HÀ NỘI (NV) - Ðó là tính toán của ông Olin McGill, chuyên gia tư vấn về môi trường kinh doanh, người tham gia thiết kế bộ số liệu để Ngân Hàng Thế Giới (WB) thực hiện “Doing Business.”
Ðại diện các doanh nghiệp chờ làm thủ tục hải quan ở cửa khẩu Cát Lái, Sài Gòn. (Hình: Tuổi Trẻ)
Trong tài liệu phân tích Kinh Doanh “Doing Business” mới nhất của WB, Việt Nam bị xếp thứ 99. Theo đó, tuy đã thực hiện “cải cách thủ tục hành chính” suốt hai thập niên nhưng năm nay tại Việt nam, muốn nộp thuế, doanh nghiệp mất đến 872 tiếng.
Ðây là lý do khiến Việt Nam mời ông McGill đến thăm, chia sẻ phương pháp tính toán để lập “Doing Business” và cách giúp Việt Nam thăng hạng trong “Doing Business” của WB.
Theo tờ Tuổi Trẻ, ông McGill cho biết, sở dĩ thứ hạng của Việt Nam trong “Doing Business” thấp và thời gian mất cho việc nộp thuế tại Việt Nam quá nhiều vì Việt Nam yêu cầu doanh nghiệp cũng như cá nhân công dân khai/nộp thuế tới 32 lần/năm. Chưa kể mỗi năm, còn phải khai/nộp bảo hiểm xã hội tới 12 lần.
Trung bình mỗi năm, doanh nghiệp mất 217 giờ để thực hiện các thủ tục về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Thời gian phải bỏ ra cho việc thực hiện các thủ tục thuế trị giá gia tăng (VAT) lên tới 320 giờ/năm. Tính tổng quát, thời gian mất đi cho việc nộp đủ thứ thuế tại Việt Nam là 872 giờ, gấp bốn lần các quốc gia trong khu vực Ðông Nam Á.
Về thương mại qua biên giới, Việt Nam yêu cầu năm loại chứng từ để xuất cảng hàng hóa trong khi theo ông McGill, nhiều quốc gia chỉ yêu cầu hai loại chứng từ. Trong khi Malaysia chỉ cần 11 ngày, Thái Lan chỉ cần 14 ngày, Indonesia chỉ cần 17 ngày để hoàn thành thủ tục xuất cảng thì tại Việt Nam cần đến 21 ngày.
Tương tự, so với nhiều quốc gia khác, thời gian mất cho thủ tục nhập cảng của Việt Nam cao hơn các quốc gia khác đến 16 ngày.
Do thủ tục rườm rà, trong xuất cảng, Việt Nam thất thu thương mại khoảng 17 tỉ Mỹ kim và trong xuất cảng, Việt Nam bị thất thu hơn 19 tỉ Mỹ kim. Tổng cộng thất thu thương mại trong xuất nhập cảng khoảng 37 tỉ Mỹ kim.
Ông McGill cho rằng, Việt Nam có thể giảm số lần nộp bảo hiểm xã hội, thuế VAT từ 12 lần/năm xuống 1 lần/năm. Thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cũng có thể giảm từ 5 lần/năm xuống còn 1 lần/năm.
Ông Nguyễn Ðình Cung, viện trưởng Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế của Việt Nam (CIEM), nơi mời ông McGill đến thăm, thừa nhận, nếu giảm được chi phí của chỉ số thương mại qua biên giới, tác động tăng GDP của Việt Nam sẽ rất lớn. Chính phủ Việt Nam đã có một nghị quyết về việc cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia. Theo đó, đến 2015, thời gian mất cho việc nộp thuế phải giảm từ 872 giờ/năm xuống còn còn 171 giờ/năm.
Ông McGill lưu ý, những quốc gia có thứ hạng cao trong “Doing Business” của WB đều có thu nhập trung bình theo đầu người rất cao. Thu nhập trung bình theo đầu người của nhóm 30 quốc gia dẫn đầu “Doing Business” 2014 là hơn 35,000 Mỹ kim/người/năm. Thu nhập trung bình theo đầu người của nhóm 30 quốc gia kế tiếp (xếp từ hạng 31 đến 60) là 20,000 Mỹ kim/người/năm. Trong khi thu nhập trung bình theo đầu người của Việt Nam chỉ ở mức 1400 Mỹ kim/người/năm. Theo ông McGill, đúng ra ở hạng 99 trong “Doing Business” 2014, thu nhập trung bình theo đầu người của Việt Nam phải là 7,000 Mỹ kim/người/năm.
Viện trưởng CIEM tiết lộ, các bộ, ngành của Việt Nam đã đề ra nhiều “chương trình hành động” để nâng bậc trong “Doing Business” nhưng trên thực tế, những “chương trình hành động” vẫn chung chung. Việc áp dụng tự động hóa, giảm tiếp xúc giữa công chức với dân chúng đã được thiết lập nhưng làm xong thì lại thấy tắc...nhiều hơn.
Ông McGill nhấn mạnh, trước khi tự động hóa, phải đơn giản hóa thủ tục. Nếu đã làm mà thủ tục vẫn chưa đơn giản thì đó là vì viên chức sống chủ yếu nhờ thủ tục. Ông McGill nói thêm, song song với việc tăng lương cho viên chức ngành thuế và hải quan gấp đôi so với viên chức các ngành khác, Việt Nam phải tăng giám sát viên chức. Nếu có sai phạm phải sa thải ngay mới giảm được tham nhũng. (G.Ð)
07-21- 2014 3:31:19 PM
Theo Người Việt
No comments:
Post a Comment