Saturday, July 19, 2014

Nhật Bản nêu kịch bản Mỹ 'bóp cổ' Trung Quốc

(Baodatviet) - Một khi xung đột xảy ra, Mỹ sẽ điều lực lượng hải quân chặn yết cầu quan trọng nhất của Trung Quốc vào Biển Đông.
                       
Tờ Sankei của Nhật Bản hôm 18/7 đã cho đăng bài phân tích về khả năng xảy ra xung đột trên Biển Đông và kịch bản phản ứng của Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản.
Theo tờ Sankei, Biển Đông nổi sóng trong thời gian qua là do mưu đồ bá quyền của Trung Quốc.
 
Những hành động ngang ngược của Trung Quốc như đòi độc chiếm Biển Đông, cố tình đâm và và phun vòi rồng vào tàu các nước ven biển đang đẩy khu vực tới nguy cơ xảy ra xung đột quân sự bất ngờ.
 
Tờ Sankei cũng nói thẳng rằng Trung Quốc đã hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời huy động khoảng 100 tàu các loại, tổ chức ngăn chặn, đâm và phun vòi rồng vào các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam. Theo đó, nếu xảy ra nổ súng nhỏ thì có thể nó sẽ dẫn tới một cuộc xung đột quy mô lớn.
 
Giới phân tích Nhật Bản cho rằng nếu nổ ra xung đột quân sự trên Biển Đông, nền kinh tế thế giới sẽ rơi vào tình trạng hết sức hỗn loạn. Thế nhưng, nước sẽ hứng chịu tổn thất to lớn nhất lại chính là Trung Quốc.
 
Một trong những điểm yếu từng được chỉ ra nhiều lần của Trung Quốc chính là tuyến vận tải đường biển đi qua eo biển Malacca để tiến vào Biển Đông. Nên nhớ rằng, có tới 90% lượng dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc đi qua eo biển này và tuyến đường biển qua Biển Đông.
 
Tàu chiến Type-052D của Trung Quốc
Tàu chiến Type-052D của Trung Quốc
 
Chính vì thế, khi xảy ra xung đột quân sự, Mỹ sẽ điều tàu sân bay và các tàu hộ tống đang neo đậu ở Tây Nam Nhật Bản đến án ngữ ở bờ biển Philippines. Để đối phó, Trung Quốc sẽ tiến hành hạn chế tàu thuyền nước ngoài đi lại trong khu vực. Tiếp đó, Bắc Kinh sẽ điều tàu chiến, máy bay chiến đấu xuống sâu phía Nam Biển Đông.
 
Đối với Nhật Bản, nếu tình huống này xảy ra, các tàu chở dầu lớn của Nhật Bản xuất phát từ Trung Đông sẽ không thể đi qua Eo biển Malacca mà phải vòng qua quần đảo Indonesia rồi sau đó đi dọc lên phía Bắc theo vùng biển phía Đông Philippines.
 
Với kịch bản này, Mỹ sẽ phát động chiến dịch nhằm kiểm soát trên biển với danh nghĩa bảo vệ đồng minh. Mỹ sẽ điều tàu ngầm tấn công, lực lượng không quân tới khu vực, đồng thời cảnh cáo tàu dầu, tàu hàng Trung Quốc không được di chuyển qua khu vực này.
Một khi bị chặt đứt đường vận tải biển quan trọng sống còn này thì Trung Quốc sẽ nhanh chóng cạn kiệt nguồn năng lượng.
 
Ngoài eo biển Malacca và các tuyến đường biển đi qua Biển Đông, Mỹ sẽ phong tỏa tất cả các eo biển trong khu vực, ngăn chặn triệt để đường vận tải biển của Trung Quốc.
 
Hải quân Mỹ có đủ lực lượng và sức mạnh để bóp chặt yết hầu Trung Quốc
Hải quân Mỹ có đủ lực lượng và sức mạnh để bóp chặt yết hầu Trung Quốc
Kiểm soát trên biển là chiến lược ngăn chặn có kiềm chế, không công kích vào đất liền Đại lục của Trung Quốc để tránh xung đột leo thang thành cuộc chiến tranh hạt nhân. Chiến lược này không khiến Mỹ thiệt hại binh lực, đồng thời khuyến khích một bộ phận lãnh đạo Trung Quốc đánh giá đúng tình hình, tạo áp lực để nước này từ bỏ gây chiến.
 
Không những thế, tờ báo Nhật Bản còn nhận định những thiệt hại to lớn về kinh tế có thế khiến chính quyền Bắc Kinh hiện nay sụp đổ.
 
Người Trung Quốc cũng nắm được điểm yếu của mình. Một khi yết hầu của họ bị Mỹ và đồng minh chặn đứng, Trung Quốc sẽ chỉ như một “gã khổng lồ thiếu máu”, sẽ tê liệt và sụp đổ.
 
Để đối phó, Trung Quốc thời gian qua đang tích cực xây dựng các tuyến đường ống dẫn dầu trên đất liền, trong đó có các tuyến ống đi qua Myanmar và các tuyến đường, cảng biển ở Pakistan. Tuy nhiên, Trung Quốc đang phải nếm trải những thất bại mang tính chiến lược ở Myanmar và không có gì đảm bảo tuyến vận chuyển qua Pakistan sẽ được an toàn.
 
Một chiến thuật khác hiện đang được Trung Quốc sử dụng nhằm hiện thực tham vọng độc chiếm Biển Đông nhưng giảm thiểu nguy cơ bùng phát xung đột quy mô là sử dụng lực lượng tàu thực thi pháp luật để chiếm đoạt biển đảo của các nước láng giềng thay vì sử dụng các tàu hải quân. 
 
Đông Triều

No comments:

Post a Comment