Trẻ điều trị tay chân miệng tại khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 1, TP.HCM |
Tay chân miệng bắt đầu tăng
Sáng 6.5, khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 1 (TP.HCM) ghi nhận 51 ca mắc TCM, trong khi số bệnh nhi mắc bệnh sởi vẫn ở mức cao, với 50 trẻ đang nằm điều trị.
Chị Nhi, mẹ của bệnh nhi Trí Cường (11 tháng tuổi, ở Đắk Lắk) cho biết, bé điều trị tại khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 1 đã ba ngày nay. Trước đó, vì thấy bé có biểu hiện nóng sốt, nổi ban ở tay chân nên chị đưa bé đi khám. Các bác sĩ kết luận con chị bị TCM và phải nhập viện điều trị.
Bác sĩ Lê Phan Kim Thoa, Phó khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 1 cho biết, hiện tại vẫn chưa phải là cao điểm của bệnh TCM nhưng do thời điểm này dịch sởi đang "nóng", trẻ bị biến chứng nặng do sởi nên gây nhiều áp lực cho quá trình chăm sóc bệnh nhi.
Mặc dù mấy ngày gần đây, số lượng trẻ bị sởi điều trị nội trú có giảm hơn so với mấy ngày trước nhưng theo bác sĩ Thoa, tình trạng bệnh sởi “vẫn còn rất khó nói”.
Tại BV Nhi đồng 2 (TP.HCM), số lượng trẻ nhập viện do mắc TCM đã bắt đầu tăng lên và cao gần gấp đôi so với tháng trước.
Hiện, mỗi ngày có khoảng 40 ca mắc TCM điều trị tại BV này, với các biểu hiện như nổi ban, bóng nước ở tay, chân. Từ đầu mùa đến nay, BV này ghi nhận hai ca bị biến chứng do mắc TCM nhưng đã được điều trị khỏi.
Nhiều trẻ phải nằm ngoài hành lang vì giường bệnh không còn chỗ |
Đánh giá về bệnh sởi, bác sĩ Nguyễn Trần Nam, Phó khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 2 cho hay, xu hướng trẻ bị sởi điều trị nội trú giảm dần nhưng số khám ngoại trú vẫn chưa giảm. Sáng 6.5, ghi nhận điều trị nội trú cho 68 ca bị sởi, với khoảng 27 ca có biến chứng như viêm phổi, thở oxy...
Để tránh nguy cơ lây nhiễm chéo do bệnh chồng bệnh, tại khoa Nhiễm của BV Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2, các bệnh nhi được cách ly theo bệnh ở các phòng riêng.
Trẻ có thể được điều trị tại nhà
Do đều có biểu hiện nổi ban ngoài da nên theo bác sĩ Kim Thoa, để phân biệt sởi và TCM, phụ huynh nên để ý: thường sởi sẽ đi kèm sốt, ho, chảy nước mắt, đỏ mắt sau đó nổi ban trên mặt rồi lan dần xuống chân. Nếu không có biến chứng, khi sởi nổi đến chân thì trẻ sẽ hết sốt.
Còn bệnh TCM thường nổi ban trong lòng bàn tay, chân. Biến chứng của bệnh là viêm màng não, viêm não, tổn thương tim, phù phổi.
Hiện nay, bệnh TCM chưa có vắc xin phòng ngừa, và trẻ có thể bị nhiều lần trong đời. Vì vậy, cách tốt nhất khi bị bệnh là cách ly và giữ vệ sinh, đặc biệt ở vùng tai mũi họng.
Trẻ trong thời điểm đến trường cần được giữ ở nhà để tránh lây cho trẻ khác. Nhà trường cần vệ sinh trường lớp, khi làm thức ăn hoặc trước khi chăm sóc trẻ cần rửa tay sạch sẽ.
Bác sĩ Trần Nam lưu ý: “Không phải tất cả bệnh nhi bị sởi, TCM đều cần nhập viện. Vì nếu cứ đua nhập viện sẽ gây quá tải. Các trường hợp nhẹ vẫn có thể chăm sóc tại nhà”.
Phụ huynh không nên tự ý chữa bệnh bằng rau mùi, vòng đeo tay hay tiêu ban lộ vì đây là những phương pháp chưa được chứng minh bằng cơ sở khoa học.
“Cũng không nên kiêng tắm, kiêng gió không bật quạt cho trẻ vì sẽ khiến trẻ mất vệ sinh, ngoài ra không nên ăn cháo muối vì không đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ”, bác sĩ Nam khuyến cáo.
Hà Minh
No comments:
Post a Comment