Dọc bờ biển của 2 huyện Phù Cát, Phù Mỹ, nơi có trữ lượng titan nhiều nhất tỉnh Bình Định, hiện không còn bóng cây phi lao nào. Nơi đây chỉ có cát bay nóng rát mặt và nhiều giàn khoan titan với chi chít hầm hố sâu hoắm.
Tàn phá bờ biển
Một trong những điểm nóng về khai thác titan là xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ với hơn 10 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, chiếm 1/3 tổng số DN được cấp phép khai thác titan toàn tỉnh. Vài năm trước, Mỹ Thành là một vùng quê yên bình, không khí trong lành. Giờ đây, bờ biển chỉ còn lại bãi cát trống nham nhở.
“Tới bữa cơm, nhà nhà phải đóng cửa vì cát và bụi khói titan bay vào. Trước đây, mỗi hộ dân chỉ cần trồng vài sào hành là có thể sống thoải mái. Còn bây giờ, nguồn nước bị ô nhiễm nên không trồng được gì, khốn khó vô cùng” - bà Nguyễn Thị Tâm, ngụ xã Mỹ Thành, than thở.
Một dự án khai thác titan ở xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận làm biến dạng bờ biển Ảnh: BẠCH LONG
Không chỉ gây ô nhiễm môi trường, tình trạng khai thác titan không đúng quy định còn cướp đi sinh mạng của nhiều người. Nhiều hố titan đang khai thác hoặc sau khai thác không hoàn thổ là những cái bẫy chết người. Theo nhiều người dân, 5 năm qua, tại Mỹ Thành đã có trên 10 người chết liên quan đến khai thác titan, trong đó 5 người do rơi xuống hố khai thác.
Dù rất bức xúc nhưng người dân vẫn đành sống chung với việc khai thác titan bởi các dự án đã được cơ quan chức năng cấp phép. Tại Bình Thuận, xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình là một trong những địa phương có hoạt động khai thác titan rầm rộ nhất. Bờ biển dọc Tỉnh lộ 716 - nơi có rất nhiều công ty đang khai thác titan như: Đức Cảnh, Đô Thành, Phú Hiệp, Đường Lâm… - địa hình bị cày nát với vô số hố cát lồi lõm. Bắc Bình vốn là vùng đất khô cằn, nay lại càng thiếu nước trầm trọng, môi trường bị ô nhiễm nặng, làng xóm tiêu điều, tan hoang.
Ô nhiễm, bệnh tật
Bà Nguyễn Thị Lan (ở thôn Hồng Hải, xã Hòa Thắng) than vãn: “Khi khai thác titan, các DN hút hết nước, xả thải khiến mạch nước ngầm bị ô nhiễm. Hầu như tất cả giếng nước trong làng không còn dùng được nữa. Người nghèo như chúng tôi phải chi cả trăm ngàn đồng mỗi tháng để mua nước sạch sử dụng”.
Ông Nguyễn Thanh Hải, trưởng thôn Hồng Hải, cho biết xã Hòa Thắng trước kia có nhiều động cát lớn, rừng cây xanh tươi bao phủ giữ nguồn nước ngọt. Nay thì rừng đã bị tàn phá nên đến mùa gió Nam, cát bay mù trời tràn vô làng xóm. Các DN sau khi khai thác titan xong chỉ san lấp chiếu lệ. Do đất đã bị lấy hết chất khoáng, mất độ kết dính, thiếu nước và nhiễm mặn nên trồng cây gì xuống cũng chết khô. Bùn thải sau khai thác titan bị các công ty xả thành từng bãi, gặp trời mưa thì dẻo quánh lại, tạo thành những cái bẫy rất nguy hiểm. “Trước đây, Công ty Đường Lâm đầu tư đường ống và hỗ trợ 50% chi phí tiền nước sạch cho người dân. Sau khi họ rút đi rồi, số tiền đó cũng bị cắt luôn” - ông Hải kể.
Tại xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, cuộc sống của làng quê bình yên cũng bị đảo lộn hoàn toàn. Ai cũng bức xúc trước hậu quả của việc khai thác titan. Gần 200 giếng nước ở thôn Thuận Minh - nơi Công ty CP Đầu tư Khoáng sản và Thương mại Bình Thuận khai thác titan - đều bị ô nhiễm do bụi cát gây ra. Những năm qua, số người mắc bệnh, nhất là bệnh hô hấp và đau mắt ở trẻ em và người già, ngày càng tăng cao.
Nhiều người bị ung thư càng khiến người dân bất an với vấn đề ô nhiễm phóng xạ trong quá trình khai thác titan. Ông Nguyễn Văn Thái (ngụ thôn Thuận Minh, xã Thuận Quý) bất bình: “Chúng tôi phản đối nhiều lần nhưng chính quyền địa phương vẫn cho DN khai thác. Lợi nhuận tiền tỉ họ bỏ túi, còn hậu quả thì người dân lãnh đủ”.
Thất thoát ngân sách
Bình Định là một trong những tỉnh ở miền Trung có trữ lượng titan cao, khoảng 2,5 triệu tấn. Đến nay, tỉnh này đã cấp phép khai thác, chế biến titan cho 31 đơn vị. Theo kết quả thanh tra của các cơ quan chức năng, phần lớn DN hoạt động khai thác titan ở Bình Định đều có sai phạm, phổ biến và nghiêm trọng nhất là ô nhiễm môi trường.
Cụ thể: Các DN không giám sát thông số phóng xạ trong nước. Nhiều DN không thực hiện giám sát môi trường theo quy định; không đăng ký nguồn chất thải nguy hại, quản lý chất thải nguy hại, xả nước thải không đúng quy định...
Việc quản lý trữ lượng khai thác titan thời gian qua ở Bình Định vẫn còn nhiều bất cập, gây thất thoát không nhỏ tiền thuế tài nguyên. Cơ quan chức năng chỉ quản lý được việc khai thác, chế biến titan qua các báo cáo. Thực tế, DN khai thác bao nhiêu và nộp thuế có đúng với sản lượng khai thác hay không thì đến nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp kiểm tra. Theo một lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Bình Định, sản lượng DN khai báo để nộp thuế thấp hơn nhiều so với thực tế khai thác.
Thế nhưng, một số địa phương vẫn còn rất mặn mà với khai thác titan. Ông Hồ Sơn Hùng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận, cho biết trước đây, vì khai thác titan thô, nhỏ lẻ nên gây ô nhiễm, ảnh hưởng xấu tới môi trường. Tỉnh đang đề xuất đưa việc khai thác titan vào KCN tập trung, chế biến sâu để quản lý chặt hơn. Với những dự án chế biến sâu titan mà UBND tỉnh vừa đề xuất Chính phủ đưa vào quy hoạch mới chỉ là xin chủ trương. Nếu Chính phủ đồng ý, tỉnh mới lập dự án đầu tư, đưa ra hội đồng thẩm định dự án, trên cơ sở đó sẽ triển khai các bước tiếp theo. Hiện chưa đánh giá được hiệu quả kinh tế lẫn tác động môi trường, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh của các dự án khai thác titan.
Xử lý nghiêm doanh nghiệp sai phạm
Trước tình trạng khai thác titan không tuân thủ quy định của nhiều DN, ông Hồ Quốc Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định, khẳng định UBND tỉnh cương quyết không gia hạn giấy phép khai thác. “Trước mắt, chúng tôi yêu cầu tất cả DN khẩn trương hoàn thổ, trồng lại rừng, nhất là rừng phòng hộ ven biển, để khôi phục môi trường. DN nào chậm trễ hoặc không thực hiện thì sẽ bị xử lý nghiêm” - ông Dũng cho biết.
Thứ Ba, 06/05/2014 21:43
Anh Tú - Bạch Long
No comments:
Post a Comment