Monday, June 30, 2014

Báo Mỹ: "Bản đồ ngớ ngẩn của TQ có thể châm ngòi một cuộc chiến?"



Thứ hai, 2014-06-30 11:50:06 - Nguồn: Tinmoi.vn
Trong bài đăng với tiêu đề "Bản đồ mới của Trung Quốc có thể khởi động một cuộc chiến?", tờ Washington Post nhận định rằng đây là bước đi khẳng định dứt...

Trong bài đăng với tiêu đề "Bản đồ mới của Trung Quốc có thể khởi động một cuộc chiến?", tờ Washington Post nhận định rằng đây là bước đi khẳng định dứt khoát yêu sách với gần như toàn bộ Biển Đông mà Trung Quốc theo đuổi từ trước đến nay.
Mở đầu bài viết, Washington Post cho hay, trong tuần qua, Trung Quốc đã phát hành bản đồ mới, gần như "nuốt chửng" toàn bộ Biển Đông. Điểm “nổi bật” đầy khó chịu là đường 10 đoạn bao trùm lên biển Đông chà đạp luật pháp quốc tế, vi phạm lãnh hải rất nhiều nước tại ASEAN trong đó có Việt Nam.
Tuy không quá bất ngờ đối với các nước láng giềng, nhưng nó là một bước đi khẳng định dứt khoát yêu sách gần như toàn bộ Biển Đông mà Trung Quốc theo đuổi từ trước tới nay. Bản đồ mới chỉ rõ Đài Loan là một tỉnh ly khai nhưng vẫn thuộc lãnh thổ Trung Quốc, đồng thời tiếp tục khẳng định chủ quyền phi lý với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Hình ảnh: Báo Mỹ: Bản đồ ngớ ngẩn của TQ có thể châm ngòi một cuộc chiến? số 1
Tờ báo của Mỹ nhận định, bản đồ "ngớ ngẩn" này của Trung Quốc có thể châm ngòi cho một cuộc chiến trong khu vực
Tờ báo Mỹ nhận định tấm bản đồ chỉ rõ dã tâm của Trung Quốc khi tự nhận mình có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngoài ra, bên trong những nét vẽ đứt đoạn của Trung Quốc là một trong những tuyến đường hàng hải huyết mạch của thế giới, vận chuyển số lượng hàng hóa trị giá 5,3 nghìn tỷ USD mỗi năm.
Tờ Washington Post nêu ra thêm một chi tiết hay ngoài đường lưỡi bò là "vết cắn" của Trung Quốc vào lãnh thổ Ấn Độ được thể hiện trên bản đồ dọc: "Bản đồ mới cũng cho thấy tuyên bố của Trung Quốc đối với bang Arunachal Pradesh do Ấn Độ kiểm soát, khu vực từng xảy ra cuộc chiến đẫm máu năm 1962 giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới. Điều đáng nói là bản đồ dọc với "cú ngoạm in rõ dấu răng" của Trung Quốc vào lãnh thổ Ấn Độ được đưa ra, chỉ vài tuần sau khi Ngoại trưởng Vương Nghị tới thăm Ấn Độ.
Hãng tin ABC News nhận định rằng, tấm bản đồ “đường 10 đoạn” là một trong những hành động phi lý mới mà Bắc Kinh làm nhằm khẳng định các tuyên bố chủ quyền ngang ngược của họ đối với vùng Biển Đông. Tờ báo này còn nhận xét, phát hành bản đồ dọc này đã làm “khuấy đục” các vùng biển ngoại giao trong khu vực.
Ấn Độ đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc vừa công bố bản đồ mới, trong đó thể hiện Arunachal Pradesh - bang Đông Bắc Ấn Độ - như một phần thuộc Tây Tạng. 
Truyên bố của Bộ Ngoại giao Ấn Độ khẳng định: “Arunachal Pradesh là bộ phận không thể tách rời của Ấn Độ. Vấn đề này đã được Ấn Độ nhiều lần chuyển tải đến chính quyền Trung Quốc.
Tương tự những quyển hộ chiếu in hình "đường lưỡi bò" cuối năm 2012, bản đồ mới của Trung Quốc bị các quốc gia láng giềng và thế giới chỉ trích mạnh mẽ và có thể là sự khởi đầu cho một cuộc chạy đua vũ trang.
Washington Post nhận định, tấm bản đồ "ngớ ngẩn" này nhiều khả năng sẽ đẩy căng thẳng khu vực tăng cao trong bối cảnh tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc với các quốc gia khác vẫn chưa được giải quyết.
Tăng trưởng kinh tế nóng của Trung Quốc dẫn đến sự quyết đoán hiện thực hóa yêu sách lãnh thổ của chính quyền Bắc Kinh.
Tờ báo cũng chỉ ra rằng hành động tăng cường sức mạnh hải quân của Trung Quốc gây quan ngại cho các nước láng giềng đồng thời thách thức vai trò của Mỹ ở Thái Bình Dương.
Cùng ngày, Hãng tin Bloomberg của Mỹ dẫn các nguồn tin tại Trung Quốc nói rằng một trong những giàn khoan dầu mới của nước này đã “tới vị trí của nó” ở Biển Đông, cách bờ biển Việt Nam khoảng 160km.
Song song hành vi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 và đội tàu hộ tống hùng hậu trong khu vực thuộc đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, Trung Quốc cũng đang tiến hành các hoạt động tuần tra ở không phận phía trên quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Nhật Bản nhiều lần cáo buộc phi cơ Trung Quốc thực hiện các “hành động nguy hiểm” khi áp sát máy bay quân sự Nhật Bản.
Ngoài ra, Philippines nhiều lần cáo buộc Trung Quốc tiến hành cải tạo đất trên các đảo và rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Việc in bản đồ mới nối dài những hành động gây hấn liên tiếp, làm lộ rõ dã tâm của Trung Quốc đối với các quốc gia láng giềng.
Bản đồ mới tạo nên sự phẫn nộ và chỉ trích từ cộng đồng quốc tế, và cũng được xem là bước đi khiêu khích nhất của Bắc Kinh trong quá trình hiện thực hóa mộng bá quyền, bành trướng lãnh thổ. Tuy nhiên, giới chức Bắc Kinh vẫn tìm cách xoa dịu và trá hình dư luận khi lớn tiếng tuyên bố rằng mục đích bản đồ 10 đoạn chỉ là để phục vụ công chúng Trung Quốc.
Thế nhưng, những gì Trung Quốc đang thể hiện đã không bức bình phong nào có thể che chắn, tham vọng Biển Đông  của Bắc Kinh đã quá rõ ràng và những động thái khiêu khích liên tục của họ chỉ khiến an ninh châu Á ngày càng bất ổn và có thể châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang trong tương lai gần.
Yên Yên (Theo Washington Post)
Nguồn : Tin Mới / Nguoiduatin.vn

No comments:

Post a Comment