Monday, July 21, 2014

Nhật viện trợ trở lại 'có điều kiện' cho Việt Nam

HÀ NỘI 20-7 (NV) - Nhật tái tục các chương trình cấp tín dụng phát triển ưu đãi cho Việt Nam sau mấy tháng dừng lại vì tham nhũng liên quan đến dự án đường sắt.


Những người bán hàng rong bám sát xe lửa để bán hàng. Ít nhất 5 dự án đường sắt tại Việt Nam bị tố cáo tham nhũng nặng. (Hình: Đường Sắt VN)

Theo hãng truyền hình NHK hôm Thứ Bảy, chính phủ Nhật loan báo dừng cấp tín dụng cho Việt Nam hồi đầu tháng trước sau khi công ty Nhật JTC tư vấn giám sát xây dựng một dự án đường sắt ở Việt Nam bị cáo buộc hối lộ cho quan chức CSVN để đấu thầu gian dối.

Nguồn tin cho biết chính phủ Nhật đồng ý nối lại các chương trình cấp tín dụng sau khi nhà cầm quyền CSVN cam kết thực hiện các biện pháp ngăn chặn tham nhũng hối lộ. Viện trợ của Nhật cho Việt Nam dưới hình thức ODA (Official Development Assistance) là tài trợ theo hình thức tín dụng với lãi suất ưu đãi để thực hiện các dự án giúp phát triển, thoát nghèo đói.

Nhiều dự án viện trợ ODA mà Nhật tài trợ cho Việt Nam từng bị cáo buộc tham nhũng và một số chức sắc của chế độ đi tù. Tuy nhiên, không một vụ nào do các cơ quan thanh tra, giám sát của nhà cầm quyền CSVN khám phá mà đều do chính phủ Nhật điều tra và lôi ra ánh sáng. Chỉ đến khi chính phủ Nhật loan báo cắt viện trợ, Hà Nội mới hành động.

Trong các cuộc họp cấp viện hàng năm giúp Việt Nam xóa đói giảm nghèo, Hà Nội luôn luôn cam kết sử dụng hiệu quả các số tiền tín dụng ODA nhưng tình trạng chẳng có gì thay đổi. Cam kết vẫn cam kết, tham nhũng hối lộ vẫn tham nhũng hối lộ cho tới khi bị người ta vạch mặt chỉ tên.

Để chính phủ Nhật tái tục tài trợ các dự án đang dở dang, theo bản tin từ Đất Việt hôm Chủ Nhật, Việt Nam phải tuân theo một số điều kiện. Nguồn tin nói rằng “phía Việt Nam cam kết tiến hành điều tra về thực hư các vụ hối lộ liên quan đến dự án bỏ thầu có sự tham gia của JTC và Tổng Công Ty Đường Sắt Việt Nam cũng như thực hiện các biện pháp cụ thể nhằm tránh tái diễn vụ việc như trên trong tương lai."

Báo chí ở Việt Nam loan tin ngày 9 Tháng Năm, có sáu quan chức cầm đầu ngành đường sắt quốc doanh bị bắt giam với các cáo buộc “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” (theo Điều 281 Bộ luật Hình sự) và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” (theo Điều 285 Bộ luật Hình sự) xảy ra tại Ban Quản Lý Các Dự Án Đường Sắt thuộc Tổng Công Ty Đường Sắt Việt Nam.

Đó là các ông Trần Quốc Đông, phó tổng giám đốc Tổng Công Ty Đường Sắt Việt Nam; Trần Văn Lục, giám đốc Ban Quản Lý Dự Án Đường Sắt (Cục Đường Sắt Việt Nam); Nguyễn Văn Hiếu, giám đốc; Phạm Hải Bằng, phó giám đốc; Phạm Quang Duy, phó giám đốc; Nguyễn Nam Thái, trưởng phòng dự án 3 (tất cả đều thuộc Ban Quản Lý Các Dự Án Đường Sắt thuộc Tổng Công Ty Đường Sắt Việt Nam).

Ngày 28 Tháng Tư, tờ Asahi Shimbun loan tin ông Kakinuma Tamio, chủ tịch của Công Ty Tư Vấn Giao Thông Vận Tải Tokyo, Nhật (JTC), xin từ chức sau cuộc điều tra thấy rằng, ít nhất họ đã được cho trúng thầu nhờ hối lộ cho một số quan chức CSVN.

Ông Tamio Kakinuma, chủ tịch JTC, nhìn nhận với cơ quan điều tra là JTC đã chi khoảng 80 triệu yen ($782,640) cho các quan chức đường sắt Việt Nam trong dự án trị giá 4.2 tỉ yen (hay khoảng $41 triệu).

Ban đầu, các giới chức Việt Nam đều tuyên bố mình chẳng làm gì sai trái. Hà Nội cử thứ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải sang Nhật xin cung cấp chứng cứ nhưng cũng rề rà đợi tới khi bị đe dọa cắt tín dụng mới bắt giam các ông nói trên.

“Kinh doanh ở nước ngoài luôn có một mức thâm hụt lớn, hồ sơ thầu của doanh nghiệp sẽ bị loại bỏ nếu không chịu chi tiền, doanh nghiệp lo lắng về việc không được thanh toán những hợp đồng cũ và không nhận được gói thầu cho những công trình mới,” ông Kakinuma đã giải thích về việc tại sao doanh nghiệp phải đưa lại quả ở Việt Nam và các nước khác để thắng thầu các dự án ODA, theo Asahi Shimbun thuật lại.

Việt Nam đứng đầu các nước đang phát triển được chính phủ Nhật cấp tín dụng và viện trợ nhiều nhất. Theo Sách Trắng về viện trợ ODA 2013 của chính phủ Nhật, Việt Nam là nước nhận viện trợ phát triển (ODA) nhiều nhất với $1.64 tỉ. Thứ nhì trong danh sách là Afghanistan với $873 triệu, Ấn Độ là $704 triệu và Iraq $360 triệu. Trong khu vực ASEAN, Cambodia đứng thứ 7 trong các nước nhận ODA từ Nhật, Miến Điện và Lào lần lượt đứng thứ 17 và 18. (TN)
07-20- 2014 3:38:26 PM
Theo Người Việt

No comments:

Post a Comment