Monday, June 30, 2014

Trung Quốc đang dùng “chính sách ngoại giao tàu chiến”

TT - Trong số ra ngày 30-6, nhật báo tiếng Anh hàng đầu Thái Lan Bangkok Post chỉ trích dữ dội những hành vi hiếu chiến của Trung Quốc trên biển Đông và yêu cầu Bắc Kinh đàm phán với các nước ASEAN.

Theo Bangkok Post, trong suốt tháng vừa qua Bắc Kinh “liên tục chủ động gây tranh chấp, đặc biệt với Việt Nam”, với công cụ chính là giàn khoan Hải Dương 981. “Một giàn khoan là công cụ ngoại giao kỳ quái nhưng Trung Quốc đang sử dụng thứ vũ khí độc nhất vô nhị này để thực hiện các mục tiêu và chống lại bất kỳ ai phản đối” - Bangkok Post viết.
Tờ báo hàng đầu Thái Lan chỉ trích cách làm lâu nay mà Trung Quốc sử dụng để đối phó với các bất đồng là “bác bỏ chúng, từ chối thảo luận về chúng và nếu cần thì dùng vũ lực”, khiến tình hình hiện nay trở nên “vô cùng nguy hiểm”. Bangkok Post chỉ rõ Bắc Kinh đã đưa cả giàn khoan và tàu chiến tới vùng biển của Việt Nam. “Mục tiêu dễ thấy của mô hình chính sách ngoại giao tàu chiến thế kỷ 21 này là Việt Nam và Philippines” - Bangkok Post đánh giá.
Bangkok Post cũng cáo buộc tàu hải quân Trung Quốc đã tấn công và quấy rối tàu Việt Nam. Báo này cho rằng Trung Quốc cần phải thay đổi chính sách ngoại giao giàn khoan cứng rắn và đàm phán với các nước ASEAN. “Chỉ có đối thoại với các nước ASEAN thì Trung Quốc mới có thể tìm ra cách giải quyết hiệu quả các tranh chấp hiện nay” - Bangkok Post khẳng định.
Trong khi đó, nhật báo Philippines Manila Standard Today lên án việc Trung Quốc phớt lờ đơn kiện “đường chín đoạn” của Philippines và công bố bản đồ “đường mười đoạn” là hành vi thể hiện chủ nghĩa bành trướng và đế quốc, đe dọa an ninh Đông Nam Á. Báo này dẫn lại lời chuyên gia châu Á - Thái Bình Dương Victor Robert Lee đánh giá Trung Quốc là “đế quốc cuối cùng trên thế giới” và là “thế lực thực dân cuối cùng hơn 50 năm sau khi thực dân châu Âu, Nhật, Mỹ từ bỏ các thuộc địa”.
Theo Manila Standard Today, ngay cả chính quyền Bắc Kinh cũng hiểu rằng nước này trên thực tế không có cơ sở đòi chủ quyền biển Đông bởi tấm bản đồ chín đoạn chỉ là sản phẩm của sự tưởng tượng. Báo này chỉ rõ trong một cuộc triển lãm gần đây, Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc trưng bày một tấm bản đồ cổ Trung Quốc trắng đen bao gồm đường chín đoạn màu đỏ. Kiểm tra kỹ thì thấy có kẻ đã vẽ đường chín đoạn bằng bút chì và bút đỏ đè lên tấm bản đồ.
Hôm 29-6, tạp chí The Diplomat cũng có bài viết đánh giá Trung Quốc đang hành xử giống như một quốc gia thực dân thế kỷ 16 thay vì một cường quốc thế kỷ 21. The Diplomat cho rằng bản đồ đường chín đoạn hoàn toàn đi ngược lại luật biển quốc tế, các công ước hiện đại và chủ quyền lãnh thổ các nước khu vực. “Cái chính sách mà Trung Quốc đưa ra đã không tạo ra bất kỳ không gian nào cho đàm phán” - The Diplomat chỉ trích. Tạp chí này cũng cảnh báo xung đột chắc chắn sẽ nổ ra trên biển Đông nếu Trung Quốc đưa giàn khoan vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
01/07/2014 08:31 (GMT + 7)
HIẾU TRUNG
Đoàn xe lội nước của Mỹ tham gia cuộc tập trận CARAT với binh sĩ Philippines tại bờ biển San Antonio, phía bắc Manila, ngày 30-6 - Ảnh: Reuters
Các nước láng giềng muốn Trung Quốc minh bạch
Theo báo Philippines Philstar, ông Stephen Hadley, cựu cố vấn an ninh quốc gia thời tổng thống George Bush và Obama, nhận định rằng việc Trung Quốc bành trướng sức mạnh của lực lượng hải quân “sẽ làm gia tăng sự nghi ngờ và mối quan tâm không chỉ với người dân Mỹ” mà còn với các nước Đông Nam Á, và do vậy “các nước láng giềng của Trung Quốc cảm thấy yên tâm hơn với sự hiện diện của lực lượng hải quân Mỹ”.
Ông Hadley - chủ tịch Viện Hòa bình Mỹ - giải thích thêm: “Mỹ và các nước láng giềng của Trung Quốc sẽ muốn nhìn thấy sự minh bạch hơn về khả năng hải quân của Trung Quốc”. Tại Hội nghị hòa bình thế giới tổ chức ở Bắc Kinh cuối tuần qua, ông Hadley cũng đã thẳng thắn bác bỏ những suy đoán của Trung Quốc cho rằng Mỹ âm mưu kích động gây rắc rối với Trung Quốc trong việc tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng.

No comments:

Post a Comment