Tuesday, May 6, 2014

Bỏ xưng hô "chú – cháu" nơi công sở?



Thứ Tư, ngày 07/05/2014 00:05 AM (GMT+7)
“Xưng hô chú - cháu, bác - cháu nơi công sở làm cho người dưới thu mình lại, dẹp như con gián...”.
Xưng hô thân mật như trong gia đình theo kiểu "bác bác – cháu cháu"... là chuyện thường tại công sở. Nhiều ý kiến cho rằng, cách xưng hô “gia đình hóa” giúp đồng nghiệp nhanh chóng gần gũi nhau hơn. Nhưng cũng có người cho rằng, “chú chú – cháu cháu” nơi công sở tiêu diệt tính độc lập của con người khi nêu ý kiến, triệt tiêu sự tranh luận, đối thoại.
Nhân chuyện này, chúng tôi xin gửi tới độc giả những ý kiến về cách xưng hô nơi công sở.
Công sở mang dáng dấp gia đình
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Trần Ngọc Thêm, Trưởng Bộ môn Văn hóa học, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, cho rằng, người Việt có lối giao tiếp thân mật hóa cao. Với cách xưng hô này, tất cả mọi người trong cộng đồng đều trở thành bà con họ hàng trong một gia đình.
Giáo sư lý giải, người Việt cổ sống bằng nghề trồng lúa nước, có tính thời vụ cao, khi bắt đầu vào việc cần rất đông người, vì vậy cần liên kết với nhau. Đơn vị liên kết là làng xã - vừa đủ để làm ruộng. Quan hệ giữa những người trong làng không quá ràng buộc nhau như gia đình, nhưng cũng đủ để mọi người biết nhau.
Bỏ xưng hô "chú – cháu" nơi công sở? - 1
Theo Giáo sư Trần Ngọc Thêm, cách xưng hô “gia đình hóa” tại công sở dễ làm người ta có cảm giác việc chung trở thành việc riêng
Để làm việc cùng nhau, con người trong làng ấy phải thân mật. Do vậy, tự giác tạo mối quan hệ thân thiết để hỗ trợ nhau trong công việc. Từ đó, người Việt cứ gặp nhau là phải tìm hiểu xem hoàn cảnh thế nào, tuổi tác ra sao để xưng hô, tạo sự thân mật. Ai nhiều tuổi hơn là chú, bác, anh chị; ít tuổi hơn là em, cháu... coi nhau như một gia đình.
Từ đó, mở rộng ra các cấp độ quan hệ xã hội, hành chính... khởi đầu chưa quen biết, sau thời gian ngắn tìm cách gần gũi nhau. Khi mới quen, người ta hay gọi nhau theo theo chức vụ như: giám đốc, bác sỹ, giáo sư... Sau thời gian ngắn chuyển sang cách xưng hô theo quan hệ gia đình, “gia đình hóa quan hệ xã hội”.
Cách xưng hô “gia đình hóa” giúp con người ta nhanh chóng gần gũi nhau hơn, có cảm giác như người thân của nhau, giúp nhau hỗ trợ trong công việc. Tuy vậy, cách gọi này có thể làm mất đi khoảng cách cần thiết.
Theo Giáo sư “gia đình hóa” dễ làm người ta có cảm giác việc chung trở thành việc riêng, giải quyết công việc “trên cơ sở tình cảm”. Như vậy, khi hai người chênh lệch tuổi tác làm việc với nhau, người ít tuổi có cảm giác như đi xin, người nhiều tuổi như đi ban ơn cho người dưới.
GS Nguyễn Hữu Khiển - Nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia HCM) - nhận định: “Gia đình chủ nghĩa" làm văn hóa công sở bị sai lệch sẽ dẫn đến biểu hiện mục đích cá nhân có tính thái quá. Chẳng hạn xưng hô “bác - cháu”... muốn thể hiện cho người khác biết mình là ngoan, là người nhà của sếp. Cách xưng hô “bác – cháu” cũng làm mất đi sự nghiêm túc nơi công quyền.
Theo TS Ngô Thành Can, Phó khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự, Học viện Hành chính (Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia HCM), xưng hô “gia đình hóa” làm công sở có dáng dấp như gia đình, dòng tộc.
Triệt tiêu tranh luận
TS Ngô Thành Can cho rằng, “chú - cháu” tạo cho lớp trẻ thấy công sở như gia đình, họ là thế hệ sau, nhỏ bé thấp kém không dám đề đạt ý kiến, ý tưởng hay. Nguy hiểm hơn, người thế hệ trên có thể năng lực chưa tốt nhưng lúc nào cũng được đồng nghiệp trẻ “thưa gửi” nên cứ nghĩ mình làm tốt.
Theo TS Ngô Thành Can, hệ lụy lớn nhất từ cách xưng hô “gia đình hóa” là gây tác động xấu đến suy nghĩ công chúng. “Người dân thấy công sở gọi nhau thế thì đừng có cãi hay kiện tụng làm gì, đằng nào cũng thua thôi, vì họ toàn là người nhà cả”.
Nhà Xã hội học Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học), nhận định, xưng hô "chú – cháu" nơi công sở làm cho người dưới “thu mình lại, dẹp như con gián”.
Tư tưởng “trứng mà đòi khôn hơn rận” làm cho người ít tuổi hơn không được trao đổi một cách thẳng thắn, đàng hoàng. “Bác bác – cháu cháu” làm tiêu diệt tính độc lập của con người khi nêu ý kiến, triệt tiêu sự tranh luận, đối thoại. Trong khi đó, có thể nói, mọi sự việc đều cần đối thoại để có được chân lý.
Bỏ xưng hô "chú – cháu" nơi công sở? - 2
Có ý kiến cho rằng, cách xưng hô "chú – cháu" nơi công sở làm cho người dưới “thu mình lại, dẹp như con gián”. (Ảnh minh họa)
Tiến sĩ Mai Anh – người đang chủ trì đề án xây dựng một bộ quy tắc ứng xử cho người Hà Nội cũng cho rằng, người trẻ tuổi có tâm lý họ cần phải được tôn trọng, khẳng định bản thân và thể hiện công việc họ làm được ghi nhận. Nhưng người trẻ tuổi hay bị định kiến là thiếu kinh nghiệm, khi đề xuất vấn đề gì đó ta thường sợ những người trên. Nếu ta thay đổi cách xưng hô “chú chú – cháu cháu” người trẻ tuổi sẽ có được nhiều lợi thế và quay trở lại chính mình hơn, tự tin hơn.
Ông Phan Đăng Long, Phó trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho rằng, xưng hô “gia đình hóa” dễ dẫn đến cách ứng xử của người nhiều tuổi hơn coi đồng nghiệp là con cháu trong nhà. Còn người ít tuổi hơn coi người trên như là cha chú mình. Từ đó, không tạo ra môi trường làm việc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau.
Ví dụ như khi người “chú” làm việc có sai sót, nhưng “cháu” không dám góp ý, bởi tâm lý: “Người ta đáng bậc cha chú, mình là bậc con cháu nói ra sợ bị đánh giá là hỗn”. Người nhiều tuổi hơn cũng dễ có tâm lý: “Chúng nó là bậc con cháu, dám chê cha chú, thế là láo”.
Trong khi đó, quan hệ đồng nghiệp là bình đẳng, không nên có sự phân biệt. Bởi người lớn tuổi có kinh nghiệm, nhưng người trẻ có nhiều thông tin, năng động được đào tạo bài bản... có khi làm việc  hiệu quả hơn người có kinh nghiệm.
_________________________
Đại từ “tôi” ban đầu có ý khiêm nhường, hạ thấp mình trước đối phương, về sau dần thay đổi ngữ nghĩa, chuyển sang ngang hàng, được sử dụng trong những trường hợp lịch sự, quan trọng. Nhiều ý kiến cho rằng, tại cơ quan, công sở nên xưng “tôi” với người xung quanh để thể hiện sự bình đẳng, ngang hàng nhau trong công việc.
Mời độc giả đón đọc bài 2: Đề xuất xưng “tôi” trong công sở
Dương Tùng (Khampha.vn)

No comments:

Post a Comment