Tuesday, May 6, 2014

"Người Hà Nội bảo thủ, đa nghi, đắn đo từng đồng lẻ"

Độc giả Đoàn Chí Kiên - theo Trí Thức Trẻ | 05/05/2014 14:00

(Soha.vn) - Dưới đây là bài viết của độc giả Đoàn Chí Kiên về văn hóa phở xếp hàng, bún chửi, cháo quát ở Hà Nội.

    Phở xếp hàng, bún chửi, cháo quát cùng với cửa hàng bán bánh trung thu xếp hàng dài dằng dặc đã được nói đến nhiều trên báo chí. Điều đáng ngạc nhiên là việc đó chỉ xảy ra tại Hà Nội, mà không phải TP. Hồ Chí Minh hay một tỉnh thành nào khác.
    Với đồng tiền bỏ ra, đáng lẽ phải được phục vụ với đúng tiêu chí : "Khách hàng là thượng đế" thì người tiêu dùng Hà Nội lại phải chấp nhận, chịu đựng sự vất vả, quát mắng, thậm chí chen lấn nhau để mua được một số mặt hàng?
    Tại sao cùng một dich vụ nhưng ở TP. Hồ Chí Minh, rộng hơn là tại miền Nam bạn luôn nhận được sự phục vụ tốt hơn Hà Nội? Những điều dưới đây có lẽ lý giải một phần nào cho những sự việc kể trên:
    Người Hà Nội quen với cảnh xếp hàng
    Người dân Hà Nội đã trải một thời gian khá dài sống trong thời bao cấp. Ở trong thời kỳ đó, tất cả các mặt hàng thiết yếu đều được nhà nước phân phối qua hình thúc tem, phiếu hoặc sổ mua hàng. Một số cửa hàng được lập nên nhằm đáp ứng nhu cầu đó.
    Nhưng do hàng hoá cung không đủ cầu nên cảnh xếp hàng là công việc thường thấy khi đi mua hàng. Hồi bé, tôi cũng đã trải qua công việc đó. Cửa hàng thường mở cửa vào khoảng tầm 7h30 nhưng mẹ tôi luôn đánh thức tôi dậy lúc 5h sáng.
    Tôi phải có mặt khi cửa hàng chưa mở cửa, để đảm bảo mình sẽ đứng ở vị trí thứ 4 hoặc thứ 5 trong số người cũng đến sớm như tôi. Mọi người thường dùng bất cứ vật gì buộc vào nhau thành một dây, để đánh dấu ai đến trước đến sau.
    Tôi phải luôn dậy sớm để đảm bảo mua được về cho gia đình cái chân giò lợn hay mấy lạng thịt thủ. Một con lợn chỉ có 4 cái chân giò, sẽ không đến lượt nếu tôi đi muộn. Đó là chưa kể mỗi dịp gần Tết, bạn sẽ phải vật lộn để mua được cho gia đình từ túi quà Tết cho đến cuộn lá dong về để gói bánh chưng. Những thứ tưởng chừng đơn giản ở thời bây giờ thì hồi đó muốn mua được mọi người đều phải xếp hàng. 
    Phở xếp hàng ở Hà Nội
    Phở "xếp hàng" ở Hà Nội
    Tâm lý tiêu dùng người Hà Nội đa phần đều bảo thủ, đa nghi, ngại đón nhận cái mới
    Tất cả các hãng dù lớn hay nhỏ khi lên kế hoạch xâm nhập một sản phẩm gì mới vào thị trường Hà Nội đều lường trước sự khó khăn này. Người tiêu dùng Hà Nội mặc định trong đầu quán phở này ngon, tiệm cà phê này uống được cũng như loại bia hay nhãn bao thuốc lá họ quen dùng.
    Những thói quen đó đã được định hình theo năm tháng và sẽ rất khó thuyết phục họ thay đổi dù có khi sự thay đổi đó mang lại lợi ích hơn. Thời gian để có sự đổi thay không thể một sớm một chiều mà có thể rất nhều năm hay cả một thế hệ.
    Tôi đã vài lần giới thiệu với các bạn bè phía Nam có dịp ra Hà Nội đi ăn phở xếp hàng tại phố Bát Đàn. Câu hỏi quen thuộc tôi thường nhận được sau khi ăn là: "Tại sao chủ quán không mở thêm cửa hàng, thuê thêm nhân viên".
    Lợi nhuận chắc sẽ tăng lên khi số lượng bán được nhiều hơn, người ăn được phục vụ tốt hơn. Điều đó có thể đúng với TP. Hồ Chí Minh chứ không hoàn toàn đúng với Hà Nội. Ngược lại thời gian, Hà Nội từng có một khu phố bán hàng ăn đêm rất đông khách.
    Để thu hút và phục vụ khách hàng được tốt, cả một dãy phố đã tu sửa trở nên sạch đẹp, khang trang hơn. Kết quả hoàn toàn không như mong đợi, sau khi tu sửa số khách hàng đến đó không đông lên mà lại vắng đi. Có thể điều đó trái ngược với mọi quy luật kinh doanh nhưng đã từng diễn ra tại Hà Nội. Tên hai con phố đó là Cấm Chỉ và Tống Duy Tân.
    Trở lại chuyện quán phở Bát Đàn. Nếu ông chủ hiệu phở mở rộng cửa hàng, tăng thêm nhân viên phục vụ, người ăn phở khi đến đó không phải xếp hàng, có thể họ sẽ đặt ngay câu hỏi trong đầu "Thuê thêm nhân viên, mở rộng cửa hàng, chi phí sẽ tăng lên, chất lượng sẽ không như ngày xưa vì bán nhiều". Hay đơn giản đánh mất đi cái thú phải xếp hàng, chen nhau mới tìm được chỗ ngồi. Vậy là bát phở vẫn giá đó, nước dùng, bánh phở, thịt  vẫn như xưa. Chỉ có điều khác xưa không còn cảnh xếp hàng quen thuộc cũ, người ăn thì lại sẽ vắng đi.
    Người Hà Nội chưa có thói quen có tiền " boa" cho nhân viên phục vụ
    Trong TP. Hồ Chí Minh khi thanh toán tiền bữa ăn, hay một dịch vụ nào đó, bạn thường có thói quen để lại chút tiền lẻ, gọi là thưởng nhân viên phục vụ. Thu nhập nhân viên làm dịch vụ trong đó ngoài lương do chủ trả còn có thêm số tiền khách hàng cho thêm. Số tiền " boa"  cộng lại đôi khi còn nhiều hơn số tiền lương trong tháng, nếu người phục vụ làm tốt công việc của mình và hài lòng khách hàng.
    Người Hà Nội luôn mặc nhiên số tiền họ chi ra đã bao gồm cả sự phục vụ. Họ có thể chi tiền triệu cho một bữa ăn nhưng lại có thể đắn đo khi bớt lại chút tiền lẻ cho nhân viên phục vụ. Rất khó để bạn nhận được sự phục vụ tốt hơn khi người phục vụ bạn không được thêm một chút tiền sau khi đã hoàn thành công việc của họ.
    Hà Nội đang thay đổi hàng ngày, có thể sau một thời gian nữa bạn không thể tìm thấy một quán phở xếp hàng, một hàng bún, cháo mà khi bạn đến thưởng thức sẽ được "khuyến mại" theo vài câu quát, mắng. Mọi thứ dịch vụ đang hướng đến một cách hoàn hảo và tốt đẹp hơn.
    Nhưng nếu bây giờ bạn đến Hà Nội, có lẽ bạn đừng ngạc nhiên và phải tập làm quen thích nghi với những điều như vậy. Bạn phải kiên nhẫn đứng xếp hàng, cầm sẵn tiền ra tay nếu muốn thưởng thức tô phở Bát Đàn. Thời gian xếp hàng đó, có khi giúp bạn gợi nhớ câu nói bạn nghe được ở đâu đó khi tới Hà Nội: "Ừ thì! Hà Nội không vội được đâu.".
    * Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

    No comments:

    Post a Comment