Tuesday, May 6, 2014

Dòng sông lênh đênh phận người: Tha phương trên chính quê hương

(ĐSPL) - Hàng chục đứa trẻ đang vui đùa hồn nhiên trên bãi cỏ. Chúng rượt đuổi, chúng hét vang, thi thoảng chúng còn nghêu ngao những câu hát không ai hiểu được. Nhìn chúng vui vẻ, vô tư lự mấy ai biết được đó là những đứa trẻ, con của những khách thương hồ lưu lạc phương xa trở về...
Những đứa trẻ trên bãi đất hoang

Chúng tôi gặp chúng trên một bãi đất hoang đầy cỏ dại nằm ven đường DT 831 (xã Tuyên Bình H. Vĩnh Hưng Long An) vào một buổi sáng. Đứa nào cũng đen nhẻm. Tóc vàng hoe vì cháy nắng. Quần áo thì lôi thôi luộm thuộm. Có đứa ở trần. Có đứa cởi truồng. Chúng chạy nhảy vui đùa bên ngọn cỏ triền sông…
Đứa lớn nhất khoảng 10 tuổi, nhỏ chừng 3 - 4 tuổi. Chúng chia thành nhiều nhóm theo từng lứa, tung tăng lúc bắt bướm lúc hái hoa. Nhóm con trai mạnh mẽ hơn. Đá bóng, bắn bi, thả diều… Chúng tha hồ vui chơi quên cả đất trời. Không có người lớn, bọn trẻ chơi đùa với những thú vui gần gũi thiên nhiên hoang dã.

Dòng sông lênh đênh phận người: Tha phương trên chính quê hương - Ảnh 1

Những đứa trẻ, thế hệ thương hồ tương lai, trên bãi đất hoang.

Cuộc vui của chúng chưa tàn nhưng có đứa uể oải. Con đói bụng quá – nó nói với tôi. Mẹ con đi cắt lục bình từ sớm. Cha con đi làm ở nhà máy. Ngủ dậy con xuống bếp lục cơm nguội, không còn…
Bé gái buồn buồn tâm sự với chúng tôi, chỉ về chiếc ghe đậu trên kênh phía xa xa. Con ngủ ở đó. Thì ra, đó là chiếc thuyền thương hồ nơi cả một gia đình trú ngụ. Cha mẹ bé từ Biển Hồ (Campuchia) trở về sau những lần làm ăn thất bát…
Cạnh chiếc thuyền của gia đình bé, nhiều chiếc thuyền khác cũng neo đậu gần đó, im lìm dưới cái nắng sớm mai. Tất cả đều là thuyền gỗ cũ kỹ. Có chiếc lợp tôn, có chiếc lợp lá. Dưới mái tôn hay mái lá đó là khoang thuyền ôm ấp cả một gia đình.
Tôi dẫn bé vào một quán ven đường. Con muốn ăn gì cứ lấy. Đôi mắt bé chợt sáng lên ôm chầm lấy túi kẹo. Dường như lâu lắm rồi bé chưa được nếm mùi kẹo. Tôi lấy một thùng mì gói đưa cho bé, con đem về để dành khi nào đói nấu ăn… Bé nhìn tôi do dự không dám lấy. Con cứ lấy đi rồi dẫn bác về thuyền nhé. Bé mỉm cười ôm lấy thùng mì rồi nắm tay tôi cùng xuống dốc để về “nhà”…
Xóm thuyền thương hồ vắng lặng. Dòng kênh yên ả. Thỉnh thoảng có vài bụi lục bình lờ lững trôi qua. Thuyền nào cũng buông rèm. Bên trong không có người. Lạ lẫm lắm ở phía xa xa, có làn khói bốc lên. Bé gái nói với tôi, má thằng Bình về rồi chắc nấu cơm cho nó ăn đó bác!
Dòng sông lênh đênh phận người: Tha phương trên chính quê hương - Ảnh 2


Câu chuyện của khách thương hồ

Bước lên cây cầu nhỏ nối con thuyền với bờ kênh, chúng tôi vào bên trong. Chiếc thuyền gỗ lợp lá có chỗ đã nhìn thấy trời. Anh nắng theo đó rọi vào. Một ông già ngồi khoanh chân trên sàn ván đã lên nước bóng loáng. Đứa bé đưa tôi vào đến cạnh ông ôm bá lấy cổ: “Nội ơi, có bác này đến thăm nội đây”.
Tôi ngồi xuống bên ông. Ông là Hồ Văn Út, 70 tuổi, cái tuổi già hơn gương mặt. Ông cởi trần. Da thịt còn rắn chắc. Tóc hoa râm đượm chút lãng đãng của gió sương… Tôi và ông trò chuyện khá lâu. Câu chuyện lúc sôi nổi lúc trầm buồn theo những biến chuyển của từng giai đoạn...
Dòng sông lênh đênh phận người: Tha phương trên chính quê hương - Ảnh 3
Ông Hồ Văn Út bên đàn cháu nội ngoại.

Thì ra, những đứa trẻ mà chúng tôi đã gặp trên bãi đất hoang đều là con của khách thương hồ. Cha mẹ chúng cũng chỉ là hậu duệ. Nhiều chục năm trước, nhưng khách thương hồ của vùng sông nước Nam bộ ngược dòng sông Tiền, sông Hậu để đến Nam Vang (Phnom Pênh) rồi dừng lại ở Biển Hồ. Lúc đó Biển Hồ nhiều cá. Nguồn lợi thủy sản đã đem đến cho họ cuộc sống sung túc kéo dài nhiều thập kỷ. Họ vẫn ở trên những con thuyền rồi sinh con đẻ cái. Nhiều thế hệ như thế tiếp nối ra đời rồi kế nghiệp. Mãi cho mấy năm gần đây, công cuộc làm ăn trên đất khách không còn thuận lợi, những chiếc thuyền gỗ cũ kỹ năm xưa lại quay về cố quốc. Nhưng, khi trở về, thế hệ sau không còn biết quê hương gốc gác của mình nên không đủ cơ sở khai báo với chính quyền. Vì thế mà không làm được giấy tờ và dĩ nhiên họ biến thành người Việt không quốc tịch ngay trên quê hương mình.
Tại bờ kênh này hiện nay có vài chục gia đình như thế. Hàng ngày, mẹ chúng đi cắt lục bình về chế biến thô bán lại cho các cơ sở gia công. Cha chúng vào làm công nhân bốc vác cho một doanh nghiệp ở gần đó. Con họ, đứa lớn thì vào thị trấn hay về đến Tân An bán vé số, đánh giày mưu sinh. Những đứa nhỏ chưa lao động được ban ngày rong chơi đến tối mới được vào học ở lớp học tình thương do bộ đội biên phòng tổ chức. Đêm, cả gia đình lăn lóc trên chiếc thuyền, là mái nhà đã ôm ấp và nuôi sống bao thế hệ thương hồ.
Ông Út còn cho chúng tôi biết, neo đậu nơi đây chưa phải là nơi dừng chân cuối cùng. Đã có những hộ  nhổ neo xuôi dòng Vàm Cỏ Tây tìm đến Tây Ninh hoặc lưu lạc đến những cùng miền khác miễn nơi nào họ sống được…
Dòng sông lênh đênh phận người: Tha phương trên chính quê hương - Ảnh 4
Mái lá của chiếc thuyền đã mục nát sau nhiều năm giãi dầu mưa nắng

Từ những chiếc ghe bầu đầu tiên ở miền Thuận Quảng xuôi vào phương nam theo bước chân mở cõi của cha ông đến nay, nghề thương hồ trải qua hơn 300 năm. Dường như là cái nghiệp. Chưa một ai than khổ, chưa một ai kể nghèo nhưng thực tế, họ mưu sinh từng bữa. Cái no đói của họ cũng còn tùy thuộc vào con nước lớn nước ròng. Điều làm cho chúng tôi, cho những ai hiểu về một nghề lắm truân chuyên này, là chuyện của những đứa trẻ. Chúng sinh ra trên thuyền. Cứ thế mà lớn lên như cây cỏ. Ít có đứa nào được may mắn đến trường. Đa số đều thất học, đồng nghĩa với nghiệp thương hồ mãi mãi đeo bám hết đời này sang đời khác khó có cơ may thoát ra được.
 06:02 AM, 07-05-2014
VĂN KỲ THANH

No comments:

Post a Comment