:13 PM
Lê Phan
Theo Người Việt
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment