Monday, August 18, 2014

Hà Nội đã xác định được ngày, tháng, năm sinh Bà Trưng?



(Tin tức thời sự) - Có người hỏi tuy là vui nhưng rất chân thành:“Sinh nhật 2000 năm của Bà Trưng có thắp 2000 nghìn cây nến không nhỉ..."

Rất nhiều báo đưa tin: “Hướng tới kỷ niệm 2000 năm ngày sinh Hai Bà Trưng (1/8/14 - 1/8/2014), Sở Văn hóa Thể thao Du lịch (VHTTDL) Hà Nội phối hợp với UBND huyện Mê Linh, Thành đoàn Hà Nội và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.
Chùm hoạt động sẽ diễn ra từ ngày 22-24/8/2014, tập trung trong khuôn viên Khu Di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Hai Bà Trưng tại huyện Mê Linh, Hà Nội. Trọng tâm của chương trình là Lễ mít tinh vào hồi 20 giờ ngày 23/8/2014 được truyền hình trực tiếp trên Đài truyền hình Việt Nam (VTV1), gồm lễ dâng hương với sự tham gia của lãnh đạo thành phố và chương trình nghệ thuật “2000 năm Vương nữ đất Rồng” do các nghệ sĩ đến từ Nhà hát Chèo Hà Nội biểu diễn.
Hai Bà Trưng cưỡi voi ra trận- tranh dân gian Đông Hồ.
Hai Bà Trưng cưỡi voi ra trận- tranh dân gian Đông Hồ.
Ngoài ra, Festival Thanh niên nông thôn và Triển lãm “Thanh niên Thủ đô trên đường hội nhập” do Thành đoàn Hà Nội tổ chức sẽ diễn ra đồng thời với nhiều hoạt động khác: Hội thi và trình diễn “Bàn tay vàng thanh niên các làng nghề thủ công truyền thống”, Hội trại “Hà Nội ngàn năm văn hiến”, trình diễn các trò chơi dân gian… từ ngày 22 đến ngày 24/8/2014”.
Các sự kiện lịch sử, dịp kỷ niệm ngày sinh của các danh nhân văn hóa lịch sử là một dịp rất tốt để hậu thế ôn lại chuyện xưa, thêm tự hào về lịch sử dân tộc mình. Bởi vậy, ý tưởng tổ chức kỷ niệm 2000 năm ngày sinh Hai Bà Trưng của Sở VHTTDL có thể nói đã hình thành trên một thiện ý với mục đích tốt đẹp.
Nhưng từ trước nay Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp thường tổ chức kỷ niệm khởi nghĩa Hai Bà Trưng vào dịp 8/3 hàng năm, cũng coi như một cơ hội để ôn lại chiến công hiển hách của hai bà, truyền thống 'giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh' của dân tộc ta. Còn giờ đây, nghe chuyện Hà Nội chuẩn bị tổ chức lễ kỷ niệm 2000 năm ngày sinh Bà Trưng, nhiều người bỗng cảm thấy… kỳ kỳ.
Bởi cách đây 2000 năm, lịch sử của người Việt chủ yếu là huyền sử, dựa vào thần tích nhiều hơn là chính sử, do vậy việc tìm ra được đích xác ngày sinh của Hai Bà Trưng vào ngày 1 tháng 8 năm thứ 14 sau Công nguyên, có lẽ cũng là một phát hiện rất quan trọng và chắc chắn sẽ gây nhiều nghi hoặc pha chút thiện cảm.
2000 năm trước ấy, chắc chắn chẳng ai làm giấy chứng sinh và khai sinh cho Bà Trưng, cũng không có cán bộ hộ tịch phường xã nào ghi tên bà vào hộ khẩu, thế mà giờ đây hậu thế lại xác định được cả ngày tháng năm sinh của bà, quả là bội phục!
Tôi đồ rằng trên thế giới chẳng có nhân vật lịch sử nào được kỷ niệm ngày sinh lần thứ...2000. Một danh nhân như Christopher Columbus, nhà thám hiểm vĩ đại đã phát hiện ra châu Mỹ vào năm 1492 mới đây cũng được kỷ niệm 500 ngày mất là con số lớn nhất. Còn lại, hai nhân vật được kỷ niệm ngày sinh cỡ 2000 năm trở lên chỉ có Đức Phật và Chúa Jesu.
Có người hỏi tuy là vui nhưng cũng rất chân thành: “Sinh nhật 2000 năm của Bà Trưng, không biết có thắp đến 2000 ngọn nến không nhỉ? Mà chính xác phải là 4000 ngọn nến, vì kỷ niệm ngày sinh của cả hai bà Trưng Trắc và Trưng Nhị cơ mà?”.
Đương nhiên chẳng ai đi thắp đến 4000 ngọn nến, nhưng có khá nhiều sự kiện được diễn ra, một lễ mít tinh được truyền hình trực tiếp trên VTV1, lễ dâng hương, chương trình nghệ thuật, festival, hội thi, triển lãm… Dày đặc các sự kiện, đương nhiên là cũng huy động một khối lượng lớn sức người, tiền của.
Cái tư duy kỷ niệm các sự kiện vào năm chẵn phải “hoành tráng, ấn tượng” của những người làm văn hóa ở Việt Nam có lẽ nhiều năm nay chưa thay đổi được. Cứ phải loa đài kèn trống cờ xí tung bay rợp trời, trong khi có nhiều cách thiết thực, hiệu quả hơn đã bị bỏ qua.
Giả sử có ngày sinh nhật đầu tiên của Bà Trưng vào ngày 1/8 cách đây 2000 năm thật, thì 2000 năm sau, vào năm 2014 này, trong mỗi lớp học, vào ngày hôm đó, các thầy cô có thể dành ra một tiết học hoặc 15, 20 phút sinh hoạt truyền thống, cùng nhắc cho học trò nhớ về công ơn và chiến công hiển hách của Bà Trưng. Từ đó khơi lên trong các em tình yêu và lòng tự hào dân tộc.
Việc ấy chẳng tốn một đồng một hào nào, nhưng trí óc non nớt của các em sẽ nhớ rất lâu, còn hơn là tổ chức mấy ngày hội linh đình tốn kém. Việc dâng hương tưởng niệm cứ để các vị trưởng lão ở đền thờ Hai Bà Trưng làm, các vị lãnh đạo cần thể hiện lòng kính trọng thì xin mời cứ đến mà tham dự. Thế có lẽ hay hơn.
Có nhiều cách để hậu thế tưởng nhớ công ơn người xưa, quan trọng nhất là nó phải thiết thực, thật tâm và hiệu quả chứ không phải chỉ cần ùm xòe trống rong cờ mở. Thay đổi được tư duy này, các nhà quản lý văn hóa sẽ tiết kiệm được khối tiền cho dân cho nước.
Mi An

No comments:

Post a Comment