Monday, June 30, 2014

Nỗi đau người chuyển giới bị sờ nắn khi khám tuyển nghĩa vụ



Thứ hai, 2014-06-30 17:33:06 - Nguồn: Kenh14.vn
“Sau khi bớt người ra khỏi phòng, em bỏ áo ra thì họ sờ nắn. Một cán bộ nhìn chằm chằm nói 'ba má ăn gì mà đẻ mày ra pê đê vậy?' làm em sống mà như chết”, Jessica đau đớn nhớ lại.
Sinh ra với cái tên đậm chất nam tính nhưng phải mất tới 22 năm sau, Jessica (tên khai sinh Nguyễn Hữu Toàn - TP HCM) mới xóa bỏ được hình dáng đàn ông mà cô mang nhầm suốt thời gian đằng đẵng.
“Ba má mày ăn gì đẻ ra mày pê đê vây?”
Nhớ lại quãng thời gian phải sống trong vỏ bọc đàn ông, Jessica không khỏi rùng mình. Cô không hiểu tại sao mình có thể vượt qua chừng ấy khó khăn, gian khổ. Câu chuyện quá khứ trong lần bị gọi đi khám tuyển nghĩa vụ quân sự làm cô nhớ và đau đớn mãi. Thời gian đó, cô đã dùng đến hooc môn nhưng do chưa phẫu thuật chuyển giới nên chỉ có phần ngực Jessica có thay đổi chút ít.
Jessica cho biết, do trong lý lịch là “nam” với cái tên đàn ông đúng nghĩa nên cô bị gọi đi khám tuyển. Đến lúc cởi bỏ đồ trên người, vì là phòng toàn nam nên cô không đồng ý.
“Sau khi cho bớt người ra khỏi phòng, em bỏ áo ra thì họ sờ nắn và ghi là bị “dị tật tuyến vú”. Họ bắt em lột quần nhưng em không chịu. Sau đó em phải ngồi một góc chờ họ giải quyết hết mọi người mới tới lượt. Em ra khỏi phòng, mọi ánh mắt cười cợt dồn vào phía em. Có một anh cán bộ nhìn chằm chằm nói 'ba má mày ăn gì mà đẻ mày ra pê đê vậy?' làm em sống mà như chết”, Jessica đau đớn nhớ lại.

Nhóm bạn chuyển giới này đã được Jessica (thứ 4 từ trái qua) đào tạo thành một ban nhạc có tiếng tại TP. HCM. Ảnh nhân vật cung cấp.
Ngày nhỏ, Jessica luôn muốn được mặc đồ con gái trong khi cô mang thân hình của một cậu con trai. Gia đình cũng không để ý nhiều bởi nghĩ con trai họ hiền lành, yếu đuối, ngoan ngoãn, đến thời điểm nào đó, em sẽ trở về đúng với hình ảnh người đàn ông mạnh mẽ.
Cho đến năm 19 tuổi, khi đang là sinh viên trường Cao đẳng Hoa Sen (TP.HCM), gia đình Jessica đã phát hiện ra cô là người chuyển giới (người có giới tính mong muốn không trùng với giới tính sinh học). Cô bị đánh đập thậm tệ. Vì áp lực quá, Jessica đã ra đường tự tìm cách nuôi thân.
Ban đầu, cô đi hát ở các đám ma, đám cưới, buôn bán, làm tóc… Do phải tự trau chuốt cho bản thân mỗi lần đi hát, Jessica đã biết tự trang điểm cho mình. Cũng từ đó, Jessica định hình cho mình nghề trang điểm, làm tóc sau này.
Ngày mới vào nghề hát, Jessica chưa có tiền sang Thái Lan phẫu thuật, cô liên tục bị công an “sờ gáy” vì không có giấy phép biểu diễn, đồ đạc bị tịch thu nhiều lần. Mãi sau này, cô được sở Thông tin và truyền thông TP. HCM xếp vào nhóm “người khuyết tật” nên công việc mới trôi chảy hơn.
Không dám xin gì chỉ xin đổi tên
Theo một khảo sát, Việt Nam có khoảng 100.000 người chuyển giới, họ thường tập trung làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Người chuyển giới gặp nhiều khó khăn hơn người đồng tính. Do ngay từ nhỏ đã bộc lộ giới tính của mình khác với giới tính sinh học nên gặp nhiều kì thị trong trường học. Từ nhỏ họ cũng không được gia đình chấp nhận nên việc học lên cao rất khó khăn, dẫn đến khó tìm được công ăn việc làm tốt. Vấn đề đói nghèo và khó khăn về kinh tế là vấn đề nổi trội của những người chuyển giới.
Ở Việt Nam, chưa có luật nào cho phép phẫu thuật chuyển giới, chưa cho phép thay đổi tên, chứng minh thư, gây khó khăn trong việc sinh hoạt, mua bán hàng ngày…
Không dám mong muốn gì hơn,Jessica chỉ mong được đổi tên sau khi cô đã trở về đúng giới tính mong muốn của mình. Jessica cho biết, những ngày đầu giai đoạn chuyển giới, cô gặp rất nhiều khó khăn khi đi xin việc. “Em mong muốn nếu không cho chuyển đổi giới tính thì cho chúng em được đổi tên. Đến bây giờ, mỗi lần đi đâu tên của em đều được xếp vào cùng với nam”, Jessica nói.
Không chỉ là vấn đề cái tên trong lý lịch, sức khỏe cũng là vấn đề rắc rối. Tại Việt Nam hiện chưa có cơ sở y tế nào tư vấn cho nhóm người này. Họ thường phải tự mày mò, tìm hiểu. Trong khi đó, đã chuyển giới, việc tiêm hooc môn phải duy trì hàng tuần, hàng tháng.
“Khi ra đi ra trạm y tế nhờ tiêm thì họ sợ, họ không dám tiêm. Lần đầu em nhờ người quen, sau tự tiêm, chích hooc môn”, Jessica cho biết.
Chính những rào cản về pháp luật đã khiến người chuyển giới chưa thực sự được bảo vệ toàn diện. Mới đây, trong cộng đồng chuyển giới đã chứng kiến cái chết của một cô gái có tên Bảo Hân. Do không có ai trợ giúp, cô đã tự tiêm dẫn đến sốc thuốc và tử vong. Ngay như Jessica, cô cũng vừa chứng kiến chết của 2 người bạn bị nhiễm HIV do không biết cách tự bảo vệ khi quan hệ. Họ ngại đến cơ sở y tế tư vấn vì “ngại”.
  Jessica rất tự tin sau khi được trở về đúng con người thật của mình. Ảnh nhân vật cung cấp
Theo Nghị định 158 năm 2005 của Chính phủ, công dân chỉ được đổi tên khi có lý do chính đáng. Theo đó, Nhà nước chưa cho phép thay đổi giấy tờ. Pháp luật chỉ cho phép người liên giới tính (chưa xác định được giới tính) thay đổi giấy tờ khai sinh.
Tiến sĩ Phạm Quỳnh Phương (Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và môi trường - ISEE) cho hay, đối với những người đã phẫu thuật chuyển giới, họ chỉ mong muốn có giấy tờ ghi rõ đã chuyển giới. Pháp luật không công nhận khiến nhiều người mang giới tính sinh học nam (thực chất là nữ) phải làm những công việc dành cho nam giới.
"Họ không làm nổi, bỏ việc, mất việc sẽ dẫn đến nghèo đói. Người chuyển giới trở thành “người bên lề xã hội”, tiến sĩ Phương nói.

No comments:

Post a Comment