Wednesday, July 23, 2014

Trưởng phòng PC67 Công an TP.HCM: CSGT cần phải ứng xử có văn hóa

Người vi phạm càn quấy đã không làm chủ hành vi, cảnh sát giao thông phải là người nhẫn nhịn.
Trả lời phỏng vấn Pháp Luật TP.HCM hôm 22-7, Thượng tá Trần Thanh Trà, Trưởng phòng CSGT đường bộ-đường sắt (PC67), Công an TP.HCM (ảnh) cho rằng cán bộ, chiến sĩ CSGT không được trực tiếp hay thông qua người khác dùng vũ lực với người vi phạm.

Quá nhiều việc gây bất bình

. Phóng viên: Dư luận đang quan tâm đến một số vụ việc như: Cô gái tố cáo bị CSGT Hàng Xanh bỏ lại giữa đêm khuya, nơi vắng vẻ, nguy hiểm; một phụ nữ cho rằng bị CSGT ném đèn pin vào mặt; học sinh cho rằng bị CSGT An Sương đánh… Chưa kết luận đúng sai trong các trường hợp này thì ông nhận xét gì về thái độ, ứng xử của CSGT?

+ Thượng tá Trần Thanh Trà: Đương nhiên là cần nhắc nhở, làm rõ, xử lý. Quan điểm của Phòng là người thi hành công vụ phải có hành vi, thái độ ứng xử đúng mực với người dân, đặc biệt là CSGT phải tiếp xúc thường xuyên với người dân. CSGT khi phát hiện vi phạm thì xử lý hành vi vi phạm chứ không được xúc phạm, đánh đập họ. Với các trường hợp báo chí nêu như trên, Phòng đang tiến hành xác minh, làm rõ và đã có báo cáo xác minh bước đầu. Nếu cán bộ cảnh sát (CBCS) có đánh học sinh, ném đèn pin gây thương tích, hay bỏ rơi cô gái giữa nơi nguy hiểm… thì tùy trường hợp sẽ bắt kiểm điểm, xử lý tương ứng và sẽ thông tin cho cơ quan báo chí. Riêng với trường hợp học sinh vi phạm chạy vào đường ô tô, không chấp hành hiệu lệnh của CSGT mới đây là rất đáng trách.
. Một số vụ việc khi người vi phạm cự cãi với CSGT thì sau đó bị người lạ đánh. Có nghi vấn cho rằng có mối liên hệ giữa người lạ đánh nạn nhân với CSGT làm nhiệm vụ. Có trường hợp nạn nhân tử vong như vụ xảy ra ở quận Tân Phú, mới đây là quận Tân Bình. Ông thấy cần chấn chỉnh gì từ vụ việc trên?

+ Về sự việc xảy ra liên quan tới nạn nhân làm việc với CSGT quận Tân Bình rồi bị người lạ đánh tử vong, hiện Công an TP đang điều tra. Việc có mối liên hệ giữa CSGT với người đánh nạn nhân hay không sẽ được kết luận, tôi không bình luận gì về việc này.

Tường trình của học sinh  Nguyễn Anh Tài khẳng định không bị CSGT An Sương đánh hay hành hung.
Sau khi chạy sai làn đường, Tài không hợp tác nên bị CSGT khống chế. Ảnh bạn đọc cung cấp


Tuy nhiên, ngay khi sự việc được báo chí nêu ra, tôi đã có triệu tập khẩn tất cả lãnh đạo các đội thuộc Phòng PC67 và quán triệt quan điểm là nghiêm cấm CBCS sử dụng vũ lực hay thông qua người khác sử dụng vũ lực với người vi phạm. Người vi phạm càn quấy, cự cãi với CSGT làm nhiệm vụ thông thường là trong tình trạng có men, say xỉn. Họ đã là người không làm chủ hành vi thì mình phải là người nhẫn nhịn, cư xử đúng mực. Gặp trường hợp đó có thể gọi cho công an địa phương ra để xử lý hành vi càn quấy. Hoặc nếu người vi phạm quá say, cần giúp đỡ họ bằng cách giữ xe vi phạm, gọi người nhà hoặc kêu xe taxi chở giúp họ về nhà.

Phải đẹp hơn trong mắt dân

. Phòng làm gì nhằm chấn chỉnh, xây dựng văn hóa ứng xử của CSGT nhằm nâng cao hình ảnh người thi hành công vụ?

+ Quan điểm của Công an TP và của Phòng là chú trọng công tác nâng cao hình ảnh của CSGT nói riêng trong mắt của nhân dân. Mỗi CBCS khi thi hành công vụ có lúc, có nơi, có hành vi, thái độ ứng xử chưa chuẩn với người dân, cần chấn chỉnh, hoàn thiện. Nhiều năm nay Phòng đã mở nhiều lớp, mời giảng viên về giảng dạy văn hóa ứng xử cho CSGT. Như năm 2013, Phòng đã mở chín lớp dạy văn hóa ứng xử. Trong năm 2014 này, chúng tôi sẽ tổng hợp những vụ việc, trường hợp như dư luận đã nêu vừa qua để mở lớp dạy văn hóa ứng xử. Tôi khẳng định việc chấn chỉnh, hoàn thiện văn hóa ứng xử cho CBCS là công việc thường xuyên, là mối quan tâm hàng đầu trong công tác của Phòng.

. Phòng đánh giá, kiểm tra hiệu quả qua công tác dạy văn hóa ứng xử cũng như ứng xử thực tế của CBCS làm nhiệm vụ như thế nào?

+ Chúng tôi đã từng bước nâng chất hoạt động kiểm tra, giám sát của tổ kiểm tra điều lệnh thuộc Phòng, ngoài các đơn vị có chức năng kiểm tra điều lệnh của Công an TP và Bộ Công an. Tổ được bố trí cho máy quay phim chuyên dụng để kiểm tra công khai hoặc mặc thường phục kiểm tra bí mật, thường xuyên hoạt động nhằm mục đích kiểm tra, giám sát hành vi, thái độ, tác phong, ứng xử của CBCS làm nhiệm vụ và cả chống tiêu cực. Thông qua hoạt động của tổ, chúng tôi ghi nhận và xử lý, chấn chỉnh thái độ, tác phong, ứng xử của cán bộ, chiến sĩ.

Chúng tôi mong rằng trong thời gian tới, với các quyết tâm, biện pháp triển khai chúng tôi sẽ hoàn thiện văn hóa ứng xử, nâng cao hình ảnh của chiến sĩ công an trong mắt người dân.

. Xin cảm ơn ông.

Thứ Tư, ngày 23/7/2014 - 02:40
ÁI NHÂN

No comments:

Post a Comment