Wednesday, August 27, 2014

Ngân hàng xiết nợ, dân ngồi trên lửa



Published on August 27, 2014   · 
SONGDA-BATDONGSAN

Có một sự thật mà lâu nay dư luận chỉ hoài nghi: không ít trường hợp chủ đầu tư vừa bán nhà cho khách hàng, đồng thời thế chấp dự án cho ngân hàng, dẫn đến việc cấp giấy chủ quyền bế tắc, người dân phải cư ngụ bằng “niềm tin”… xa vời giữa 2 “đại gia” trên.

Giấy cắm ngân hàng

Nằm ngay khu trung tâm quận 3, có khu căn hộ cao cấp Sông Đà Tower, do Tổng Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Sông Đà làm chủ đầu tư. Nơi đây nếu nhận xét là cao ốc văn phòng sẽ phù hợp hơn bởi khá “mi-nhon”: diện tích khu đất 615,3m², cao 13 tầng với 40 căn hộ, có diện tích từ 78 – 106m²! Theo thông tin chúng tôi nắm được, dự án khu căn hộ cao cấp Sông Đà Tower hoàn thành năm 2010 và bán hết cho khách hàng thông qua hợp đồng mua bán từ năm 2009. Thay vì làm thủ tục cấp giấy chủ quyền cho khách hàng thì tháng 7-2012, chủ đầu tư thế chấp quyền sử dụng đất toàn bộ dự án cho Techcombank – chi nhánh Tân Bình. Tháng 6-2013, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất TPHCM (VPĐKTP) đã làm việc với Công ty Sông Đà và Techcombank Tân Bình, thông tin như sau: Phía ngân hàng cho biết trường hợp của Công ty Sông Đà đã chuyển thành nợ xấu nên không thể giải quyết.
Cư dân ở cao ốc Sông Đà chưa được cấp giấy chủ quyền.
Còn 3 dự án khác cũng rơi vào tình trạng tương tự: Dự án chung cư cao cấp căn hộ Vườn Hồng Ngọc (2A Nguyễn Sỹ Sách, quận Tân Bình) của Công ty CP Tân Hoàng Thắng đang thế chấp tại một chi nhánh của Agribank (300 căn hộ); Dự án chung cư cao cấp Minh Thành (173 Lê Văn Lương, quận 7) của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Minh Thành thế chấp tại Agribank chi nhánh Nam Sài Gòn; Dự án khu căn hộ thương mại The Manor 2 (phường 22, quận Bình Thạnh) của Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco thế chấp tại Vietcombank – chi nhánh TPHCM. Nhằm xử lý các trường hợp trên, đầu năm nay tại cuộc họp do Sở TN-MT TPHCM chủ trì, đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM đề nghị cơ quan chức năng phát thông báo cấp giấy chủ quyền cho khách hàng mua căn hộ, việc thế chấp giữa chủ đầu tư và ngân hàng sẽ giải quyết tại tòa án. Nhưng đến nay tình hình chưa thay đổi.

Phong tỏa tài sản

Tháng 5 vừa rồi, Sở TN-MT TPHCM đã ra thông báo gửi các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP hướng dẫn cách xử lý. Theo đó, sẽ tiến hành cấp giấy chủ quyền cho chủ đầu tư đối với các căn hộ, các tầng thương mại… chưa bán; tiếp đó đăng ký biến động “thửa đất đã chuyển sang hình thức sử dụng chung” vào giấy chủ quyền gốc; có văn bản về hồ sơ đủ điều kiện chuyển quận, huyện cấp giấy chủ quyền cho người mua. Cuối cùng, chủ đầu tư và các tổ chức tín dụng thực hiện xóa thế chấp cũ, đăng ký thế chấp mới tài sản riêng của chủ đầu tư.
Thoạt nhìn giải pháp này có vẻ thuyết phục cả ba bên, gồm người mua, chủ đầu tư và tổ chức tín dụng, nhưng VPĐKTP cho biết, sau khi phát thông báo nêu hướng xử lý như trên, văn phòng đã tiếp nhận thêm 5 dự án khác cùng chung cảnh ngộ. Đối với 4 dự án đã được mổ xẻ trước đây, kết quả như sau: đối với chung cư Sông Đà Tower, tiến hành bóc tách tài sản của chủ đầu tư và khách hàng, sau một hồi tính toán thì ngân hàng không chấp nhận, tiếp tục giữ lại toàn bộ dự án. Đối với dự án chung cư cao cấp Minh Thành, chưa có giải pháp rút khỏi thế chấp, đồng thời các thủ tục khác liên quan đến pháp lý của khu đất chưa hoàn tất. Tại dự án chung cư The Manor, tình trạng vẫn như cũ, thế chấp từ năm 2009. Trong đó, theo đánh giá của VPĐKTP, “nặng nhất” là dự án Vườn Hồng Ngọc. Chủ đầu tư là Công ty CP Tân Hoàng Thắng đã thế chấp quyền sử dụng đất khu đất 5.097m² và toàn bộ tòa nhà chung cư được xây dựng trên thửa đất này để vay vốn tại Agribank Chi nhánh 9. Tháng 6 năm ngoái, ngân hàng này phát thông báo đề nghị “quý cơ quan ngăn chặn việc thế chấp, mua bán, cho tặng, trước bạ, đăng bộ hay bất kỳ giao dịch nào liên quan đến các căn hộ trên của Công ty CP Tân Hoàng Thắng cho các đối tượng khác khi chưa có văn bản giải chấp của ngân hàng”. Sự việc chưa dừng lại đó, tháng 9-2013, Chi cục Thi hành án dân sự quận Tân Bình đã ra quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản của khu đất trên. “Không hiểu lý do gì tòa án phong tỏa toàn bộ dự án cũng như quyền lợi của người mua nhà như vậy. Sự việc đã trở nên nghiêm trọng…”, ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc VPĐKTP, nhận xét.
Tuy không có thống kê cụ thể nhưng không ít các dự án nhà đã bán cho khách hàng, chủ đầu tư đem giấy chủ quyền thế chấp ngân hàng đến nay không có giải pháp xử lý. Đương nhiên, ngân hàng phải “sống chết” để giữ tài sản đã thế chấp làm con tin nếu như chủ đầu tư không trả lại tiền vay vốn hoặc đổi bằng tài sản khác có giá trị tương đương để khỏi phải vướng vào vòng lao lý. Cuối cùng chịu thiệt trong cuộc chơi này chính là khách hàng!
Vào một ngày cuối tháng trước, không khí cực kỳ căng thẳng giữa chủ đầu tư và khách hàng xảy ra quyết liệt về sổ đỏ, dù đồng hồ đã bước qua 12 giờ trưa từ lâu, đến nỗi chủ đầu tư là ông Trần Văn Cường, Giám đốc Công ty TNHH Bảo Cường, buông giọng bất cần: “Hiện tiền không còn, tài sản bị ngân hàng xiết hết, vợ con cũng bỏ đi, tôi không còn gì để mất”. Khó khăn lắm hàng trăm khách hàng mua nền đất tại hai dự án Tam Phước và An Viễn (tỉnh Đồng Nai) mới “chụp” được chủ đầu tư và các đơn vị môi giới ngồi với nhau để tìm giải pháp, yêu cầu sớm bàn giao giấy chủ quyền 120 nền đất của dự án. Khách hàng mua đất nền dự án từ đầu năm 2010, đã nộp đến 95% giá trị nền đất, thậm chí có người đã đóng tiền 100% nhưng dự án vẫn chưa xong hạ tầng, chưa có giấy chủ quyền và lãnh đạo công ty này thường tránh mặt. Nhiều khách hàng với ánh mắt tuyệt vọng đã níu áo năn nỉ bà chủ đơn vị môi giới là Công ty CP Địa ốc Kim Oanh mua phần đất còn lại của dự án, nhằm giúp ông Cường có tiền hoàn tất dự án. Khách hàng nhận lại là cái lắc đầu nguây nguẩy, rất ngao ngán của đơn vị môi giới vì quá mệt mỏi với phi vụ hợp tác ồn ào này!
Dự án Thảo Loan Plaza, tại khu dân cư Trung Sơn, đã xây xong phần thô, nhưng phơi mình trong sương gió hơn 2 năm qua vì hết tiền. Dự án trên chủ đầu tư bán căn hộ cho khách hàng đồng thời thế chấp Agribank Sài Gòn để vay 534 tỷ đồng. Đại diện ngân hàng cho biết: Lẽ ra khi bán cho khách hàng, nguồn tiền trên phải chảy vào ngân hàng để tất toán, nhưng chủ đầu tư lại tự ý thu giữ riêng, ngân hàng dư sức nhảy vào hoàn thiện dự án nhưng lo nguồn thu không đủ bù chi. Hiện nay dự án không biết khi nào hoàn tất, khách hàng không biết kêu ai vì chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH Kinh doanh nhà Thảo Loan đã ba lần đổi chủ!
THEO SGGP

No comments:

Post a Comment