(Tin tức thời sự) - “Chúng ta không kỳ vọng gì thủy điện sẽ cắt được lũ cho hạ du.Không bao giờ cắt được! Sẽ còn lũ tiếp diễn.Chúng ta phải chấp nhận sống chung với lũ”.
Ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng Giám đốc EVN đã nói thẳng như vậy khi người dân trông chờ và kỳ vọng thủy điện sẽ xả lũ, cắt lũ.
Hiện Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy trình vận hành liên hồ chứa trên sông Ba yêu cầu các nhà máy thủy điện phải thông báo xả lũ cho dân trước 4 giờ thay vì 2 giờ như trước đây.
Thế nhưng ông Đặng Văn Tuần, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ lại cho rằng xả lũ như thế đã là “áp lực”.
Khác với mục tiêu ban đầu, nay đại diện Tập đoàn điện lực Việt Nam nói thẳng: Thủy điện không bao giờ cắt lũ được! |
Còn ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng Giám đốc EVN, thẳng thừng: không thể có phương án cắt lũ trên sông Ba! “Chúng ta không kỳ vọng gì thủy điện sẽ cắt được lũ cho hạ du. Không bao giờ cắt được! Sẽ còn lũ tiếp diễn. Chúng ta phải chấp nhận sống chung với lũ”.
Ông Đỗ Đức Quân,Vụ trưởng Vụ Thủy điện, Tổng cục Năng lượng thuộc Bộ Công Thương cũng thừa nhận: bộ từng cân nhắc đến phương án cắt lũ cho hạ lưu sông Ba bằng việc mở rộng hồ chứa thủy điện Sông Ba Hạ nhưng không khả thi.
“Chúng tôi tính toán để giữ được 400 triệu m3 nước vào mùa lũ cho hạ lưu sông Ba thì phải chấp nhận mất đi một diện tích đất lên đến 4.500 ha, gần gấp đôi hồ thủy điện Sông Ba Hạ. Diện tích đất mất quá lớn trong khi 400 triệu m3 cũng không thấm vào đâu so với lũ sông Ba”.
Sự lật lọng của thủy điện khiến người dân cay đắng. Ông Trần Văn Tiến, một người dân ở xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên - vùng thường xuyên bị ngập lụt khi thủy điện xả lũ, bức xúc: “Bây giờ, họ lật lọng vậy đó! Trước đây, khi xây dựng thủy điện thì họ nói rất ngon. Họ bảo làm thủy điện sẽ cắt lũ cho dân”.
Trước đó khi lập dự án thủy điện Sông Ba, ngoài mục tiêu chính là cung cấp điện cho đất nước với giá thành hạ, thủy điện Sông Ba Hạ còn là công trình lợi dụng tổng hợp với nhiều lợi ích khác.
Đó là, cung cấp nước tưới cho gần 3.000 ha vùng đất quanh hồ: Củng Sơn, Sơn Phước, Ea Bá, Đức Bình Đông… Nuôi trồng thủy sản trên diện tích mặt nước gấp 3 lần hồ thủy điện Sông Hinh.
Dự án còn có mục tiêu cải tạo môi trường điều hòa khí hậu trong vùng, mở ra khả năng phát triển du lịch sinh thái gắn với Khu bảo tồn thiên nhiên Krông Trai.
Đặc biệt hồ thủy điện Sông Ba Hạ còn có nhiệm vụ tham gia cắt lũ cho vùng hạ du, nhất là đối với vùng đồng bằng huyện, thành phố Tuy Hòa với tần suất 10%. Theo kế hoạch toàn bộ công trình sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.
Thế nhưng kể từ ngày đi vào vận hành đến nay thủy điện sông Ba gây không ít 'tai tiếng'. Và đến bây giờ thì lộ mặt thủy điện chỉ lo cho "túi tiền" của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), cho rằng việc thực hiện đúng quy trình mới sẽ ảnh hưởng lớn đến các nhà máy thủy điện. Do đó phải tính toán để vừa giảm lũ cho hạ du nhưng phải đảm bảo lợi ích cho các nhà máy thủy điện!
Còn ông Đỗ Đức Quân nói: “Các hồ chứa này không thể chống lũ mà chỉ có thể giảm lũ. Trong khi không chống được lũ mà dành quá nhiều dung tích để giảm lũ thì mùa kiệt sẽ thiếu nước”.
Phương Nguyên (tổng hợp)
No comments:
Post a Comment