(Baodatviet) - Sự xuất hiện của Ấn Độ, Nhật Bản sẽ khiến sự cạnh tranh trên thị trường vũ khí thêm khốc liệt, và Nga mới là người sẽ “ngồi trên đống lửa”
Thị trường vũ khí thế giới từ sau chiến tranh thế giới thứ hai được chia thành hai luồng chủ yếu, một là vũ khí xã hội chủ nghĩa, với cánh chim đầu đàn là Liên Xô, nửa còn lại là vũ khí tư bản chủ nghĩa với vai trò của công nghệ Mỹ.
Hai luồng vũ khí này ra đời để khắc chế nhau, triệt tiêu lẫn nhau, cuộc chạy đua vũ trang ấy là không ngừng nghỉ thông qua Chiến tranh lạnh. Và nó chỉ tạm dừng cho đến khi một trong hai bên thất bại, đó là Liên Xô.
Kế thừa những thành tựu khoa học kỹ thuật của Liên bang Xô Viết, nước Nga ra đời và nhanh chóng trở thành một trong hai “ông lớn” trong thị trường vũ khí toàn cầu. Cho đến nay, Mỹ và Nga giữ vai trò chủ đạo, chiếm tới 70% lượng vũ khí được bán ra trên toàn thế giới, số còn lại được chia đều cho các nền công nghiệp quốc phòng của Israel, châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ…
Những chiến đấu cơ hiện đại nhất của thế giới hiện nay |
Tuy nhiên, thời gian gần đây, thị trường này bắt đầu xuất hiện những người chơi mới, hứa hẹn sẽ mang đến nhiều biến động, đó là Nhật Bản và Ấn Độ. Mỗi nền công nghiệp này đều có một màu sắc riêng, và họ đều lựa chọn cho mình những thị trường đầy toan tính.
Nhật Bản – vũ khí Mỹ giá rẻ
Các nhà thầu quân sự của Nhật Bản bắt đầu có những bước đi đầu tiên nhằm bán vũ khí ra nước ngoài sau khi Thủ tướng Shinzo Abe nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu dựa trên “Ba nguyên tắc chuyển giao trang bị phòng vệ".
Đây được xem là một động thái nhạy cảm chính trị đối với một quốc gia bấy lâu nay chưa muốn biến sức mạnh công nghệ quốc phòng của mình thành lợi nhuận từ xuất khẩu vũ khí. Tuy nhiên, Tokyo đã biện minh bằng những lý do không thể không thông cảm:
Họ đang bị đe dọa bởi Trung Quốc, vì thế họ cần phải nâng cao sức mạnh quân sự của mình. Nhưng nâng cao sức mạnh đó rất tốn kém, và họ muốn bán bớt những vũ khí của mình đi để bù vào khoản ngân sách dành cho quân sự. Nói cách khác, Nhật Bản đang dùng vũ khí để nuôi vũ khí.
Chuẩn bị cho cuộc đổ bộ vào thị trường vũ khí, Tokyo đã chuẩn bị một tổ chức với cơ cấu lên tới 2.000 người, thậm chí thuê thêm các chuyên gia thị trường, phân tích, chuyên gia quân sự với vai trò tham mưu. Vậy Nhật Bản có gì trong tay? Trước hết, họ đang sở hữu nền khoa học công nghệ tiên tiến bậc nhất thế giới từ hàng hải, hàng không, công nghiệp nặng, cho đến công nghiệp vũ trụ…
Tàu ngầm lớp Soryu của Nhật Bản đang được Úc quan tâm và bày tỏ mong muốn được mua 12 chiếc |
Với ưu thế khoa học công nghệ này, kết hợp với những sự hợp tác chặt chẽ giữa công nghiệp Nhật Bản với công nghiệp quốc phòng Mỹ, Nhật hoàn toàn đủ khả năng để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao tương đương mà giá thành rẻ hơn nhiều so với “hàng Mỹ.”
Phải nói rằng, khi tham gia vào thị trường vũ khí, Nhật sẽ mang đến một làn gió mới, đáp ứng được sự mong mỏi của các quốc gia không được mua vũ khí Mỹ, với một giá thành rất phải chăng. Đây là điểm mạnh nhất mà Nhật Bản đang sở hữu trong tay.
Hợp đồng đầu tiên giữa Nhật và Anh để hợp tác sản xuất tên lửa, trang bị cho máy bay chiến đấu F-35 mà hai nước này sẽ mua của Mỹ, cùng với hợp đồng sản xuất tàu ngầm công nghệ AIP cho Úc với giá thành bằng một nửa nếu Úc tự đóng, tự sản xuất máy bay chiến đấu để thay thế cho các máy bay F-15J của Mỹ đang biên chế trong quân đội của mình… đã cho thấy sản phẩm của Nhật không phải là đồ bỏ đi.
Còn về thị trường tiềm năng, ngay lập tức Nhật đã xác định được. Họ có kẻ thù là Trung Quốc, họ hiện đại hóa, gia tăng sức mạnh quân sự cũng vì bị Trung Quốc đe dọa. Điều này đồng nghĩa với việc vũ khí của họ là vũ khí khắc chế Trung Quốc. Nhưng cường quốc châu Á ấy có bao nhiêu kẻ thù? Và một suy nghĩ logic, dễ hiểu, Nhật Bản hướng thẳng đến các quốc gia đang mâu thuẫn với Trung Quốc mà bán vũ khí.
Tên lửa Meteor do Nhật Bản hợp tác với Anh sản xuất với dự kiến trang bị trên các chiến đấu cơ F-35 của Mỹ |
Bản thân Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản đã khẳng định, các loại vũ khí xuất khẩu đầu tiên sẽ hướng đến tiêu chí tác chiến của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương như Philippines, Indonesia, Australia...
Ấn Độ - ưu thế rẻ hơn hàng Trung Quốc
Đó là câu chuyện chiến lược của Nhật Bản, còn với Ấn Độ, cường quốc có nền kinh tế thứ ba châu Á sau Trung Quốc và Nhật này cũng đang nỗ lực gia tăng sức mạnh quân đội và hiện đại hóa nền công nghiệp quốc phòng.
Từ khi lên nhậm chức Thủ tướng hồi tháng 5/2014, ông Narendra Modi đã liên tiếp ký hai sắc lệnh để thể hiện quyết tâm nói trên, bao gồm chi 3.5 tỷ USD để hiện đại hóa khả năng sản xuất vũ khí nội địa và tăng ngân sách quốc phòng hàng năm lên 12%. Đồng thời, New Delhi cũng phát ra nhiều tuyên bố về việc họ sẽ bắt đầu xuất khẩu những vũ khí nội địa của mình cho các quốc gia “thân thiện” với Ấn Độ.
Có thể thấy, Ấn Độ luôn giữ lập trường không liên minh với một nước để chống lại nước thứ ba, đồng nghĩa với việc họ luôn ở tư thế trung lập và không có kẻ thù. Tuy nhiên, quốc gia này luôn trong mối quan hệ đối đầu với Trung Quốc.
Kẻ thù của Ấn Độ là Trung Quốc. Vậy quốc gia thân thiện với Ấn Độ cũng phải đảm bảo yếu tố mâu thuẫn với Trung Quốc. Như vậy, có thể tính ra ngay những cái tên mà Ấn Độ muốn nhắm tới khi tham gia vào thị trường xuất khẩu vũ khí này như Việt Nam, Philippines…
Vậy Ấn Độ có gì để cạnh tranh? Trước hết, họ có một nền công nghệ phát triển, nhiều năm hợp tác sản xuất vũ khí với Nga đã khiến Ấn Độ có thể làm chủ nhiều công nghệ có nét tương đồng. Tuy nhiên, điểm mạnh của quốc gia châu Á này phải kể đến yếu tố giá thành.
Tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos - niềm tự hào của ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ, dù có nhiều yếu tố là công nghệ của Nga |
Avinash Chander, giám đốc Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO), gần đây tiết lộ: "Chúng tôi có hàng loạt thiết bị như chiến đấu cơ Tejas, hệ thống phòng không Akash, tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos, cùng nhiều loại vũ khí khác có thể đem xuất khẩu.”
Vị giám đốc DRDO của Ấn Độ khẳng định New Delhi đủ khả năng cạnh tranh với Bắc Kinh về vấn đề giá cả. "Nhiều loại vũ khí Ấn Độ rẻ hơn nhiều. Ví dụ như các hệ thống tên lửa chiến lược mà Trung Quốc bán cho Arab Saudi chẳng hạn, chúng tôi sản xuất chúng với giá chỉ bằng một phần ba hay một phần tư”.
Còn nhớ vào cuối năm 2013, cả khối NATO đã nháo nhác khi Thổ Nhĩ Kỳ quyết định lựa chọn một hệ thống phòng không của Trung Quốc, thay vì hàng Mỹ hay châu Âu chỉ vì giá của Bắc Kinh đưa ra quá hấp dẫn. Với giá thành còn rẻ hơn cả Bắc Kinh cùng với chất lượng tương đương, thậm chí còn vượt trội, Ấn Độ mới là kẻ hứa hẹn sẽ phá giá thị trường vũ khí.
Có thể thấy rằng, Nhật Bản, Ấn Độ đều có chiêu bài riêng, có thế mạnh riêng khi tham gia vào xuất khẩu vũ khí. Chỉ có điều, thị trường tiềm năng của họ đang chồng chéo khi Đông Nam Á được nhắm tới là đích đến số một. Trong khi đó, Nga lại đang kiếm lợi không nhỏ từ thị trường này, đặc biệt với các khách hàng thân thiết như Việt Nam, Indonesia.
Kỳ II: ASEAN sẽ chọn vũ khí của Nga, Ấn Độ, hay Nhật Bản?
Đỗ Minh Tú
No comments:
Post a Comment