Monday, August 18, 2014

Âm nhạc khiến thần kinh thay đổi



LTS: Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh được biết trong cộng đồng người Việt nhiều năm qua với chuyên khoa về hiếm muộn, vô sinh, và lựa chọn trai gái theo ý muốn. Ông đã từng làm nghiên cứu về bệnh hiếm muộn, và các bệnh ung thư của phụ nữ tại National Cancer Institute trực thuộc National Institutes of Health. Bác Sĩ Minh là Board Certified về Obstertrics, Gynecology và Reproductive Endocrinology Infertility. Phòng mạch tọa lạc trong khuôn viên bệnh viện Fountain Valley, tại 11180 Warner Ave., Suite 465, Fountain Valley, CA 92708. Số phone liên lạc: (714) 429-5848, trang nhà: www.bacsihongocminh.com

Học hát hay học chơi nhạc cụ giúp cho trẻ em có thể vượt qua khuyết tật chậm phát triển về ngôn ngữ. Một nghiên cứu mới nhất của Bác Sĩ Nina Kraus từ trường đại học Northwestern University cho biết, học âm nhạc có thể làm cho hệ thần kinh thay đổi, giúp trẻ học hành, đọc sách mau hiểu, thâu thập dễ dàng hơn.
Âm nhạc có thể nói là cái nôi của ngôn ngữ loài người. Nhất là ngôn ngữ Việt Nam, đầy nhạc tính, có thể nói chính nó là một thể loại âm nhạc đặc thù cá biệt. Với âm nhạc những cảm xúc, ý tưởng được thể hiện mà không cần nói thành lời. Con người ta từ hoang sơ đã và vẫn còn biểu hiệu qua trẻ sơ sinh, trước khi biết nói, biết u ơ phát âm trầm bổng như những điệu nhạc. Phải chăng âm nhạc là một sáng tạo tuyệt vời của con người, hay chính âm nhạc đã giúp con người ta sáng tạo? Có thể là cả hai, nhưng thế nào đi nữa, âm nhạc ngày càng gắn bó và không thể thiếu trong đời sống, trong công ăn việc làm hằng ngày của chúng ta.

Âm nhạc giúp vượt qua những công việc “phải làm”, được hữu hiệu và đỡ nhàm chán

Thí dụ, viết bài cho mục “Bác Sĩ Ơi !” trên báo Người Việt đòi hỏi não bộ phải suy nghĩ, truy cập cặn kẻ những kiến thức đã biết hay cần biết thêm, cộng với một chút sáng tạo để làm cho bài viết có chút “tếu” cho người đọc “dễ tiêu” hơn. Ngược lại trả lời email của độc giả thì không cần nhiều sáng tạo trong đó. Cả hai trường hợp, âm nhạc giúp tôi vượt qua những sự nhàm chán không thể tránh khỏi.
Nghiên cứu cho thấy không phải đơn thuần là những thanh âm mà là những cảm xúc khi nghe những bài nhạc đã làm cho ta tăng hiệu năng trong công việc làm. Nghiên cứu còn cho biết thêm là những bài nhạc có chủ âm thứ (minor) thật ra chẳng giúp đỡ gì tích cực cho hiệu năng làm việc. Trong khi đó, những bài nhạc có chủ âm trưởng (Major) làm cho người nghe gặt hái được nhiều chuyện cần làm hơn. Vì thế những bài hùng ca toàn là nhạc có hợp âm trưởng. Chuyện nầy thì ai cũng biết khi nghe nhạc Việt Nam, đa số là chủ âm thứ và đầy ai oán (sẽ đi sâu trong một bài viết khác, có thể nhạc Việt chịu ảnh hưởng của nhạc Chiêm Thành với những uẩn ức của nỗi buồn mất nước). Trong suy nghĩ của các con tôi và hầu hết thế hệ người Việt trẻ lớn lên ở Mỹ, khi nghe nhạc Việt, không những ngày làm việc mà đời trở nên u ám!

Trong môi trường ồn ào, âm nhạc là cứu cánh
Khi lái xe đường xa, âm nhạc giúp cho ta chống chỏi lại sự bực bội, giận dữ vì nghẽn đường, vì xe cộ ồn ào, và những người lái xe ẩu. Ở sở, những tiếng ồn của máy móc, của đồng nghiệp chuyện trò cũng có khi làm bạn điên cuồng lên được. May thay đã có âm nhạc! Nghiên cứu cho thâý trong các xí nghiệp những nhân công được nghe nhạc, sẽ xong công việc nhanh hơn những người không nghe. Vì thế hãy nói với chủ của bạn cho phép bạn được nghe nhạc trong khi làm việc, miễn nghe bằng headphone, không phiền ai. Tuy nhiên, trong việc học hành, nhạc không lời sẽ ít làm cho bạn bị chia trí hơn là nhạc có lời, đồng thời nhạc mới nghe lần đầu sẽ làm cho bạn phân tâm hơn là nhạc cũ, kết quả là không học hỏi được gì cả. Ngoài ra, những loại nhạc lên xuống bất thường qua nhiều quãng âm (octave) ( như nhạc của nhạc sĩ Vũ Thư Nguyên, nếu bạn muốn biết, ở webite của BS.Minh) cũng có hại hơn là có lợi trong khi làm việc. Có nhiều trường hợp, chỉ một vài tiếng sáo trúc, tiếng mưa rơi, tiếng chim hót vang lên trong thinh lặng lại có hiệu quả cho sự tập trung ý tưởng hơn là những bài nhạc ồn ào.

Các loại nhạc có thể nghe trong khi làm việc
1. Nhạc cổ điển, hòa tấu: Nhiều nghiên cứu khác nhau xác nhận, nghe nhạc cổ điển, Baroque, của Vivaldi, Mozart v.v… trong khi làm việc sẽ đạt hiệu quả hơn. Tuy nhiên nên tránh những bài lên xuống bất thường như Fugue in D minor thay vì êm êm, tà tà như Fur Elise chẳng hạn.
2. Cho những bạn trẻ, không thích nhạc cổ điển, thì “nhạc electronic” nghe cũng được. Những âm thanh của nhạc electronic được tạo ra bởi các thiết bị hay nhu liệu điện tử, mang tính cách “nhân tạo” không có trong tự nhiên, và thường lập đi lập lại từ những đoạn ngắn gọi là “mẫu” (sample). Những thể loại nằm trong nhóm nhạc nầy bao gồm chillout, downtempo, ambient house v.v…
3. Nhạc phổ thông của Việt Nam, nên chọn những bài nhạc hòa tấu nhạc cụ không lời, và nên lựa bài nào vui một tí. Một buổi sáng mở mắt ra mà nghe nhạc Trịnh, “một ngày như mọi ngày” cho dù không lời đi nữa, chân sẽ lết không nổi, và, đời hết muốn sống. Các loại nhạc có lời như vọng cổ, cải lương thì không nên nghe trong khi làm việc vì đầu óc phải theo dõi tình tiết của câu chuyện.
4. Nên khám phá, tập thưởng thức, nếu chưa bao giờ, các thể loại nhạc khác như Jazz, hip-hop, indie rock, blues v.v… vì bạn có thể ngạc nhiên là bạn thích nó. Thí dụ ở tuổi nửa chừng xuân, mà tôi lại thích nhạc hip-hop và hard rock!
5. Cuối cùng, có nhiều khi hãy trả lại sự im lặng cho im lặng. Cuộc sống của bạn là một bài nhạc, và, một bài nhạc không là bài nhạc mà chỉ là những tiếng ồn ào vô nghĩa, nếu không có những dấu lặng chấm phá trong đó. Apple hay Google đều có bán hay cho free những “apps” gọi là “white noise” để cho bạn nghe những tiếng sáo, tiếng chim hót, tiếng mưa rơi, tiếng lửa củi cháy trong bếp, tiếng chuông chùa v.v… giúp bạn có những lắng đọng suy tư, tập trung vào công việc làm.
Hầu hết các loại nhạc kể trên đều có thể nghe free trên mạng.
Trước đây, tôi có viết một bài về tác dụng của âm nhạc và sức khoẻ, nếu thích, bạn có thể tìm hiểu thêm ở trang nhà của BS. Minh. Tựu trung, các tác dụng tích cực của âm nhạc trong đời sống, trong công ăn việc làm, không thể nào chối bỏ được, tuỳ theo sự chọn lựa của bạn cho hợp “khẩu vị” mà thôi.

BS. Hồ Ngọc Minh
Theo Người Việt


No comments:

Post a Comment