Saturday, June 14, 2014

Phong tỏa Trung Quốc

NLĐO-Để giữ cho Trung Quốc hành xử đúng đắn trên biển, Nhật Bản và Mỹ phải tăng cường hợp tác với các nước Đông Nam Á và Liên hiệp châu Âu (EU)

Philippines đã gửi công hàm phản đối Trung Quốc cải tạo bãi san hô Ken Nan (tên tiếng Anh McKennan) thuộc cụm Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa - Việt Nam. Đây là lần thứ tư trong vòng 3 tháng qua, Manila gửi công hàm phản đối Trung Quốc có hành động thay đổi hiện trạng ở biển Đông.

Bắc Kinh ngạo ngược

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose ngày 14-6 thông báo: “Họ (Trung Quốc) đang tiến hành công việc cải tạo... Chúng tôi đã gửi công hàm phản đối vào tuần trước”. Ông Jose không cho biết phía Trung Quốc có phản hồi hay không.

Trước đây, hồi tháng 4, Manila từng đưa công hàm phản đối Bắc Kinh sau khi phát hiện hoạt động lấn biển quy mô lớn và di dời đất tại bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Phía Trung Quốc bác bỏ công hàm của Philippines, ngang nhiên cho rằng Gạc Ma thuộc lãnh thổ nước này. Bắc Kinh cũng có thách thức tương tự ở bãi đá Ga Ven và Châu Viên cũng thuộc Trường Sa.

Tàu KD Pahang 172 của Hải quân Malaysia tập trận với Hải quân Mỹ ở biển Đông năm 2013Ảnh: US NAVY
 Tàu KD Pahang 172 của Hải quân Malaysia tập trận với Hải quân Mỹ ở biển Đông năm 2013Ảnh: US NAVY

 Liên quan đến hoạt động trái phép của giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981), Trung Quốc tiếp tục vu cáo các tàu Việt Nam đâm vào tàu Trung Quốc 1.547 lần kể từ đầu tháng 5! Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 13-6, Phó Vụ trưởng các vấn đề biên giới và hải dương thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc Dịch Tiên Lương bịa đặt: “Tôi có thể nói rõ rằng từ ngày 2-5 đến nay, kể cả khi hoạt động khoan hoàn tất, chúng tôi chưa, không và sẽ không bao giờ điều động lực lượng quân sự. Bởi vì hoạt động của Trung Quốc chỉ mang tính chất dân sự và thương mại” (!).

Chiến thuật của Mỹ

Tuyên bố lật lọng của ông Dịch bị một quan chức cấp cao ở Washington phản bác. Theo ông này, Bắc Kinh “rõ ràng vô lý” vì từng sử dụng cả không quân và hải quân cũng như lực lượng hải cảnh để “đe dọa các nước khác”. Quan chức Mỹ gọi tuyên bố của ông Dịch là “một nỗ lực yếu ớt nhằm che đậy những gì mà Trung Quốc thực sự đang làm”.

Căng thẳng leo thang ở biển Đông khiến các nhà khoa học thuộc Trường ĐH Quốc phòng Mỹ cho rằng Washington nên bảo vệ không gian biển, không phận của tất cả quốc gia nằm trong chuỗi đảo đầu tiên trong trường hợp xảy ra đụng độ với Trung Quốc. Trong số các chiến thuật được nghiên cứu nổi lên chiến thuật “kiểm soát ngoài khơi” hay “phong tỏa từ xa”.

“Chiến thuật này không tấn công trực tiếp vào Trung Quốc mà tận dụng lợi thế địa lý của Mỹ và đồng minh trong khu vực để phong tỏa các hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu quan trọng của Trung Quốc, qua đó làm suy yếu nghiêm trọng nền kinh tế của nước này” - các tác giả bài viết trên trang National Interest nêu rõ.

Để đối phó với chiến thuật được đánh giá là hiệu quả, tiết kiệm chi phí so với khái niệm Không - hải chiến (ASB) này, Trung Quốc chỉ có cách duy nhất để phá vỡ sự phong tỏa: Xây dựng một lực lượng hải quân có khả năng kiểm soát toàn cầu hoặc phát triển các tuyến đường bộ thay thế!

Doanh nghiệp Đài Loan tại Việt Nam hoạt động bình thường
Các cuộc tuần hành chống Trung Quốc tự phát tại Việt Nam hồi tháng 5 không ảnh hưởng đến tiến độ đàm phán về việc đổi mới Hiệp định bảo hộ đầu tư hiện có giữa Đài Loan và Việt Nam, theo phát biểu ngày 13-6 của Trưởng Phòng Đầu tư thuộc Bộ Kinh tế Đài Loan Liên Ngọc Bình.
Hãng tin CNA đưa tin Đài Loan và Việt Nam thống nhất gặp mặt 2 lần/tháng để giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại cho các doanh nghiệp Đài Loan. Ngoài ra, hai bên thống nhất sẽ lập các nhóm hành động để giải quyết tiền lương, thuế và hải quan, nợ và tài chính, bảo hiểm và an ninh.

Thứ Bảy, 14/06/2014 22:49
 HUỆ BÌNH

No comments:

Post a Comment