(Baodatviet.vn) - Quá trình ký hợp đồng được thẩm định kỹ không dựa vào nhà thầu bỏ giá bao nhiêu, ký bấy nhiêu - Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường.
PV: Thưa ông, Bộ trưởng Đinh La Thăng vừa chỉ mặt các nhà thầu TQ năng lực kém nhưng vẫn trúng thầu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng công trình bị kéo dài, đội vốn, không đảm bảo chất lượng. Thế nhưng, VEC vừa cho biết Công ty công trình giao thông tỉnh Giang Tô, TQ vừa trúng gói thầu A3 dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, giá trị 1.362.
Ông bình luận thế nào trước thông tin này? Xin ông cho biết cụ thể quy trình thẩm định năng lực nhà thầu được thực hiện theo nguyên tắc nào, dựa trên cơ sở nào, thưa ông?
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Tôi cho rằng, việc một nhà thầu TQ hay nhà thầu ngoại nào khác trúng thầu tại Việt Nam là bình thường. Chính sách mời thầu của Việt Nam là bình đẳng, công khai công bằng với tất cả các nhà thầu trong nước và quốc tế.
Lễ ký hợp đồng với nhà thầu gói thầu xây lắp A3, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi |
Bất cứ nhà thầu nào khi tham gia đấu thầu đều phải được thẩm định năng lực theo đúng nguyên tắc đấu thầu của pháp luật của Việt Nam. Riêng đối với những nhà thầu nước ngoài chúng ta yêu cầu các nhà thầu này phải đáp ứng những nguyên tắc sau:
Thứ nhất, khi trúng thầu và sử dụng nhà thầu phụ phải có sự đồng ý của chủ đầu tư.
Thứ hai, việc huy động vốn tại Việt Nam cũng phải đảm bảo minh bạch, rõ ràng tránh tình trạng huy động vốn từ các nhà thầu phụ nhưng không thanh toán được, dẫn tới tình trạng trì trệ, chậm tiến độ, ảnh hướng tới chất lượng của công trình.
Thứ ba, tất cả các nhà thầu nước ngoài khi tham gia đấu thầu tại Việt Nam phải tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc trong đấu thầu cũng như trong quá trình thi công. Các yêu cầu của nhà thầu nằm ngoài quy định của chủ đầu tư cũng như luật pháp Việt Nam sẽ không được chấp nhận.
PV: Trước thực tế Bộ trưởng đã chỉ rõ nhà thầu không đủ năng lực, bỏ thầu giá rẻ sau đó kéo dài thời gian, đội giá công trình... ham rẻ hóa đắt. Bài toán này đã được Bộ GTVT cân nhắc, tính toán chưa, cụ thể thế nào, thưa ông?
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Tôi khẳng định, không có chuyện ham rẻ hóa đắt như dư luận vẫn nghi ngại, tất cả quá trình bỏ thầu đều được rà soát theo quy định.
Khi tiến hành ký hợp đồng, chúng ta cũng đã tiến hành thẩm định rất nghiêm ngặt về năng lực nhà thầu, quá trình huy động máy móc, thiết bị, nguồn lực thực tế chứ không đơn giản chỉ dựa vào việc nhà thầu bỏ giá bao nhiêu chúng ta ký bấy nhiêu.
PV: - Dư luận cho rằng, hầu hết các công trình do nhà thầu TQ thi công đều bị kéo dài thời gian, đội vốn gấp nhiều lần là do cơ chế xin -cho quả dễ, thiếu thì xin, xin là cho như hiện nay? Và nếu vậy, ông có lo ngại nó sẽ trở thành tiền lệ, trong trường hợp các công trình tiếp tục đội vốn thì sẽ làm thế nào, ai bù tiền thừa ông?
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Để tránh tình trạng công trình bị kéo dài, đẩy vốn Bộ GTVT đã có quy định:
Thứ nhất, các nhà thầu ngoại khi thi công công trình trúng thầu tại Việt Nam phải sử dụng lao động phổ thông tại địa phương, phải lựa chọn nhà thầu phụ tại Việt Nam.
Thứ hai, các gói thầu xây lắp từ nay sẽ phải căn cứ theo hợp đồng. Tất cả các dự án thi công không được phép vượt tổng thầu định mức, nếu vượt tổng mức lỗi bên nào bên đó phải tự bỏ tiền ra, Bộ GTVT không chịu trách nhiệm.
Ví dụ, nếu do tư vấn thiết kế, tư vấn thiế kế chịu trách nhiệm. Lỗi do thẩm định, giám sát sẽ do đơn vị thẩm định, giám sát phải chịu trách nhiệm.
PV: - Tại sao nhà thầu ngoại năng lực kém vẫn trúng thầu, trong khi doanh nghiệp trong nước không có cơ hội để tiếp cận. Khó khăn ở đâu, là do vướng mắc về cơ chế hay do năng lực nhà thầu nội kém, thưa ông?
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Cũng không hoàn toàn là như vậy. Trong hồ sơ mời thầu, khi thi công các công trình, đặc biệt là đối với những dự án tài trợ vốn ODA thường họ đưa ra yêu cầu rất cao để lựa chọn nhà thầu.
Tôi lấy ví dụ như, giá gói thầu quá lớn, đòi hỏi phải có những công trình tương tự... những yêu cầu này rất ít nhà thầu Việt Nam có thể đáp ứng được. Do đó, hiện nay mới có tình trạng đa số các nhà thầu Việt Nam đều chấp nhận là nhà thầu phụ.
Tuy nhiên, trước thực tế này Bộ GTVT sẽ xem xét có những điều chỉnh, hạ chuẩn đầu vào tạo điều kiện cho nha thầu trong nước có thể tham gia đấu thầu. Vì hiện tại, doanh nghiệp VN cũng đã có những doanh nghiệp đã trưởng thành nhất định.
PV: Xin cảm ơn ông!
Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và Công ty công trình giao thông tỉnh Giang Tô đã ký hợp đồng gói thầu có giá trị 1.362,6 tỷ đồng nói trên.
Được biết, dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi là một phần của tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam, có chiều dài hơn 139 km, trong đó gồm 131,5 km cao tốc và 8,02 km đoạn tuyến nối với QL1A. Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn cao tốc 4 làn xe, bề rộng mặt đường 26 mét, vận tốc thiết kế đạt 120km/h. Tổng mức đầu tư của dự án là 27.968 tỷ đồng.
Gói thầu A3 thuộc Hợp phần vay vốn của Ngân hàng Thế giới, đi qua địa phận tỉnh Bình Sơn, Quảng Ngãi dài 10,6 km, được xây dựng theo quy mô đường cao tốc 4 làn xe.
Ngoài phần đường, các hạng mục chính của gói thầu A3 gồm việc xây dựng 3 cầu dài 1,03 km; 14 cống hộp dân sinh, 28 cống thoát nước với tổng khối lượng đất đá đào đắp trên 1,6 triệu m3; hơn 220.000 cấp phối đá dăm; trên 111.000 tấn bê tông nhựa các loại.
|
Lam Lam
No comments:
Post a Comment