My Lan - Chí Quân - theo Trí Thức Trẻ | 21/07/2014 14:48
(Soha.vn) - Đại sứ Nga ở LHQ cho biết ông lo lắng rằng nghị quyết do Úc soạn thảo "không phản ánh được nhu cầu cần một cuộc điều tra quốc tế công tâm".
Theo báo Nga RT, Nga đã tự mình soạn thảo một nghị quyết thay thế cho dự thảo nghị quyết của LHQ về vụ MH17, do Úc soạn thảo. Theo Đại sứ Nga ở LHQ Vitaly Churkin, điểm khác biệt của nó là "hoàn toàn chỉ rõ nhu cầu cần một cuộc điều tra công tâm dưới sự hướng dẫn của Tổ chức hàng không dân dụng Quốc tế ICAO".
Đại sứ Anh ở LHQ nhận định rằng, đây là "chiến thuật hoà hoãn điển hình của người Nga".
LHQ sửa từ ngữ trong nghị quyết lên án vụ MH17
Hội đồng Bảo an LHQ sẽ bỏ phiếu thông qua nghị quyết lên án vụ máy bay Malaysia do Úc soạn thảo vào ngày hôm nay, 21/7.
Theo Reuters, nghị quyết đã sửa từ ngữ mô tả vụ việc, từ chiếc máy bay của hãng Malaysia Airlines "bị bắn hạ" thành "rơi".
Nga cùng 15 thành viên Hội đồng Bảo an LHQ đã tham gia quá trình đàm phán, trao đổi về nghị quyết này. Reuters dẫn lời các nhà ngoại giao (yêu cầu giấu tên) cho hay, hiện không rõ liệu bản cuối cùng của nghị quyết có được thông qua hay không.
Một máy bay Ấn Độ bay sát MH17 đã cố liên lạc
Vào thời điểm MH17 bị bắn rơi thì đồng thời có 1 chiếc máy bay của hãng hàng không Ấn Độ Air India và 1 máy bay của Singapore Airlines bay cách đó chỉ khoảng 25km. Chiếc máy bay của Air India đã cố gắng liên lạc với MH17.
Thông tin từ báo Times of India cho biết, khoảng cách giữa hai máy bay chỉ tương đương khoảng 90 giây bay. Do đó, kiểm soát không lưu Ukraine đã nhờ phi công máy bay Ấn Độ liên lạc với máy bay MH17 sau khi họ mất liên lạc với chiếc máy bay này. Đây là quy trình thông thường trong ngành hàng không khi kiểm soát không lưu mất tín hiệu máy bay.
Vài phút trước khi vụ rơi máy bay xảy ra, phi công Air India nghe thấy kiểm soát không lưu cho phép MH17 bay thẳng, thay vì bay theo đường ziczac. “Bay thẳng tốn ít nhiên liệu hơn, nhanh hơn và phi công thích hơn. Nhưng trong trường hợp này, điều đó lại trở thành quyết định chết người", Times of India dẫn lời phi công này cho biết.
Ngay sau đó, phi công Ấn Độ nghe thấy kiểm soát không lưu cố gắng liên lạc với MH17 nhưng không có tín hiệu trả lời. Và họ đã nhờ anh này liên lạc.
Phi công Air India đã gọi cho MH17: “Malaysia 17, đây là Air India 113. Các bạn có nghe thấy không?”. Tất nhiên là không có ai trả lời.
Phiến quân ly khai ép nhân viên cứu hộ giao nộp 196 thi thể?
Báo Anh The Telegraph dẫn lời một người phát ngôn của lực lượng cứu hộ Ukraine cho biết phiến quân ly khai đã lấy đi 196 thi hài mà các nhân viên cứu hộ tìm thấy tại hiện trường vụ MH17 bị bắn rơi.
Cũng theo nguồn The Telegraph, các nhà báo tại hiện trường cho biết, hôm thứ Bảy, họ nhìn thấy phiến quân chất các túi đựng xác lên xe tải và lái đi. Đến ngày Chủ nhật, các phóng viên hãng tin Mỹ AP đã không còn nhìn thấy thi thể nào tại nơi chiếc máy bay gặp nạn.
Phát ngôn viên của Ukraine Nataliya Bystro cho biết các nhân viên cứu hộ phải làm việc dưới sự cưỡng chế và bị ép phải giao các thi thể cho phiến quân có vũ trang. Bà cũng cho biết chính phủ hiện không rõ các thi thể bị đưa đến đâu.
Trong khi đó, tại Kuala Lumpur, sự giận dữ đã lên đến cực điểm khi thân nhân người bị nạn không thể đưa xác các nạn nhân về nhà.
No comments:
Post a Comment