ANTĐ - Theo một số chuyên gia, Trung Quốc bất chấp sự chỉ trích, lên án của cộng đồng quốc tế, hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam vì họ cho rằng, đó là cái giá rất nhỏ so với nhu cầu giải “cơn khát” tài nguyên dầu mỏ của nước này.
Hành động hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 không bất ngờ, bởi đó là việc hiện thực hóa một năm nỗ lực phát triển công nghệ khoan nước sâu và triển khai giàn khoan tại Biển Đông. Trung Quốc đã phát triển giàn khoan Hải Dương 981 khi có đủ khả năng và thực hiện ngay khi có thể. Hành động này hỗ trợ cho hai mục tiêu, vừa khẳng định khả năng khai thác tài nguyên trong khu vực tranh chấp, vừa ngăn cản các công ty quốc tế hợp tác với Việt Nam và các quốc gia liên quan khác. Nó bị tác động bởi các tính toán chiến lược phục vụ các ý đồ về năng lượng của Bắc Kinh.
Báo chí Trung Quốc đã cảnh báo nguy cơ an ninh năng lượng ở nước này từ lâu
Hỗ trợ mục tiêu về an ninh năng lượng
Trung Quốc đã đầu tư đáng kể để trở thành một “cường quốc biển”. Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 đã đặt ra mục tiêu nền kinh tế biển nước này chiếm 10% tổng GDP của Trung Quốc. Ngoài việc hiện đại hóa hải quân, Trung Quốc cũng đang tăng cường năng lực thực thi các yêu sách trên biển đáng kể của mình bằng các tàu chấp pháp dân sự được trang bị vũ khí hạng nhẹ. Những tàu này thực thi các yêu sách của Trung Quốc ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Nhật Bản trên Biển Hoa Đông và với các ngư dân của Philippines và Việt Nam.
Trung Quốc cũng đã đầu tư đáng kể vào công nghệ giàn khoan ngoài khơi. Tập đoàn sở hữu nhà nước Tổng công ty Dầu khí Hải Dương (CNOOC) đang tìm cách gia tăng năng suất khai thác xa bờ của mình, chủ yếu tại khu vực biển nước sâu ở Biển Đông. Khai thác tài nguyên nước sâu là mục tiêu dài hạn mà Trung Quốc đang tiếp cận một cách tích cực. Trung Quốc có tàu lặn Giao Long, có khả năng lặn sâu nhất thế giới, có thể xuống tới độ sâu 5.000 mét. Trung Quốc là một trong những quốc gia tích cực nhất trên thế giới tại Ủy ban Đáy biển Quốc tế ở Jamaica - Ủy ban cấp phép cho các hoạt động thăm dò tài nguyên nước sâu đáy biển. Việc theo đuổi công nghệ khoan nước sâu của Trung Quốc đã được chú ý từ khi CNOOC đưa ra lời mời hào phóng đối với công ty dầu khí của Canada Nexen vào năm 2012.
Những nỗ lực kinh tế của Trung Quốc bị tác động bởi sự thiếu hụt nguồn cung trong nước, giá dầu mỏ tăng cao ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương và an ninh nguồn cung năng lượng. Theo quan điểm của CNOOC, khai thác nước sâu ở Biển Đông là vấn đề thiết yếu trong tương lai. Các mỏ ở vịnh Bột Hải đang bắt đầu suy giảm sản lượng và các mỏ ở khu vực Biển Hoa Đông lại đang bị “đóng băng” do những tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản.Trong khi đó, tiềm năng khai thác dầu khí ở Biển Đông sẽ hỗ trợ cho các mục tiêu về an ninh năng lượng của Trung Quốc trên 3 khía cạnh. Thứ nhất, nó hỗ trợ việc đa dạng hóa nguồn năng lượng chứ không chỉ phụ thuộc vào nguồn năng lượng than. Thứ hai là bổ sung vào bản địa hóa việc khai thác nhằm tăng cường đa dạng hóa nguồn khí đốt của Trung Quốc. Cuối cùng, nguồn khí đốt sẽ không phải nhập khẩu qua đường biển, điều này làm giảm bớt sự lo ngại của Trung Quốc về việc nhập khẩu khí đốt qua các lộ trình hàng hải do Mỹ kiểm soát.
Tìm mọi cách ngăn cản các đối thủ
CNOCC giữ vai trò đảm bảo cho các hoạt động kinh tế tại các khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông theo những điều kiện của Bắc Kinh. Năm 2012, lần đầu tiên, CNOOC đã cho đấu thầu các lô dầu khí ở hai vòng khác nhau. Lần đầu là là đấu thầu toàn bộ các lô ngoài khơi bờ biển của Việt Nam, các lô này Việt Nam đã cấp phép cho các công ty dầu khí nước ngoài là các đối tác của PetroVietnam. Đây rõ ràng là động cơ mang tính chính trị bởi Trung Quốc đã tổ chức đấu thầu trên một phạm vi rất lớn, bao gồm các lô ở Biển Hoàng Hải, Biển Hoa Đông, lưu vực sông Châu Giang (Pearl River) và Biển Đông.
Với việc triển khai giàn khoan ở vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, Trung Quốc đang gây gia tăng căng thẳng tại các vùng biển gần với các khu vực mà các công ty dầu khí nước ngoài hiện đang khai thác. Việt Nam không có đủ công nghệ khoan nước sâu tiên tiến và phải hợp tác với các đối tác nước ngoài, mặc dù Petro Vietnam đang nỗ lực phát triển một giàn khoan nước sâu trong một dự án liên doanh với một công ty của Nga.
Bằng cách tăng rủi ro chính trị cho các công ty nước ngoài đang hợp tác với Việt Nam, Bắc Kinh có thể ngăn cản các hoạt động khai thác của Việt Nam đồng thời xây dựng khả năng khai thác trong khu vực tranh chấp một cách đơn phương.
Chấp nhận trả giá
Trung Quốc hiện có khả năng khai thác tốt hơn bao giờ hết tại các khu vực tranh chấp. Hơn nữa, mặc dù tồn tại những hạn chế đã đề cập ở trên và những chi phí khổng lồ mà CNOOC phải đối mặt, nhưng Bắc Kinh vẫn sẵn sàng thực hiện vì vấn đề an ninh năng lượng. Bắc Kinh cũng đã chuẩn bị đối mặt với các khó khăn để khai thác tài nguyên tại các vùng biển tranh chấp vì điều này thực hiện cả mục tiêu kinh tế và chính trị.
Như vậy, việc giải thích về mặt chiến lược đối với thời điểm triển khai giàn khoan của Trung Quốc có thể đi đến một sự thật đơn giản hơn: động thái đó nằm trong kế hoạch khai thác tài nguyên của Trung Quốc ở Biển Đông. Động thái này của Trung Quốc là rất “kém” về mặt thời điểm, bởi những chỉ trích từ cộng đồng quốc tế nhằm vào Trung Quốc ngày càng gia tăng, chiến lược độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc gây quan ngại đối với khu vực và thế giới. Ngược lại, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng, sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế chỉ là cái giá phải trả rất nhỏ so với nhu cầu thúc đẩy năng lực trên biển nhằm đảm bảo việc khai thác nguồn tài nguyên trong vùng biển tranh chấp có lợi cho Bắc Kinh và tuân theo những quy định của nước này.
Thứ bảy 14/06/2014 07:32
No comments:
Post a Comment