Saturday, June 14, 2014

Báo người Hoa ở hải ngoại: Tập Cận Bình đẩy người dân Trung vào lửa đạn

  - 

Tàu sân bay Liêu Ninh (Reuters)
Tàu sân bay Liêu Ninh (Reuters)
"Hy vọng ông Tập Cận Bình đừng đẩy những người dân Trung Quốc lương thiện vào nơi lửa đạn, mất xương máu vô ích chỉ để thực hiện giấc mộng bá quyền, bành trướng lãnh thổ, xưng hùng xưng bá trong một thế giới văn minh, bởi chiến tranh không phải trò đùa", Đa Chiều - tờ báo của người Hoa hải ngoại ngày 13.6 bình luận.
Trong bối cảnh tình hình biển Đông đang nóng lên từng ngày, do vụ Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng biển Việt Nam, việc các tàu Trung Quốc miệt mài chở sắt, thép, cát, xi măng ra vùng biển quần đảo Trường Sa để xây dựng căn cứ quân sự tại đây, lại càng làm dấy lên lo ngại trong cộng đồng quốc tế.
Tờ Phil Star của Philippines dẫn báo cáo từ Phủ Tổng thống Philippines cho biết 5 bãi đá đang bị Trung Quốc thay đổi hiện trạng là Gạc Ma, Châu Viên, Ga Ven, Tư Nghĩa và Én Đất. Các bãi này nằm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc chiếm đóng trái phép các bãi đá, trong khi Philippines cũng tuyên bố chủ quyền.
Báo cáo không loại trừ khả năng Bắc Kinh sẽ cải tạo ba bãi đá Chữ Thập, Subi, Vành Khăn sau khi hoàn tất công việc ở 5 bãi đá nói trên.
Chính phủ Philippines hồi tháng 3 tố cáo Trung Quốc có những hành động thay đổi hiện trạng ở bãi Gạc Ma. Bộ Ngoại giao Philippines công bố các bức ảnh cho thấy căn cứ quân sự của Trung Quốc đã mở rộng ra diện tích gần 9 ha chỉ trong 2 năm, dẫn tới suy đoán Trung Quốc có thể xây dựng một đường băng và Bắc Kinh sẽ thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông một khi đường băng hoạt động.
Các nhà phân tích địa chính trị trên website Stratfor của Mỹ chỉ ra rằng, Trung Quốc đang sử dụng chiến thuật thăm dò dầu khí và thay đổi hiện trạng để củng cố những tuyên bố chủ quyền phi lý trên quần đảo Hoàng Sa cũng như Trường Sa.
Stratfor nhận định: Trung Quốc sẽ dùng chiến thuật này nhằm mở rộng biên giới bởi nước này cần xây dựng khả năng hậu cần của hải quân. "Hải quân Trung Quốc chưa đủ sức để vượt qua những thách thức hậu cần, như là khoảng cách. Do đó, khả năng thực hiện kế hoạch thống trị trên biển còn hạn chế".
Hành động của Trung Quốc ngày càng hung hăng hơn
Đa Chiều, tờ báo của người Hoa hải ngoại ngày 13.6 bình luận, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đang điều chỉnh chiến lược quân sự quy mô lớn trên biển Đông nên việc thị uy sức mạnh cơ bắp với máy bay, tàu chiến ở gần vị trí giàn khoan 981 không có gì là lạ.
Trên thực tế, ngay từ tháng 12.2012, ông Tập Cận Bình lần đầu tiên đề ra phương châm phát triển quân đội "gọi là đến, đến là đánh, đánh là thắng" ngay trong chuyến tuần du phương Nam, thị sát đại quân khu Quảng Châu và hạm đội Nam Hải. Tập Cận Bình nói câu này khi đang đứng trên chiến hạm của hạm đội Nam Hải. Đó chính là biểu hiện của của chủ động phòng ngự, chủ động uy hiếp và chủ động tấn công.
Việc Bắc Kinh điều ít nhất 6 chiến hạm hiện đại bậc nhất và ít nhất 4 máy bay quân sự ra gần giàn khoan 981, theo Đa Chiều, là biểu hiện của sự chuyển ngoặt trong chủ trương của Bắc Kinh, từ chỗ chỉ "nói mồm" tới chỗ "động tay chân", kết hợp uy hiếp quân sự với gây sức ép ngoại giao, tranh thủ chính trị để phối hợp giải quyết, đây chính là mô hình Trung Quốc đang, sẽ áp dụng trên Biển Đông.
Tờ Đa Chiều viết tiếp: Giữa lúc biển Đông đang leo thang căng thẳng quân đội Trung Quốc không hề do dự phô diễn sức mạnh cơ bắp ngoài dàn khoan 981 rõ ràng là đã có tính toán rất kỹ, điều đó cho thấy sự thay đổi trong mô hình xử lý vấn đề biển Đông của ông Tập. Điều này càng nổi bật khi so sánh vụ giàn khoan 981 với những vụ căng thẳng trên biển Đông trước đó.
Cũng trong tháng 5 vừa qua, Trung Quốc đã điều 5 tàu gồm 1 tàu khảo sát, 1 tàu hộ vệ, 1 tàu hậu cần và 2 tàu "chấp pháp" ra bãi Cỏ Mây để phản ứng với Philippines trong vụ kiện đường lưỡi bò và tòa án ra thời hạn để Bắc Kinh nộp bản thuyết trình quan điểm. Tháng 8 năm ngoái khi đối đầu với Philippines ở bãi Cỏ Mây, Trung Quốc cũng điều động 1 tàu hộ vệ và 1 tàu hậu cần quân sự tham gia.
Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đang điều chỉnh chiến lược quân sự quy mô lớn trên biển Đông nên việc thị uy sức mạnh cơ bắp với máy bay, tàu chiến ở gần vị trí giàn khoan 981 không có gì là lạ.
Tháng 4.2012 khi xảy ra khủng hoảng Scarborough, Bắc Kinh không sử dụng lực lượng quân sự mà chỉ dùng tàu Hải giám, Ngư chính và các thủ đoạn trừng phạt kinh tế (cấm nhập khẩu chuối, hạn chế du lịch đến Philippines). 
Suốt 3 tháng căng thẳng liên tục, tàu chiến Trung Quốc không hề xuất hiện ở khu vực này mà tập trận ở vùng biển phía Bắc Philippines. Nó còn được gọi là "mô hình Scarbrough", "chiến thuật cải bắp", "chiến lược cờ vây" dùng "tàu cá", tàu "chấp pháp" ở vòng trong, tàu quân sự đứng xa vòng ngoài.
Trước nữa, trong 2 năm 2011-2012, mỗi khi xảy ra căng thẳng trên biển Đông, Trung Quốc thường công khai đề xuất đàm phán và không hề có biểu hiện dùng sức mạnh quân sự uy hiếp. Nhưng sang 2 năm 2013, 2014 thì quân đội Trung Quốc đã chủ động lên gân cùng với Bộ Ngoại giao nước này gây sức ép lên đối phương. Không những điều tàu chiến máy bay ra khu vực giàn khoan, chiến đấu cơ của Trung Quốc còn liều lĩnh áp sát máy bay quân sự Nhật Bản ở Hoa Đông 2 lần liên tục cách nhau chưa đầy 1 tháng. 
Thủ đoạn Trung Quốc uy hiếp quân sự trên biển Đông rõ ràng là một sự thay đổi căn bản trong chiến lược của Tập Cận Bình, đây là điểm khác biệt rõ nét so với người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào.
Đa Chiều kết luận: Hy vọng ông Tập Cận Bình đừng đẩy những người dân Trung Quốc lương thiện vào nơi lửa đạn, mất xương máu vô ích chỉ để thực hiện giấc mộng bá quyền, bành trướng lãnh thổ, xưng hùng xưng bá trong một thế giới văn minh, bởi chiến tranh không phải trò đùa.
Uy hiếp bằng tàu quân sự, máy bay yểm trợ việc đưa giàn khoan xâm phạm trái phép vào vùng biển đặc quyền kinh tế Việt Nam, Trung Quốc đang làm những nước láng giềng e ngại
* Trả lời phỏng vấn Đài truyền hình Deutsche Welle của Đức và báo Washington Times của Mỹ, Ernest Bower, chuyên gia nghiên cứu về Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS, trụ sở thủ đô Washington), cho rằng “Trung Quốc liên tục gây hấn trên biển Đông xuất phát từ việc Bắc Kinh cho rằng Mỹ không dám can thiệp nếu xung đột xảy ra trong khu vực. Đó là lý do vì sao Trung Quốc đưa giàn khoan tới vùng biển Việt Nam”.
Tuy nhiên, chuyên gia Bower khẳng đinh: “Bắc Kinh không nên nhận định sai tình hình. Quan điểm cho rằng Mỹ sẽ không can thiệp quân sự để Trung Quốc muốn làm gì thì làm trên biển Đông là hoàn toàn sai lầm”.
Lên án hành động Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam và tàu Trung Quốc còn ngang ngược đâm húc, bắn vòi rồng vào tàu Việt Nam, chuyên gia Bower nêu: “Rõ ràng hành động của Trung Quốc khiến các nước làng giềng phải quan ngại”.
Không đồng tình với quan điểm của một số nhà phân tích cho rằng Mỹ sẽ không bảo vệ Việt Nam nếu xảy ra xung đột trên biển Đông, ông Bower, cho rằng việc Mỹ có hỗ trợ quân sự cho Việt Nam hay không là tùy thuộc vào tình hình. 

Tàu Trung Quốc còn ngang ngược đâm húc, bắn vòi rồng vào tàu Việt Nam
* Theo chuyên gia Graeme Dobell thuộc Viện Chính sách chiến lược của ÚC, đã đến lúc phải khẳng định những động thái khiêu khích của Trung Quốc, như hạ đặt giàn khoan và đâm tàu thực thi pháp luật, tàu cá Việt Nam, là sự biểu hiện đầy đủ và chính thức chính sách của Bắc Kinh.
Trong bài bình luận trên trang The Strategist mới đây, ông Dobell cho rằng các nước láng giềng của Trung Quốc không còn tự huyễn hoặc rằng những hành động khiêu khích của Bắc Kinh có thể bắt nguồn từ sự phân tán quyền lực, chẳng hạn như sự bất đồng giữa Quân Giải phóng nhân dân TQ và Bộ Ngoại giao.
Thực tế rằng “sự trỗi dậy bằng nòng pháo” là chính sách chính thức được phê chuẩn từ cấp cao nhất cuả Trung Quốc, đòi hỏi ASEAN phải đánh giá lại đường lối quan hệ với TQ. Theo chuyên gia Dobell, đã đến lúc ASEAN thôi hy vọng vào việc thương thuyết với Bắc Kinh để đạt được một Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) bởi Trung Quốc không hề mong muốn bất kỳ thỏa thuận đa phương nào. “Bắc Kinh đã coi việc chấp nhận DOC là một sai lầm và sẽ không làm tồi tệ thêm lỗi lầm bằng cách chấp nhận COC”, ông Dobell viết.
Quan điểm này cũng được thể hiện trong một báo cáo công bố ngày 11.6 của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington (Mỹ). Báo cáo có tên “Decoding China’s Emerging “Great Power” Strategy in Asia” (tạm dịch: Giải mã chiến lược “Đại cường quốc” mới nổi của Trung Quốc ở châu Á), chủ biên Christopher K.Johnson, một chuyên gia về Trung Quốc cho rằng: Từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, Trung Quốc ngày càng có lập trường hung hăng về tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông và biển Hoa Đông. 
Các nước láng giềng của Trung Quốc không còn tự huyễn hoặc rằng những hành động khiêu khích của Bắc Kinh có thể bắt nguồn từ sự phân tán quyền lực, chẳng hạn như sự bất đồng giữa Quân Giải phóng nhân dân TQ và Bộ Ngoại giao.
Thực tế “sự trỗi dậy bằng nòng pháo” là chính sách được phê chuẩn từ cấp cao nhất cuả Trung Quốc.
Những thay đổi chính sách của Bắc Kinh phản ánh sự trông đợi rộng rãi của giới chính khách và dư luận của nước này rằng sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng gia tăng cho phép họ có tiếng nói lớn hơn. Báo cáo nhận định khó có khả năng các lãnh đạo Trung Quốc sẽ quay trở lại với lập trường ôn hòa hơn trong các tranh chấp lãnh thổ.
Về quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN, báo cáo cũng tái khẳng định quan điểm cho rằng Trung Quốc không muốn thấy một ASEAN mạnh mẽ và hợp nhất. Bắc Kinh liên tục hành động để chia rẽ ASEAN nhằm đẩy mạnh những yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông. 
Điều đó được thể hiện rõ ràng nhất tại hội nghị ASEAN ở Phnom Penh năm 2012, khi khối này lần đầu tiên trong lịch sử không thể ra tuyên bố chung vì áp lực của Trung Quốc lên nước chủ nhà Campuchia để gạt vấn đề biển Đông ra khỏi chương trình nghị sự, bất chấp đòi hỏi hợp lý của các thành viên khác.
Trong một tham luận tại Hội nghị bàn tròn châu Á - Thái Bình Dương ở Malaysia mới đây, giáo sư Carl Thayer cũng đưa ra đề xuất tương tự. Ông nhận xét: “Tiến trình COC đã gây chia rẽ ASEAN và chia rẽ các nước ASEAN có tranh chấp. Sự quả quyết của TQ về “chủ quyền không thể tranh cãi” ở biển Đông và hành động khẳng định chủ quyền hung hăng chưa từng thấy gần đây, thông qua việc sử dụng tàu quân sự mở bạt che vũ khí cùng máy bay quân sự, hiện là trở ngại lớn trong việc quản lý vùng biển chung ở biển Đông”.
Thiết kế căn cứ quân sự bao gồm một sân bay trên bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam do Viện Nghiên cứu và Thiết kế số 9 của Trung Quốc tiết lộ.
Theo Nguyễn Chiến (Chinhphu.vn)
(Tựa do MTG đặt)

No comments:

Post a Comment