Wednesday, July 23, 2014

Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ bật đèn xanh cho thỏa thuận hạt nhân với Việt Nam


Trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ tại Washington.REUTERS

RFI-Trọng Nghĩa

Thêm một dấu hiệu về tiến trình cải thiện quan hệ Mỹ Việt. Trong phiên họp vào hôm qua, 22/07/2014, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ đã bỏ phiếu chấp thuận Thỏa thuận về hợp tác hạt nhân dân sự giữa Mỹ và Việt Nam. Nếu được toàn thể Thượng viện thông qua, Thỏa thuận này sẽ mở đường cho các công ty Mỹ bước vào thị trường điện hạt nhân đang mở cửa của Việt Nam.

Thỏa thuận hạt nhân dân sự Mỹ-Việt đã được chính phủ hai nước đúc kết vào tháng Mười năm ngoái (2013), và đã được Tổng thống Barack Obama phê duyệt vào tháng Hai năm nay. Theo luật lệ tại Mỹ, mọi hiệp ước phải được Thượng viện phê chuẩn, và việc được Ủy ban Đối ngoại thông qua là bước quan trọng đầu tiên.

Sắp tới đây, dự thảo thỏa thuận còn cần phải được toàn thể Thượng viện bỏ phiếu, và theo hãng tin Mỹ AP, triển vọng văn kiện này được thông qua chưa hẳn là chắc chắn vì vẫn còn một số dư luận dè dặt.

Nhiều nhà lập pháp Hoa Kỳ, cũng như giới chống phổ biến hạt nhân đã tỏ ý quan ngại trước việc Thỏa thuận ký với Việt Nam không nghiêm cấm Hà Nội tự làm giàu uranium hoặc tái chế plutonium, hai quy trình có thể được sử dụng để chế tạo vũ khí hạt nhân.

Để trấn an Mỹ trong lãnh vực này, Việt Nam đã ký một bản ghi nhớ với Mỹ, cam kết không tìm kiếm khả năng bị cho là nguy hiểm đó, mà sẽ mua nhiên liệu trên thị trường quốc tế. Vấn đề là bản ghi nhớ này lại không mang tính chất ràng buộc.

Giới ủng hộ Thỏa thuận hạt nhân với Việt Nam hiện có một hậu thuẫn đáng kể từ ngành công nghiệp hạt nhân Mỹ, đang phải chịu sự cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt, và rất muốn tiếp cận thị trường Việt Nam. Hà Nội đã có kế hoạch sản xuất khoảng 10.000 MW điện hạt nhân từ nay đến năm 2030 để đáp ứng nhu cầu điện năng ngày càng tăng của mình.

Hiện Việt Nam đã ký hợp đồng với Nga để xây dựng hai lò phản ứng vào năm 2020 và với Nhật Bản để xây dựng hai lò khác. Ngoài Nga và Nhật Bản, trên thị trường Việt Nam, các công ty Mỹ còn có một số đối thủ cạnh tranh khác là Pháp, Canada, Hàn Quốc và có thể là Trung Quốc.

Dẫu sao thì theo Viện Năng lượng Hạt nhân ở Washington, một định chế chủ trương phát triển công nghệ hạt nhân, thỏa thuận với Việt Nam có thể tạo ra khoảng từ 10 đến 20 tỷ đô la trong kinh doanh cho các công ty Mỹ.

Đối với giới phân tích, Thỏa thuận hạt nhân dân sự Mỹ-Việt phản ánh đà thắt chặt rõ nét quan hệ giữa Washington và Hà Nội.

Việc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ bật đèn xanh cho việc phê chuẩn thỏa thuận này diễn ra vài hôm sau khi định chế này đã nhất trí thông qua một nghị quyết lên án các hành vi khiêu khích của Trung Quốc tại vùng Biển Đông, mặc nhiên ủng hộ Việt Nam là đối tượng bị Trung Quốc chèn ép.

No comments:

Post a Comment