Bài viết trên tờ Giáo Dục hôm Thứ Hai 30/6/2014 đả kích Trung quốc từng bán đứng Việt Nam, kêu gọi kiện “đồng chí anh em”. (Hình: Người Việt cắt từ Internet)
Một bài viết trên báo Giáo Dục Việt Nam hôm Thứ Hai 30/6/2014 phân tích ra để mọi người biết cái ông “đồng chí anh em” khổng lồ ở phương Bắc không phải là thứ tử tế gì cả. Các khẩu hiệu “16 chữ vàng” và “4 tốt” chỉ là trò lừa gạt. Bởi vậy, bài viết hàm ý kêu gọi xét lại mối quan hệ Việt - Trung và hô hào phải kiện Trung Quốc.
Báo Giáo Dục Việt Nam là tờ báo có “cơ quan chủ quản” là “Hiệp hội các Trường đại học, cao đẳng ngoài công lập ở Việt Nam.” Bài viết mà tờ báo đưa ra là ý kiến cá nhân của người viết có tên Trần Sơn Lâm. Tuy nhiên, trong lời giới thiệu tác giả bài viết của tờ báo, ông Trần Sơn Lâm được mô tả “từng là người lính trong chiến tranh vệ quốc cuối thế kỷ 20, đồng thời là nhà khoa học. Khi hòa bình lập lại, ông tham gia công tác chính quyền và nhiều năm nắm giữ vị trí Hàm vụ trưởng, Vụ khoa giáo-văn xã của Văn phòng Chính phủ.”
Ở chức vụ khá cao như thế, lại là một viên chức ngay ở phủ thủ tướng, ông phải là một người được tin cậy cũng như đương nhiên phải là một đảng viên tầm cỡ. Bởi vậy tờ GDVN giới thiệu rằng “Với kinh nghiệm thực tế và dưới nhãn quan của một nhà nghiên cứu khoa học, ông đã viết bài báo này gửi riêng cho Báo Giáo dục Việt Nam. Tòa soạn xin đăng nguyên văn, với mục đích góp thêm một góc nhìn mới của tác giả về giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa nước ta và Trung Quốc, hiện rất căng thẳng kể từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trên biển Đông.”
Mở đầu bài viết dài khoảng 1,800 từ, ông Trần Sơn Lâm đem chuyện Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan HD981 tới vùng biển đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam dò tìm dầu khí “gây nên cuộc khủng hoảng tồi tệ trong quan hệ giữa 2 nước.”
Ông Lâm nói rằng “Lâu nay lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước ta cũng vẫn luôn mong muốn giữ quan hệ hữu nghị giữa hai nước theo phương châm 16 chữ và 4 tốt để có môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.”
Tuy nhiên, nhìn vào sự kiện thực tế đang diễn ra cũng như lịch sử chống ngoại xâm phương bắc của dân tộc thì thấy “Trung Quốc từng giúp Việt Nam, nhưng cũng từng bán đứng và xâm lược Việt Nam”. Ông Trần Sơn Lâm cáo buộc “Việt Nam bao đời này luôn là mục tiêu nhòm ngó của các triều đại phong kiến, cho đến bây giờ lãnh đạo của họ vẫn không thôi âm mưu thôn tính lãnh thổ, lãnh hải nước ta.”
Việc giúp Việt Nam trở thành nước Cộng Sản “phên dậu” của Trung Quốc thật ra chỉ là “dùng Việt Nam làm lá chắn để Mỹ và phương Tây không áp sát được biên giới Trung Quốc, dùng Việt Nam làm tiền đồn để Trung Quốc chống Mỹ.”
Trong khi đó, Trung Quốc vẫn chiếm đất, chiếm biển đảo của Việt Nam. Trận chiến biên giới 1979 tuy kết thúc trong 1 tháng nhưng âm ỉ kéo dài suốt 10 năm vì thường xuyên bị quân Trung quốc “nã pháo qua biên giới mãi cho đến năm 1989”. Rồi đến năm 1988 thì xua tàu “đánh úp 6 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa thuộc Việt Nam,” giết hại nhiều lính Việt Nam.
Hàng năm thì cấm đánh cá ngay trên vùng biển Việt Nam tuyên bố chủ quyền, đưa tàu cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt nam rồi còn đưa giàn khoan tới đặt ở vùng biển Việt Nam “thể hiện sự coi thường pháp luật quốc tế với tư tưởng bá quyền, cá lớn nuốt cá bé.”
Ông Trần Sơn Lâm cáo buộc rằng “Những hành động của lãnh đạo Trung Quốc đối với láng giềng chỉ cho thấy một lòng tham vô đáy, bành trướng, hung hăng” nên ông đề nghị “khởi kiện Trung Quốc là lựa chọn tốt nhất cho Việt Nam.”
Ông dẫn lại kết quả thăm dò dư luận quần chúng trong nước của báo Dân Trí ngày 27/6/2014 về có nên kiệm Trung Quốc ra tòa án quốc tế hay không. Theo kết quả đó, có 250,375 (96%) tán thành kiện Trung Quốc, trong khi chỉ có 9,126 (4%) không tán thành. Các báo mạng khác đều cho thấy tỷ lệ tán thành ý kiến kiện Trung Quốc luôn ở tỷ lệ đa số.
Ông Trần Sơn Lâm kêu gọi “Đến thời điểm này, không đắn đo gì nữa, chúng ta cần nhận thức một cách sâu sắc rằng, dư luận quần chúng chính là Hội Nghị Diên Hồng trong thế kỷ 21 và phải xác định rõ mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung quốc là mối quan hệ bình đẳng giữa hai nước độc lâp, có chủ quyền, bình đẳng, phải tôn trọng lợi ích, sự toàn vẹn lãnh thổ theo các hiệp định quốc tế đã được 2 bên cùng ký kết, cần giải quyết mọi bất đồng theo luật pháp quốc tế.”
Bài viết của ông Trần Sơn Lâm đăng tải trên một tờ báo ngoại vi nhằm tránh cái tiếng cho nhà cầm quyền trung ương và đám lãnh tụ đảng những lời chất vấn khó giải thích đối với phương bắc. Đây cũng là một bài viết hiếm hoi chỉ trích “đồng chí” Trung Quốc gay gắt mà không bị gỡ bài xuống ngay. Bài viết lúc đầu có tựa đề trên báo Giáo Dục Việt Nam là “Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ” Chọn ý thức hệ hay quốc gia, dân tộc?” sau chỉ bị sửa lại thành “Tranh chấp chủ quyền: Chọn hữu nghị viển vông hay quốc gia dân tộc?”
Người ta không biết đích xác bài viết của ông Trần Sơn Lâm có bị sửa chữa hay biên tập gì không, vì như cái tựa đầu tiên, nó gây tò mò về một suy nghĩ gì có vẻ rất khác thường. Hoặc cũng chỉ là một cách bắn tiếng đe dọa kiện như một số lần trước đây, kể cả lời dọa của ông thủ tướng và người ta không biết “thời điểm thích hợp” đưa đơn kiện là khi nào. (TN)
06-30-2014 6:44:04 PM
No comments:
Post a Comment