21.07.2014 09:40
Trung Quốc loan báo rút giàn khoan Hải Dương ra khỏi địa điểm Hà Nội nói thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam hôm 15/7, sớm 1 tháng so với kế hoạch ban đầu trước khi trận bão Rammasun quét qua Biển Đông.
Hai tháng thăm dò của giàn khoan mà Bắc Kinh mô tả là ‘suôn sẻ’ đã gây ra phản ứng giận dữ cho người dân Việt Nam và các chỉ trích mạnh mẽ từ quốc tế đối với hành động ‘gây hấn’ ‘bất chấp luật pháp quốc tế’ của Trung Quốc.
Hành động rút giàn khoan ra khỏi quần đảo Hoàng Sa tuy có thể giúp tránh các nguy cơ xung đột quân sự, nhưng không đủ để hàn gắn các mối quan hệ giữa Việt-Trung và nhân dân hai nước láng giềng.
Trong cuộc phỏng vấn với Trà Mi Ban Việt ngữ tối ngày 21/7, phóng viên đài VOA Poch Reasey đang có mặt tại Hà Nội cho biết người dân Việt nói không với hàng Trung Quốc, truyền thông nhà nước cổ xúy tinh thần dân tộc, chính phủ mở chiến dịch quảng bá du lịch trong lúc du khách Trung Quốc ồ ạt tẩy chay đích đến Việt Nam.
Phóng viên VOA Reasey Poch.
Trà Mi: Sau 2 ngày có mặt tại Hà Nội, anh ghi nhận tình hình thế nào? Mọi chuyện đã thật sự lắng dịu hay chưa sau khi Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương ra khỏi vùng Việt Nam nhận chủ quyền ở Biển Đông?
Poch Reasey: Khi tôi tới sân bay Nội Bài, trên taxi về khách sạn, tôi có cơ hội hỏi thăm người lái taxi về tình hình ở Hà Nội ra sao sau khi Trung Quốc rút giàn khoan. Anh ta nói khách du lịch Trung Quốc giảm rất nhiều, không còn như hồi trước khi căng thẳng xảy ra. Khi tới khách sạn, tôi có gặp mấy người khách nói tiếng Hoa, tôi hỏi họ từ đâu đến. Họ nói họ là người Đài Loan chứ không phải Trung Quốc. Ra đường tôi cũng không thấy khách du lịch Trung Quốc. Ở Campuchia, ra đường thấy khách du lịch Trung Quốc rất nhiều, nhưng ở Hà Nội tôi không thấy gì cả.
Trà Mi: Anh có hỏi chuyện người dân Việt về phản ứng của họ trước việc Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi khu vực Việt Nam nhận chủ quyền hay không?
Poch Reasey: Tôi có cơ hội gặp và nói chuyện với sinh viên Việt Nam. Họ nói họ rất ngạc nhiên khi Trung Quốc làm việc đó, nhưng họ không muốn chiến tranh với Trung Quốc vì họ cũng lo, cũng sợ. Họ nói Việt Nam đã qua nhiều chiến tranh trước nay rồi, bây giờ không muốn chiến tranh nữa, chỉ muốn hòa bình với Trung Quốc.
Trà Mi: Khi giàn khoan hiện diện trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, người dân Việt phản ứng rất phẫn nộ với những cuộc xuống đường dẫn tới bạo động. Sau khi Trung Quốc rút giàn khoan đi, tình cảm của người dân Việt thế nào?
Poch Reasey: Đọc báo và xem TV, tôi nhận thấy nhân dân Việt Nam cảm thấy đỡ hơn. Họ thấy căng thẳng bớt rồi. Chính phủ Việt Nam cũng có tổ chức một tour du lịch quảng bá du lịch Việt Nam Thân thiết và An toàn. Trong tour có 20-30 nhà báo từ các nước tham gia. Họ đi Hà Nội, Hạ Long, Hội An, Đà Nẵng, TPHCM…v..v..
Trà Mi: Tour du lịch đó được tổ chức vào thời điểm nào?
Poch Reasey: Tour đó khoảng 1 tuần hay 10 ngày trước và giờ đã xong.
Trà Mi: Anh nói người dân Việt thấy căng thẳng giảm bớt sau khi giàn khoan rút đi, nhưng lòng tin của họ thì như thế nào?
Poch Reasey: Điều đó tôi chưa có dịp hỏi thăm.
Trà Mi: Anh thấy suy nghĩ của người dân Việt đối với Trung Quốc hiện giờ ra sao trên thang điểm từ 1-10?
Poch Reasey: Tôi nói chuyện với sinh viên, có hỏi cảm nhận của họ. Họ nói khi mua đồ thấy hàng của Trung Quốc, họ không muốn mua. Họ mua đồ của nước khác hoặc đồ sản xuất nội địa, không muốn mua hàng Trung Quốc. Một số người nói chuyện này là một điểm tốt.
Trà Mi: Ra đường anh có thấy những hình ảnh nào liên hệ tới Trung Quốc hay không?
Poch Reasey: Sáng nay tôi ra đường, ngay trên xe taxi tôi thấy tấm decal đề cao chủ nghĩa dân tộc của Việt Nam. Lúc trước nghe nói còn có nhiều hơn nữa, bây giờ thì ít.
Trà Mi: Ngoài ra, anh có thấy hình ảnh nào về Trung Quốc trên đường phố không?
Poch Reasey: Không, tôi không thấy gì.
Trà Mi: Hình ảnh Trung Quốc trong lòng người dân Việt hiện nay thế nào, anh có thăm dò điều đó?
Poch Reasey: Chuyện đó, tôi hy vọng mấy ngày sau sẽ có cơ hội hỏi và tìm hiểu thêm ở người dân Việt Nam.
Trà Mi: Thế còn tình hình về Biển Đông?
Poch Reasey: Coi TV Việt Nam không thấy họ nói gì nữa nhưng các phương tiện phát thanh-phát hình Việt Nam có phát sóng bài hát mới nói về Biển Đông và chủ nghĩa dân tộc. Chính phủ thì không có nói nhiều nữa, nhưng trên báo chí thì vẫn còn đăng về chuyện đó.
Trà Mi: Cảm ơn anh Reasey rất nhiều về những ghi nhận vừa rồi từ Việt Nam.
No comments:
Post a Comment