Monday, August 18, 2014

Tài xế bãi công, cửa khẩu Mộc Bài bị nghẽn

TÂY NINH (NV) .- Cả giao thông lẫn vận chuyển hàng hóa giữa Việt Nam và Campuchia, thông qua cửa khẩu Mộc Bài ở Tây Ninh đã bị nghẽn khi toàn bộ xe chở container ngưng qua lại cửa khẩu này.


 Tài xế điều khiển các xe chở container bãi công phản đối “phí sử dụng hạ tầng ra vào cửa khẩu” ở Mộc Bài, Tây Ninh. (Hình: Thanh Niên)

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực vận tải ở Việt Nam xác nhận, các tài xế điều khiển xe chở container từ Việt Nam sang Campuchia và ngược lại, đang bãi công tại cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh.

Vụ bãi công xảy ra hôm 16 tháng 8, sau khi các nhân viên làm việc tại cửa khẩu Mộc bài buộc mỗi xe phải đóng từ 2 triệu đến 2,5 triệu cho cái gọi là “phí sử dụng hạ tầng ra vào cửa khẩu”. Chủ nhiều doanh nghiệp vận tải khẳng định, vào lúc này, tiền lời cho việc vận chuyển mỗi container từ Sài Gòn đến Phnom Pênh chỉ hơn hai triệu. Buộc họ đóng “phí sử dụng hạ tầng ra vào cửa khẩu” với mức như đã kể là ép họ vào chỗ chết.

Theo báo giới Việt Nam, giữa tháng trước, Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh, bỏ phiếu, cho phép thu “phí sử dụng hạ tầng ra vào cửa khẩu”. Tất cả các loại hàng hóa, kể cả nông sản đều phải trả “phí sử dụng hạ tầng ra vào cửa khẩu”.

Đây không phải lần đầu tiên hệ thống công quyền tại Việt Nam ép các doanh nghiệp vận tải nói riêng và dân chúng nói chung phải trả những loại phí liên quan tới giao thông.

Hồi đầu năm nay, báo chí Việt Nam cho biết, trung bình mỗi xe hai bánh gắn máy và xe hơi tại Việt Nam phải gánh mười loại phí. Một viên thứ trưởng của Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận mỗi “đầu xe” tại Việt Nam đang phải đóng hàng chục loại thuế, phí nhưng thề là “không có khoản nào chồng lên khoản nào”.

Cũng theo báo chí Việt Nam, do Bộ Giao thông Vận tải than rằng, năm nay, vẫn còn thiếu 13,000 tỉ để sửa chữa, duy tu các công trình giao thông nên chuyện tận tâm, tận lực thu phí sẽ “quyết liệt” hơn.

Cách nay vài tháng, Bộ này trình cho Thủ tướng CSVN dự thảo một đề án gọi là “phát triển hợp lý các phương tiện giao thông”, theo đó, các phương tiện giao thông sẽ phải đóng thêm hai loại phí là “phí lưu hành nội đô” và “phí trông giữ xe”.

Người ta ước đoán, nếu Thủ tướng Việt Nam gật đầu với đề án này, mỗi năm, mỗi xe hơi tại Việt Nam phải trả khoảng 70 triệu đồng và mỗi xe hai bánh gắn máy phải trả 31 triệu đồng/năm. Trong việc “tận tâm, tận lực” thu phí hệ thống công quyền còn có những doanh nghiệp đầu tư vào các công trình giao thông làm bạn đồng hành.

Chủ đầu tư các công trình giao thông được thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng – khai thác - chuyển giao) luôn được biệt đãi dù chất lượng những công trình giao thông rất tệ. Tại Việt Nam, công trình giao thông đang xây dựng đã được thu phí, vừa xây dựng xong đã hư vẫn có thể thu phí, hư hỏng nặng nề không hề sửa chữa song không miễn phí đã trở thành điều bình thường.

Chẳng hạn tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, dù chỉ mới hoàn thành 1/10 tổng chiều dài nhưng xe cộ qua lại trên đoạn Nội Bài - Tam Dương (Vĩnh Phúc) phải trả phí 1,500 đồng/km. Tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, có những đoạn mà “ổ gà” rộng cả mét, sâu hơn 10cm nhưng xe nào vào đó cũng phải trả phí.

Mãi đến gần đây, do bị công chúng chỉ trích dữ dội, Bộ trưởng Giao thông – Vận tải của Việt Nam mới đi thị sát và kết quả của chuyến thị sát này là yêu cầu thực hiện điều lẽ ra là đương nhiên: Đường hư thì không được thu phí. (G.Đ)

08-17- 2014 2:54:33 PM
Theo Người Việt

No comments:

Post a Comment