QUẢNG NAM (NV) .- Tại Quảng Nam, vì thiếu phòng học, trường tổ chức cho cha mẹ bốc thăm để tuyển học sinh mẫu giáo. Ở Đắk Lắk, do không có cầu, một phụ nữ bị trọng thương khi đu dây qua sông.
Một người dân xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông, Đắk Lắk, đu dây vượt sông Krông Ana (ảnh lớn). Bà Nguyễn Thị Thọ nạn nhân mới nhất của việc đu dây vượt sông (ảnh nhỏ). (Hình: Tuổi Trẻ)
Đó là hai sự kiện vừa xảy ra hồi cuối tuần qua. Theo tờ Tuổi Trẻ, vì chỉ có thể nhận được 25 học sinh trong khi có đến 36 đơn xin nhập học, Ban Giám hiệu trường Mẫu giáo Bình Khương ở xã Bình Giang, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, đề nghị các phụ huynh rút thăm để họ dựa vào đó chọn học sinh.
Sau khi phụ huynh phản đối, báo giới chỉ trích, Phòng Giáo dục huyện Thăng Bình chỉ đạo Ban Giám hiệu trường Mẫu giáo Bình Khương chọn 25 trẻ lớn nhất theo ngày – tháng – năm sinh. Tuy có sự thay đổi về phương pháp lựa chọn nhưng vẫn có 9 đứa trẻ không được đến trường vì trường không đủ chỗ.
Ở Đắk Lắk, bà Nguyễn Thị Thọ, 52 tuổi, ngụ tại xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông vừa thoát chết. Hôm 15 tháng 8-2014, khi đang đu sang phía bên kia sông Krông Ana thì ròng rọc bị trục trặc, bà Thọ rớt từ độ cao 10 mét xuống sông. Bà bị chấn thương cổ, vai, vẹo hàm, mẻ một đốt sống.
Viên chủ tịch xã Hòa Lễ nói rằng, tai nạn vừa kể chỉ là một trong vô số tai nạn đã xảy ra suốt nhiều năm qua khi dân chúng phải đu dây vượt sông. Theo viên chủ tịch xã Hòa Lễ, từ nam tới nữ, từ già đến trẻ ở xã này không có lựa chọn nào khác, bởi họ không thể gạt bỏ nhu cầu đi lại, trong khi vùng này không có cầu.
Nhiều năm qua, nhà cầm quyền xã Hòa Lễ đã nhiều lần đề nghị cấp trên làm cầu song không cấp nào thèm xem xét.
Chuyện ở Quảng Nam và chuyện ở Đắk Nông hồi cuối tuần qua chỉ là hai ví dụ minh họa gần nhất trong việc chế độ Hà Nội không đầu tư cho những công trình phúc lợi thiết yếu phục vụ dân sinh. Tiền được giữ lại để hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương vứt vào những dự án tiếng là “trọng điểm” song vô bổ.
Cuối năm ngoái, nhà cầm quyền Hà Nội công bố một thống kê về việc sử dụng ngân sách để đầu tư vào các “dự án trọng điểm”. Theo đó, chỉ trong vòng mười năm, dựa trên đề nghị của nhà cầm quyền các địa phương, Việt Nam đổ tiền xây 20 cảng biển quốc tế, 22 phi trường (có 8 là phi trường quốc tế), 267 khu công nghiệp (trung bình một tỉnh có 4 khu công nghiệp), 18 khu kinh tế ven biển, 28 khu kinh tế cửa khẩu, 1,757 dự án trong các lãnh vực giao thông, thủy lợi và di dân.
Nhiều phụ huynh ngồi chờ tại trường mẫu giáo Bình Khương để nộp hồ sơ cho con nhập học 'lớp nhỡ' tại trường. (Hình: Tuổi Trẻ)
Tổng vốn đầu tư cho tất cả các “dự án trọng điểm” ấy ngốn hết khoảng 444 ngàn tỉ đồng và gần như toàn bộ các “dự án trọng điểm” đều bỏ hoang sau khi hoàn tất.
Hồi tháng 4 vừa qua, tại một cuộc thảo luận về việc sửa luật xây dựng hiện hành, Bộ trưởng Xây dựng CSVN thừa nhận, lãng phí đã trở thành phổ biến ngay từ định hướng xây dựng đến thực hiện dự án, có khi lên tới 100% giá trị công trình. Lãng phí là nguyên nhân khiến ngân sách bội chi và nợ nần của Việt Nam gia tăng.
Tại Việt Nam, năm nào chi tiêu cho đầu tư công cũng tăng so với dự tính, có năm tăng đến 30% nhưng hiệu quả thì chẳng ra gì. Nhiều cựu viên chức và viên chức công khai thú nhận, đó là căn bệnh trầm kha trong quản trị, điều hành của nhà cầm quyền từ trung ương xuống địa phương tại Việt Nam.
Tuần trước, dựa trên một báo cáo của cơ quan Kiểm toán Nhà nước Việt Nam, báo giới Việt Nam cho biết, nhà cầm quyền tỉnh Bạc Liêu đã phá sản. Tuy ngân khố Bạc Liêu cạn tiền từ năm 2013 song Bạc Liêu vẫn phê duyệt để chi 1,370 tỉ đồng, đầu tư cho nhiều công trình không hề có trong kế hoạch.
Để đầu tư cho những công trình ngoài kế hoạch này, nhà cầm quyền tỉnh Bạc Liêu đã rút tiền từ các khoản, vốn chỉ được phép dùng cho giáo dục, y tế, kiên cố hóa kênh mương và trả các khoản nợ đang còn thiếu nhiều doanh nghiệp. Cũng vì vậy, ngoài khoản nợ 1,350 tỉ đồng tới hạn phải trả, tại Bạc Liêu hiện có rất nhiều công trình đang dở dang, muốn hoàn tất phải chi 4,644 tỉ đồng nữa.
Hồi cuối năm ngoái, ông Lê Xuân Bá – cựu Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, phân tích, về nguyên tắc, dự án đầu tư sẽ không được chi tiền nếu không nằm trong kế hoạch đã được phê duyệt. Tuy nhiên trong thực tế, nhiều dự án đầu tư không hề có trong kế hoạch đã được phê duyệt vẫn được chi tiền. Ông Bá giải thích, thực trạng đó trở thành phổ biến vì nhà cầm quyền các địa phương có thể lập dự án đầu tư và “chạy” để “trung ương đồng ý chi tiền”
Vay mượn quá nhiều và dồn vốn vào những dự án vô bổ đã dẫn tới lạm phát. Lạm phát khiến chế độ Hà nội quyết định “thắt chặt chi tiêu” và điều đó làm doanh nghiệp phá sản hàng loạt, đẩy kinh tế Việt Nam đến chỗ lụn bại, ngân sách chẳng còn bao nhiêu nguồn để thu vào.
Bởi liên tục bội chi trong khi ngân sách thất thu nghiêm trọng, nhà cầm quyền CSVN ngưng chi cho những công trình phúc lợi thiết yếu phục vụ dân sinh. Rất nhiều dự án xây dựng, sửa chữa trường học, bệnh viện đang bị bỏ dở hoặc không thực hiện vì không được cấp tiền. Đến nay, vẫn chỉ có dân chúng lãnh nhận toàn bộ hậu quả, chưa có bất kỳ viên chức nào bị truy cứu trách nhiệm. (G.Đ)
08-17-2014 2:32:31 PM
Theo Người Việt
No comments:
Post a Comment