Saturday, July 19, 2014

Báo Anh: Hội chứng 'thêu dệt ký ức' của Trung Quốc

Theo phóng viên, học giả Bill Hayton, qua những tranh chấp trên biển, Trung Quốc đã từ bỏ chiêu bài giả vờ “trỗi dậy hòa bình”, thay vào đó là “ngoại giao pháo hạm”


“Cả nước Trung Quốc đã bị tuyên truyền một cách rất sai trái rằng người Trung Quốc đã phát hiện và đặt tên các đảo ở Biển Đông” - lời mở đầu như một “phán xét” của lịch sử trong bài viết “China’s false memory syndrome” (Tạm dịch: Hội chứng “thêu dệt ký ức” củaTrung Quốc) của phóng viên, học giả Bill Hayton được đăng trên Tạp chí “Prospect” của Anh ngày 10-7 mới đây.

“Chủ quyền vô hình” từ… lỗi dịch thuật
Theo phóng viên, học giả Bill Hayton, qua những tranh chấp trên biển, Trung Quốc đã từ bỏ chiêu bài giả vờ “trỗi dậy hòa bình”, thay vào đó là “ngoại giao pháo hạm”. Các tàu hải cảnh có vũ trang của Trung Quốc đã đâm húc các tàu Việt Nam, bao vây các vị trí tiền đồn của Philippines, quấy rối các hoạt động thăm dò dầu khí của Malaysia và đe dọa các tàu hộ tống ngư dân của Indonesia.
Báo Anh: Hội chứng 'thêu dệt ký ức' của Trung Quốc - Ảnh 1

Tác giả Bill Hayton chỉ ra cănnguyên của những rắc rối này là những gì mà Bắc Kinh gọi là “chủ quyền lịch sử không thể tranh cãi được” đối với 80% Biển Đông: từ cảng Hồng Kông cho tới gần bờ biển Borneo, cách đó 1.500km. Vấn đề đối với những tuyên bố chủ quyền này là không có bằng chứng đáng tin cậy để làm căn cứ. Vậy mà những chi tiết lịch sử hư cấu như trong tiểu thuyết đó hiện đang đe dọa hòa bình và an ninh ở châu Á và tạo ra mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ với Trung Quốc, với những hệ lụy tác động đến toàn cầu.
Trong những năm 1930, Trung Quốc đã đắm chìm trong làn sóng dân tộc chủ nghĩa. Năm 1933, họ lập ra “Ủy ban Kiểm tra Bản đồ Đất và Biển” để chính thức liệt kê, mô tả và vẽ bản đồ tất cả các vùng lãnh thổ Trung Quốc. Vấn đề chính Ủy ban phải đối mặt, ít nhất là tại Biển Nam Trung Hoa, là họ không có phương tiện để thực sự khảo sát bất kỳ khu vực nào nhằm tuyên bố chủ quyền.
Thay vào đó, Ủy ban này lần đầu đặt tên tiếng Trung cho các hòn đảo này vào năm 1935, tất cả những gì họ làm là dịch tên hoặc chuyển ngữ cho những tên tiếng Anh hiện có sang tiếng Trung. Chẳng hạn, quần đảo Hoàng Sa, Antelope Reef được dịch là Líng yang - Linh Dương; quần đảo Trường Sa, cụm đá North Danger Reef trở thành Bei xian (tiếng Trung nghĩa là “mối nguy hiểm ở phía Bắc”); đảo Trường Sa trở thành Si-ba-la-tuo (chuyển âm từ tên tiếng Anh “Spratly Island” sang tiếng Trung).
Ủy ban của Trung Quốc chỉ đơn giản là đã sao chép lại những bản đồ của người Anh, thậm chí sao chép cả các lỗi sai. Những tên đảo sau đó được chỉnh sửa lại hai lần. Còn Bãi cạn Scarborough, đặt tên theo một con tàu của Anh vào năm 1748, ban đầu được phiên âm thành Si-ge-ba-luo vào năm 1935, được đổi thành Min’zhu Jiao - Dân Chủ Đảo bởi chính quyền Trung Hoa Dân Quốc vào năm 1947. Sau đó được đặt một cái tên ít nhạy cảm về chính trị hơn là Hoàng Nham (tức “bãi đá vàng”) vào năm 1983.
Nhưng cho tới tận ngày hôm nay, chính quyền Trung Quốc có vẻ như hoàn toàn không biết về điều này. Những lời biện hộ cho chủ quyền “không thể tranh cãi” của Trung Quốctrên Biển Đông bắt đầu bằng cụm từ “người Trung Quốc là những người đầu tiên phát hiện và đặt tên cho các hòn đảo Nam Sa”. Trên thực tế, “người Trung Quốc” chỉ sao chép lại những tên đảo do người Anh đặt. Ngay cả từ “Nam Sa” (có nghĩa là “bãi cát phía Nam”) cũng đã chuyển dịch xung quanh bản đồ Trung Quốc. Năm 1935, cái tên này được sử dụng để chỉ khu vực biển nông có tên tiếng Anh là “Macclesfield Bank” - “Bãi Macclesfield” (cũng được đặt theo tên của một con tàu Anh).
Những “bản đồ giả tưởng”
Nhà địa lý William Callahan và nhiều nhà nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng, trong quá trình đấu tranh chống lại sự thống trị của nước ngoài, chính quyền Trung ương Trung Quốc đã cố tình tạo ra một ý thức rằng Trung Quốc bị xâm phạm lãnh thổ để kích động người dân trong nước. Từ những năm 1900 trở đi, các nhà địa lý của Trung Quốc như Bai Meichu, một trong những người sáng lập của Viện Địa lý Xã hội Trung Quốc đã bắt đầu vẽ bản đồ “giả tưởng” để cho người dân nước này thấy phần lãnh thổ của họ đã bị các đế quốc cướp mất.
Những bản đồ này cho rằng lãnh thổ hợp pháp của Trung Quốc bao gồm tất cả các chư hầu trước kia đã từng “quy phục” Hoàng đế Trung Hoa. Họ cho rằng lãnh thổ của Trung Quốc bao gồm cả bán đảo Triều Tiên, một khu vực rộng lớn của Nga, Trung Á, Hymalaya và các nước Đông Nam Á.
Trên những bản đồ này đã xuất hiện những đường kẻ cho thấy sự đối lập lớn giữa một lãnh thổ to lớn của đế chế Trung Hoa trước kia với một diện tích đất nước dường như bị “teo lại” ngày nay. Đây cũng là một trong những lý do của sự ra đời đường “chữ U” hay “đường 9 đoạn” (Đường lưỡi bò) bao trọn 80% diện tích Biển Đông và tất cả các đảo trong đó. Bắc Kinh còn tận dụng sự cố trong khi vẽ bản đồ này - vốn do diễn dịch sai lịch sử Đông Nam Á, làm cơ sở để khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với vùng Biển Đông.
Một số quan chức Trung Quốc từng thừa nhận rằng duy trì yêu sách “đường chữ U” là vô lý về mặt pháp lý. Nhưng chính những quan chức đó cũng nói rằng họ không thể sửa đổi một cách chính thức những tuyên bố đã đưa ra vì nhiều lý do chính trị - những chỉ trích của người dân trong nước sẽ rất dữ dội. Vậy thì làm thế nào mới có thể thuyết phục người dân Trung Quốc có một cái nhìn khác về lịch sử của Biển Đông?
Theo tác giả bài viết, một câu trả lời có thể nằm ở Đài Loan. Bởi tại Đài Loan, khả năng để có một diễn đàn tranh luận tự do hơn về lịch sử Trung Quốc cao hơn nhiều so với ởTrung Quốc đại lục. Hiện đã có một số học giả “bất đồng chính kiến” suy nghĩ lại về một số phương diện của lịch sử thế kỷ 20. Đài Loan cũng là nơi lưu trữ những tư liệu của Trung Hoa Dân Quốc, chính quyền đầu tiên vẽ ra “đường chữ U”. Kiểm tra kỹ lưỡng lại quá trình cẩu thả đã vẽ ra đường chữ U có thể thuyết phục những người định hướng dư luận chịu xét lại một số vấn đề liên quan đến chủ nghĩa dân tộc còn chưa rõ ràng mà họ từ lâu coi là chân lý.
“Chìa khóa dẫn đến một tương lai hòa bình cho châu Á nằm ở việc kiểm tra quá khứ một cách trung thực và có phản biện” - tác giả Bill Hayton kết luận.
Nhiều học giả ở Trung Quốc tôn trọng sự thật đã công bố tư liệu về nguồn gốc “Đường lưỡi bò” với lời can gián: “Đừng làm trò cười cho thiên hạ!”
l Học giả Lý Lệnh Hoa cùng một số nhà nghiên cứu khác của Trung Quốc đã không công nhận hoàn cảnh ra đời của đường chữ U “bài bản” như thế. Ông khẳng định “đường hư tuyến do viên quan chức vụ nội chính tên Trịnh Tư Ước tiện tay vẽ mà không căn cứ vào bất kỳ cơ sở nào” (đường chữ U, tức đường lưỡi bò có 11 đoạn đứt khúc mà các học giả sau này gọi là “đường hư tuyến”).
l Học giả Lưu Tiểu Tinh cho đăng trên trang cá nhân của ông bài viết mang tên “Trò trẻ con: Đường 9 đoạn đột nhiên biến thành đường 10 đoạn”, phê phán việc Nhà xuất bản Địa đồ tỉnh Hồ Nam cho xuất bản 2 tấm bản đồ hành chính và địa hình Trung Quốc khổ dọc. Lưu Tiểu Tinh viết: “Đó là trò gì vậy? Hiện nay đường 9 đoạn còn đang bị cộng đồng quốc tế tranh cãi, bác bỏ, còn chưa đứng vững được, nay lại vẽ thêm chi tiết thành cái “đường 10 đoạn” chả ra ngô, chả ra khoai, như thế chỉ tổ cho “đường 9 đoạn” càng bị quốc tế dè bỉu thêm!”…Thế giới yêu cầu, đòi hỏi thế nào cũng không chịu nói, chỉ biết vẽ vời này nọ trên bản đồ thì có tác dụng gì? Thật là một trò cười cho quốc tế!”.
l Trong bài viết đăng trên Tạp chí quốc tế Glocal Reporter ngày 1-7, sau đó được đăng tải khá rộng rãi trên các trang mạng Trung Quốc, Uất Chí Vinh, nguyên Tổng Đội phó Hải giám Đông Hải, hiện là nghiên cứu viên Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Hải dươngTrung Quốc viết: Ngay giới học thuật Trung Quốc cũng tranh cãi liên miên, không nhất trí được với nhau về cái gọi là “Đường 9 đoạn”. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng vẽ đường 9 đoạn đến tận ngõ nhà người ta, không phù hợp tình hình thực tế, cần vứt bỏ đòi hỏi này. Loại thứ hai cho rằng, nếu chủ trương phân giới theo đường 9 đoạn thì Trung Quốc cần rút khỏi Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Loại ý kiến thứ ba, cho rằng đường 9 đoạn chỉ là thể hiện vấn đề quy thuộc các đảo, còn vùng biển thì phải phân định theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

Chủ nhật, 20 Tháng bảy 2014, 09:51
Theo An ninh thủ đô

No comments:

Post a Comment