Monday, June 30, 2014
‘Con Cháu Các Cụ Cả’
Con vua thì lại làm vua
Con sãi ở chùa lại quét lá đa.
Câu ca dao trên có từ chế độ phong kiến với tập quán cha truyền con nối. Nhưng tập quán này là một thiết chế xã hội mang tính công khai, được xã hội chấp nhận.
Các chế độ độc tài toàn trị tệ hại hơn, có cấu trúc giống như một nhà nước phong kiến nhưng mọi thứ đều không minh bạch. Những kẻ cầm quyền sống ngập trong xa xỉ nhưng chỉ đến khi bị lật đổ người dân mới biết. Saddam Hussein (Iraq) hay Gaddafi (Lybia) là những ví dụ.
Hệ thống độc tài cộng sản toàn trị thì có mô hình một nhà nước với “vua tập thế” là Bộ Chính Trị, cơ quan đầu não của một đảng duy nhất cầm quyền. Không cha truyền con nối, nhưng con cháu các lãnh đạo được cơ cấu vào các tổ chức của đảng để bồi dưỡng và quy hoạch cho tương lai.
Trong chiến tranh Việt Nam, Hồ Chí Minh đã dùng cụm danh từ “Hạt Giống Ðỏ” để đặt tên cho con cháu cán bộ nằm vùng tại miền Nam Việt nam. Những “Hạt Giống Ðỏ”/“Học sinh miền Nam” này được đưa ra Bắc nuôi dưỡng và học tập, nhiều người đi du học nước ngoài.
Từ khi Việt Nam “mở cửa,” thời cuộc thay đổi, việc quy hoạch giới “5C” (”Con Cháu Các Cụ Cả”) thường gắn liền với lợi ích nhóm lâu dài, nhằm duy trì và phát triển các mối làm ăn. Thời đại ở Việt Nam “5C” cũng được chuyển sang “Thái Tử Ðảng.”
“Thái Tử Ðảng” (Taizi Dang) là một danh xưng mang ý nghĩa châm biếm, dùng để chỉ tầng lớp con cháu của các quan chức cao cấp nổi bật và có ảnh hưởng ở Trung Quốc. Bằng một cách không chính thức, tầng lớp này thường được hưởng nhiều đặc ân của nhà nước. Do đó, tầng lớp con cháu này có nhiều cơ hội được quy hoạch để làm lãnh đạo trong tương lai, dù hình thức bên ngoài vẫn biểu hiện bởi các nguyên tắc dân chủ như thông qua bầu cử; hoặc tìm kiếm các cơ hội kinh doanh, tích lũy khối lượng tài sản khổng lồ mà những người dân thường không thể nào có được” (Wikipedia).
Trong giới “Thái Tử Ðảng” nhiều người được đi du học tại Mỹ, Anh, Úc... và sau khi học về đã chỗ đứng ngon lành dọn sẵn.
Tuy nhiên không phải tất cả con cháu các nhà lãnh đạo đều là “Thái Tử Ðảng,” điều này phụ thuộc vào cơ hội, khả năng và tham vọng của bản thân. Nhiều “thái tử” lắm tiền, ăn chơi hoang túng, sa vào rượu chè, nghiện hút, gái, chẳng làm nên công cán gì. Ví dụ như Nguyễn Ðức Quang (Quang Béo), con trai cựu Cục Phó Tổng Cục An Ninh, giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Ðức Nhanh, hay Nguyễn Khánh Trọng, con trai cựu Thứ trưởng Thường trực Bộ Công An Nguyễn Khánh Toàn.
Trong guồng máy quyền lực hiện nay, giới “Thái Tử Ðảng” khá đông, xin được kể ra một số có “máu mặt.”
Cố Tổng Bí Thư Lê Duẩn có hai vợ, nhiều con, nhưng đáng chú ý có hai người.
Một, Lê Kiên Thành (sinh 1955), kỹ sư hàng không tại Liên Xô, hiện là chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị (HÐQT) Công Ty Cổ Phần Xây Dựng Và Phát Triển Ðô Thị; chủ tịch HÐQT Công ty Cổ Phần Chế Biến Thực Phẩm Thái Minh; chủ một sân golf và là phó Chủ tịch thường trực Hội Golf Việt nam, là thành viên UƯy Ban Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam TP. Hồ Chí Minh.
Thứ hai, con út Lê Kiên Trung (sinh 1958), Cục trưởng Cục Hải Quan TP. Hồ Chí Minh (từ tháng 12 năm 2007), hiện là Thiếu tướng, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục An ninh II, Bộ Công An.
Cố Ðại Tướng Nguyễn Chí Thanh có con trai út là Nguyễn Chí Vịnh, thượng tướng, Thứ Trưởng Bộ Quốc Phòng, một người được cho là có quyền lực bao trùm, trên cả bộ trưởng Phùng Quang Thanh. Nguyễn Chí Vịnh thuở thanh thiếu niên học dốt, chơi bời, hay ăn cắp vặt, nhưng vẫn được châm chước, lên như diều gặp gió, mặc dù khi phong chức hay cơ cấu vào ủy viên Trung Ương Ðảng đã có phản ứng của các sĩ quan trong Bộ Quốc Phòng.
Vợ của Nguyễn Chí Vịnh là con gái Trung tướng Ðặng Vũ Chính, tức Ðặng Văn Trung, cựu tổng cục trưởng Tổng Cục 2 thuộc Bộ Quốc Phòng Việt Nam (từ năm 1994 đến năm 2002). Vũ Chính đã “chuyển giao” thành công quyền lực cho con rể trong Tổng Cục 2, có lúc được xem là “nhà nước trong một nhà nước,” khiến Nguyễn Chí Vịnh tạo được thế đứng vững chắc. Nguyễn Chí Vịnh có ba con, một đi du học ở Úc, một đi Nga và một đi Trung Quốc.
Nguyễn Văn Bình, thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam, được xem là trung tâm chi phối các nhóm lợi ích hiện nay ở thượng tầng. Nguyễn Văn Bình học toán ở Liên Xô cũ, con ông Nguyễn Văn Chuẩn, cựu tổng Giám Ðốc Ngân Hàng Quốc Gia, tức tương đương chức Thống Ðốc bây giờ.
Anh ruột của Nguyễn Văn Bình là Nguyễn Văn Thành. Thành lấy con gái ông Lê Quang Ðạo, Trung tướng, cựu chủ tịch quốc hội, là Nguyễn Nguyệt Tĩnh, một “soái” thành đạt ở Ba Lan làm ăn nhiều với thị trường Liên Xô. Con trai của Lê Quang Ðạo là Thiếu Tướng Nguyễn Quang Bắc. Vì thế Nguyễn Văn Bình có cả mối quan hệ lợi ích dây mơ rễ má với các tướng lĩnh quân đội.
Tô Huy Vũ con trai trưởng ban tổ chức trung ương Tô Huy Rứa hiện là Vụ phó của Ngân Hàng Nhà Nước.
Lê Minh Hưng, con trai cố bộ trưởng Công An Lê Minh Hương là phó thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước.
Tướng Tô Lâm, thứ trưởng Bộ Công An là con trai ông Tô Quyền, cựu cục trưởng Cảnh Sát Giao Thông, cựu giám đốc Công An Hải Hưng. Tô Lâm sinh năm 1957, được cho là người giải cứu vụ Vinashine cho Nguyễn Tấn Dũng, một nhân vật đầy quyền uy. Tô Lâm được Tướng Nguyễn Văn Hưởng trực tiếp nâng đỡ kéo lên từ vị trí cục trưởng lên tổng cục trưởng rồi thứ trưởng Bộ Công An chỉ trong vòng mấy năm!
Tô Lâm khôn ngoan, thường nhận con cháu lãnh đạo cấp cao về đơn vị mình để tạo ơn nghĩa, vây cánh. Phan Minh Hoàn (Hoàn Ty), con cựu Thủ Tướng Phan Văn Khải; Trần Quốc Liêm, em vợ Nguyễn Tấn Dũng, hay con trai giám đốc Công An Tuyên Quang; con trai giám đốc Công An Ninh Bình đều làm việc dưới trướng Tô Lâm.
Thiếu Tướng Nguyễn Ðức Chung (Chung con), giám đốc Công An Hà Nội, là con nuôi của Lê Hồng Anh, thường trực Ban Bí Thư.
Nguyễn Hoàng Linh, sinh năm 1971, là cục phó thuộc Tổng Cục Tình Báo (Tổng Cục 5), con trai tướng công an Nguyễn Văn Hưởng, một người cho lúc về hưu đã có ảnh hưởng lớn đến Nguyễn Tấn Dũng, quyền hành mênh mông, khuynh loát mọi quan hệ làm ăn lớn.
Phùng Quang Hải, trung tá, giám đốc Tổng Công Ty 319 thuộc Bộ Quốc Phòng, con trai của bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Phùng Quang Thanh. Phùng Quang Hải đang cùng với Nguyễn Thanh Phượng, con gái Nguyễn Tấn Dũng, điều hành môi giới mua bán vũ khí cho quân đội, một sân chơi rất hẹp mà chỉ “Thái Tử Ðảng” nặng ký mới vào được.
Con trai của Lê Ðức Anh, cựu chủ tịch nước, Lê Mạnh Hà, là phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân TP. Hồ Chí Minh.
Trong giới “Thái Tử Ðảng” hiện nay, có lẽ Nguyễn Thanh Nghị, con thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Tấn Dũng, được quan tâm nhất.
Ông Nghị, sinh năm 1977, con trai cả của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, từng theo học tại Ðại học Kiến Trúc trong nước, sau đó đi du học tại Mỹ.
Năm 2011, tại Ðại Hội Ðảng Cộng Sản Việt Nam XI, tuy không được đại hội đảng từ cơ sở đề cử lên, song Nguyễn Tấn Dũng đã mặc cả với Nguyễn Văn Chi, ủy viên Bộ Chính Trị, chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương, kéo con trai vào danh sách do đại hội toàn quốc đề cử. Nghị được bầu làm ủy viên Dự Khuyết Ban Chấp Hành Trung Ương, cùng với con trai của Nguyễn Văn Chi là Nguyễn Xuân Anh, hiện là phó Bí Thư Thành Ủy, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân TP. Ðà Nẵng.
Ngày 11 tháng 11 năm 2011, Nghị được “bổ nhiệm” làm thứ trưởng Bộ Xây Dựng, phụ trách kiến trúc và quy hoạch thay cho Thứ Trưởng Nguyễn Ðình Toàn.
Tháng 3 năm 2014, Nghị được Bộ Chính Trị cử giữ chức phó bí thư Tỉnh Ủy tỉnh Kiên Giang, nơi Nguyễn Tấn Dũng từng làm phó bí thư, rồi bí thư Tỉnh Ủy và chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân. Nghị cũng kiêm giữ chức phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh từ ngày 28 tháng 3 năm 2014.
Nghị được cha phân công chỉ đạo đầu tư phát triển đảo Phú Quốc, vùng đất mà gia đình Nguyễn Tấn Dũng đã đầu tư khá nhiều. Nghị được giao chuẩn bị đề án “Ðặc Khu Hành Chính Kinh Tế Phú Quốc,” với tham vọng biến hòn đảo này thành một trong ba đặc khu kinh tế lớn nhất của Việt Nam.
Thế nhưng, vừa qua thủ tướng có quyết định rút ông Nghị khỏi tổ công tác về phát triển đảo Phú Quốc và đồng ý để bà Phan Thị Mỹ Linh, thứ trưởng Bộ Xây Dựng, thay Nguyễn Thanh Nghị.
Trong khi đó, con trai út của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận quyết định “đi đào tạo thực tế ở cơ sở” tại tỉnh Bình Ðịnh và làm phó bí thư Tỉnh Ðoàn Thanh Niên Cộng Sản Bình Ðịnh nhiệm kỳ 2013-2017 củng cố bậc thang đi lên danh vọng.
Rõ ràng có sự lúng túng của Nguyễn Tấn Dũng trong việc sắp đặt chỗ ngồi cho con trai lớn, nhưng có lẽ Dũng quyết chọn bài đi từ cơ sở. Nếu vào ủy viên chính thức ở Ðại Hội Ðảng XII, chức bí thư tỉnh sẽ trong tầm tay và từ bí thư Tỉnh Ủy ra trung ương đảm nhận vai trò cao hơn mặc nhiên thuận lợi.
Nhiều người cho rằng giới “Thái Tử Ðảng” có học, sẽ là hy vọng cho những cải cách tương lai hướng về thể chế dân chủ. Tôi thì không tin. Loại này cơ hội và láu cá hơn thế hệ trước nhiều. Một tay trí thức lưu manh còn nguy hiểm hơn một lão nông dân ngu dốt. Kim Jong Un ở Bắc Triều Tiên hay Assad ở Syria là những tấm gương nhãn tiền.
Tóm lại, thế hệ trước, những ông nông dân vô học đi làm cách mạng, sau khi cướp được chính quyền leo lên ghế lãnh đạo, đã chuẩn bị sẵn một tương lai cho con cháu, đôn nhau vào những vị trí ngồi mát ăn bát vàng, vừa để duy trì chế độ, vừa bảo vệ tài sản kiếm được. Một guồng máy cai trị mà sự tiếp nối giống như chế độ phong kiến cha truyền con nối, chỉ khác về hình thức.
06-30- 2014 3:10:35 PM
Lê Diễn Ðức
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment