Monday, July 21, 2014

Đường thủy nội địa bí do cục bộ địa phương


Thứ Hai, 23:06  21/07/2014

Cần bỏ tính hẹp hòi địa phương, mạnh ai nấy làm để mở đường cho phát triển đường thủy nội địa khu vực ĐBSCL

Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại hội nghị “Nâng cao hiệu quả vận tải thủy nội địa (ĐTNĐ) và kết nối các phương thức vận tải ĐBSCL” do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức ở TP Cần Thơ ngày 21-7.
ĐBSCL hiện có hơn 13.000 km đường sông sử dụng cho vận tải với 2.510 cảng, bến thủy nội địa. Năng lực thông quan của các cảng từ 50.000 đến 2 triệu tấn/năm, có cảng cho phép tiếp nhận tàu trọng tải 5.000 DWT. Các tuyến ĐTNĐ phân bổ tương đối đều nhưng về đến TP HCM chỉ còn lại 2 tuyến là chợ Đệm Bến Lức (chiếm 30% lượng hàng hóa đi và về TP HCM) và Chợ Gạo (chiếm 70%). Lưu lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường thủy hằng năm đạt gần 51,5 triệu tấn.
Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Trà Nóc (TP Cần Thơ) Ảnh: Đức Lâm
Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Trà Nóc (TP Cần Thơ) Ảnh: Đức Lâm
Ông Lê Hoàng Linh, Giám đốc Công ty CP Vận tải thủy Tân Cảng, cho biết: Sau khi Tân Cảng Sài Gòn khai thác 3 cảng có khả năng tiếp nhận container vào năm 2010 thì lượng hàng hóa qua các cảng ở Đồng Tháp năm sau gấp đôi năm trước. Tuy vậy, chỉ mới đáp ứng từ 17-18 triệu tấn hàng hóa xuất khẩu mỗi năm của khu vực. Trong số này, 70% lượng hàng hóa phải di chuyển về các cảng ở TP HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu bằng đường bộ khiến doanh nghiệp (DN) chịu chi phí vận tải cao hơn từ 10%-60%.
Ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch HĐQT HTX Rạch Gầm (Tiền Giang), phản ánh: “Hệ thống quy hoạch vận tải, cầu bến… trong khu vực mạnh ai nấy làm. Phương tiện thì có đủ loại: vỏ gỗ, vỏ sắt, trọng tải từ 50, 60 đến 2.500 tấn. Gặp gì chở nấy, không chuyên nghiệp, không chuyên tuyến, không chuyên hàng”.
Theo ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm - Bộ GTVT, ĐBSCL cần quan tâm đầu tư vận chuyển container bằng ĐTNĐ vì giúp vận chuyển được khối lượng hàng hóa lớn.
Đồng quan điểm, trong bài tham luận, TS Nguyễn Văn Khoảng và TS Nguyễn Văn Hinh, Trường ĐH GTVT, cho rằng vận chuyển container bằng đường thủy sẽ giảm áp lực cho vận tải đường bộ. Hiện nay, các tàu tự vận hành vận chuyển container lớn nhất ở khu vực phía Nam có sức chở gần 180 teus. Chỉ cần 20 chiếc tàu như thế có thể vận chuyển được 3.000 teus, hành trình trên đoạn sông dài 4-5 km mà không gây ra bất cứ xung đột nào. Trong khi nếu vận chuyển bằng đường bộ thì phải sử dụng đến 1.700 xe, gây ùn tắc giao thông khoảng 150 km.
Ông Tất Thành Cang, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cho biết: Trong chương trình làm việc của lãnh đạo TP HCM tới đây, sẽ nghiên cứu quy hoạch các tuyến ĐTNĐ từ TP HCM đến ĐBSCL, đồng thời phối hợp để rà soát lại hệ thống DN, cảng bến tại TP HCM; đầu mối, hàng hóa vùng ĐBSCL. “Cần bỏ tính hẹp hòi địa phương thì ngành này mới phát triển” - ông Cang nhận định.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu đề nghị nâng cấp kênh Chợ Gạo, mở thêm luồng cho sà lan lớn, sà lan container trọng tải trên 2.000 tấn chạy xuyên Đồng Tháp Mười, nối vùng Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười, Campuchia với TP HCM, cụm cảng nước sâu Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) để thúc đẩy vận chuyển hàng hóa cho ĐBSCL.
Cấp thiết nhất là cải tạo nâng cấp luồng cho tàu biển có trọng tải lớn ra vào sông Hậu với vai trò là cửa ngõ chính thông ra biển của ĐBSCL. Khi luồng tàu qua kênh Quan Chánh Bố đưa vào khai thác thì sẽ giúp hàng hóa xuất nhập khẩu của ĐBSCL được vận chuyển thẳng bằng tàu lớn (trọng tải đến 20.000 tấn) từ sông Hậu đi các nơi, không phải chuyển tiếp lên các cảng TP HCM. Từ đó, giảm chi phí vận chuyển, tăng sức cạnh tranh hàng hóa của khu vực. 
CA LINH

No comments:

Post a Comment