Vợ con và chị ông Ngô Thanh Kiều, mang di ảnh và những hình ảnh chứng minh ông chết vì bị tra tấn đến Tòa án thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. (Hình: Pháp Luật TP.)
“Tư duy lạc hậu” của Bộ Công an Việt Nam được xác định là trở ngại lớn nhất đối với tiến trình cải cách tư pháp ở Việt Nam. Đó là những nội dung chính mà giới lãnh đạo Liên đoàn Luật sư Việt Nam nêu ra trong buổi làm việc với Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp của Việt Nam.
Theo ông Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, tuy cải cách tư pháp là chủ trương chung, tất cả các ngành, các cấp phải thực hiện nhưng năm 2011, Bộ Công an Việt Nam ban hành Thông tư 70, tiếng là “bảo đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự” nhưng lại có nhiều quy định vừa gây khó khăn cho hoạt động của giới luật sư, vừa ảnh hưởng đến các quyền của những người bị tạm giam, tạm giữ.
Chẳng hạn theo Thông tư 70, người bị tạm giam, tạm giữ không có cơ hội gặp gỡ trực tiếp luật sư để bày tỏ ý kiến của họ về việc mời luật sư.
Trong khi Liên đoàn Luật sư Việt Nam đang đề nghị Bộ Công an Việt Nam sửa đổi Thông tư 70 để bảo đảm người bị tạm giữ, tạm giam có thể thực hiện quyền có luật sư vốn đã được hiến định, nhằm hạn chế tình trạng tra tấn, bức cung thì tháng 7 vừa qua, Bộ Công an Việt Nam lại ban hành tiếp Thông tư 28, cho phép các điều tra viên có thể thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để cản trở hoạt động của giới luật sư.
Theo ông Nghĩa, tư duy của Bộ Công an Việt Nam vẫn còn “lạc hậu”. Ông Nghĩa dẫn chứng, trước nay, Viện Kiểm sát là nơi giám sát hoạt động điều tra. Các quyết định tố tụng quan trọng như khởi tố bị can, khám xét, tạm giam... của công an phải được Viện Kiểm sát phê chuẩn. Khi thấy cần thiết, Viện Kiểm sát có thể yêu cầu điều tra bổ sung.
Tuy nhiên Bộ Công an CSVN đang vận động để thay đổi theo hướng, nếu không đồng ý với Viện Kiểm sát cùng cấp, công an có quyền báo cáo với cấp trên và thi hành chỉ đạo của cấp trên, không cần thực hiện yêu cầu của Viện Kiểm sát. Chưa rõ sắp tới, Bộ Công an Việt Nam sẽ ứng xử thế nào với những chỉ trích càng ngày càng gay gắt về Thông tư 28 sắp có hiệu lực vào cuối tháng này.
Không chỉ có giới luật sư tại Việt Nam chỉ trích Thông tư 28, mới đây, tổ chức Giám sát nhân quyền (HRW) cũng lên tiếng, bày tỏ sự lo ngại về Thông tư 28. Theo HRW, công an Việt Nam trở thành một lực lượng có quá nhiều quyền lực khi được phép tự xác định, hoạt động nào của giới luật sư là “phù hợp” và hoạt động nào cần phải trừng phạt.
HRW còn bày tỏ sự lo ngại khi cuối tuần qua, Bộ Công an Việt Nam yêu cầu bộ phận quản lý hội trường của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đơn phương hủy hợp đồng đã ký với Đoàn Luật sư Hà Nội để ngăn chặn việc Đoàn Luật sư Hà Nội mời các thành viên tới đó thảo luận về Thông tư 28.
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Khu vực châu Á của HRW, nhận định, Việt Nam không thể trở thành một quốc gia ủng hộ pháp trị nếu vẫn cản trở các luật sư làm công việc của họ. (G.Đ)
08-22-2014 4:15:20 PM
Theo Người Việt
No comments:
Post a Comment