(Baodatviet) - Các học giả Trung Quốc tiếp tục đăng đàn phê phán kịch liệt hành động “khảo sát môi trường” quần đảo Senkaku của Nhật Bản.
Hãng tin tức Nhật Bản Kyodo ngày 14-7 cho biết, thành phố Ishigaki, tỉnh Okinawa Nhật Bản một lần nữa đưa ra kế hoạch thực hiện khảo sát sinh thái trên quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) vào mùa hè năm nay, nhằm mục đích nghiên cứu khoa học. Phương thức cụ thể là thuê máy bay tư nhân, tiến hành quan trắc môi trường trên đảo Senkaku.
Trong bối cảnh Bắc Kinh một mực yêu cầu Tokyo phải thừa nhận tranh chấp lãnh thổ trên trên khu vực biển Hoa Đông, hành động “khảo sát môi trường” Senkaku của Nhật Bản, cũng đồng nghĩa với một tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này, trước nhân dân trong nước và cộng đồng quốc tế.
Do hiện nay không phận trên biển Hoa Đông bao gồm cả quần đảo Senkaku đã được Trung Quốc hoạch định nằm trong “Vùng nhận dạng phòng không”, để đảm bảo an toàn cho nhân viên tác nghiệp, thành phố Ishigaki sẽ tiến hành tham vấn các cơ quan chính phủ có liên quan về vấn đề này.
Đối với các nhân sĩ thuộc “cánh hữu” Nhật Bản, luôn có thái độ cứng rắn đối với vấn đề đảo Senkaku thì đây là một cơ hội tốt, nhưng một nguồn tin từ văn phòng Nội các Nhật Bản lo ngại rằng, hành động này “có thể sẽ khiến các nước xung quanh hiểu lầm rằng Nhật Bản đơn phương gây căng thẳng khu vực”.
Tokyo đã từng tiến hành các hoạt động kiểu như “khảo sát môi trường” quần đảo Senkaku từ cách đây rất lâu. Sau khi nguyên thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara đã tuyên bố Nhật Bản phải mua quần đảo Senkaku, giáo sư Yoshihiko Yamada của trường Đại học Tokai đã nhiều lần đưa ra ý kiến giúp chính phủ Nhật Bản gỡ rối vấn đề này.
Máy bay tuần tiễu chống ngầm P-3C Orion của Nhật tuần tra, bảo vệ Senkaku
|
Thông qua các hãng truyền thông như nhật báo "Sankei Shimbun", ông Yoshihiko Yamada phát biểu rằng, Nhật có thể mở cửa quần đảo Senkaku với toàn thế giới, thu hút các chuyên gia môi trường các nước đến khảo sát, nghiên cứu điều kiện trên đảo. Như vậy không những có thể nhấn mạnh chủ quyền của mình đối với quần đảo Senkaku, mà còn khiến cho Trung Quốc không nói được gì”.
Ngoài ra, ông Shintaro Ishihara cũng luôn chủ trương rằng, Chính phủ Nhật Bản nên xây dựng đèn hải đăng, các công trình, thiết bị hải cảng trên đảo Senkaku, để tàu đánh cá Nhật Bản có thể cập bến tránh nạn… Một số nhân sĩ cánh hữu Nhật Bản thậm chí còn cho rằng, nên xây dựng căn cứ quân sự trên hòn đảo này.
Khi được hỏi về vấn đề này, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Quan hệ quốc tế đương đại của Đại học Thanh Hoa, ông Lưu Giang Vĩnh phát biểu với phóng viên Thời báo Hoàn Cầu rằng, nếu chính phủ Nhật Bản dung túng cho những hoạt động như vậy diễn ra, thì chỉ khiến cho quan hệ Trung - Nhật ngày càng trở nên tồi tệ.
Vào tháng 9 năm 2012, “Đoàn điều tra” của Thủ đô Tokyo đã khảo sát xung quanh đảo Senkaku “bất hợp pháp”, nhưng do sự ngăn cản của Chính phủ Nhật Bản nên không thể lên trên đảo. Vì vậy, lần này thành phố Ishigaki tuyên bố sẽ dùng máy bay trinh sát đảo Senkaku, chưa rõ có thực hiện được hay không.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe một mặt thể hiện đồng tình với lãnh đạo Trung Quốc trong các cuộc hội đàm, một mặt lại triển khai các hành động ngoại giao chống lại Trung Quốc trên toàn cầu, một mặt thể hiện “đối thoại cởi mở”, một mặt lại “cự tuyệt đàm phán” với Trung Quốc về vấn đề đảo Senkaku, không hề “ăn năn hối cải” trong vấn đề tham bái đền Yasukuni.
Senkaku đã bị Trung Quốc quy hoạch vào “Vùng nhận dạng phòng không” của mình
|
Ông Lưu Giang Vĩnh chỉ trích Nhật Bản ngoài mặt tỏ ra kỳ vọng vào Hội nghị thượng đỉnh Trung - Nhật, nhưng đối với chủ quyền Senkaku, dù là về bất cứ vấn đề gì nhỏ nhặt nhất, Tokyo cũng từ chối đối thoại, cương quyết không nhượng bộ đối với Bắc Kinh.
Vị học giả này còn phân tích, phía Nhật hiện nay đang “giả bộ cao thượng” khi yêu cầu Hội nghị thượng đỉnh Trung - Nhật, nhưng mục đích là muốn đánh lừa dư luận, tạo ra áp lực về cái gọi là “phía Trung Quốc không hành động theo thông lệ quốc tế”. Hành động của Tokyo cho thấy khuynh hướng chính sách đối với Bắc Kinh vẫn không hề thay đổi.
Tuy nhiên, có một điểm mà vị học giả này không nhắc đến là các hành động đơn phương và ngang ngược của Trung Quốc ở khu vực biển Đông và biển Hoa Đông. Luật lệ quốc tế quy định, đối với những khu vực tranh chấp chủ quyền, các bên không được có hành động đơn phương thay đổi hiện trạng hoặc đơn phương tuyên bố chủ quyền.
Nhiều học giả quốc tế đã chỉ ra, không rõ Bắc Kinh dựa vào đâu để đưa cả biển Hoa Đông vào “Vùng nhận dạng phòng không của mình”, trong đó ôm cả các phần lãnh hải của Nhật Bản và Hàn Quốc? Bắc Kinh dựa vào đâu để ngang nhiên cắm giàn khoan vào trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Hoàng Sa, hút cát đắp đảo ở Trường Sa để xây căn cứ quân sự?
Trung Quốc đã ngang nhiên đưa ra các đòi hỏi chủ quyền vô lý, ngang ngược quy hoạch lãnh thổ của người khác vào trong lãnh thổ của mình, nhưng lại lớn lối phê phán các nước khác tiến hành những hành động khẳng định và bảo vệ chủ quyền hợp pháp của họ. Có lẽ Bắc Kinh cho rằng, chỉ mình họ mới được quyền bảo vệ chủ quyền (phi pháp) của mình?
Đó là các hành động “tôn trọng luật lệ quốc tế ” như nhà cầm quyền Bắc Kinh đã từng lớn tiếng rêu rao hay là nhưng hành động theo kiểu “ngang ngược làm càn” và lý sự cùn “chân lý là cái lý của kẻ mạnh”?
- Thanh Tâm
No comments:
Post a Comment