Tuesday, May 6, 2014

Nguy cơ dịch chồng dịch

ANTĐ - Tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc vào thời điểm này, trong khi dịch sởi vẫn chưa được khống chế hoàn toàn thì một số dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng… lại rập rình bùng phát. Nguy cơ dịch chồng dịch là khá lớn.


Nhiều dịch bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát

Số ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh

Theo thông báo của Bộ Y tế, trong 4 tháng đầu năm nay, số ca mắc sốt xuất huyết trên cả nước giảm so với cùng kỳ năm ngoái ở 3 khu vực miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam. Tuy nhiên, tại khu vực miền Bắc, số ca mắc sốt xuất huyết lại tăng 13% và đang có xu hướng tăng nhanh ở các tuần gần đây. Trong đó, số ca mắc tập trung chủ yếu ở Hà Nội (chiếm tới 52% tổng số mắc của miền Bắc), Thái Bình (chiếm 34%)…

Tại hội nghị triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh mùa hè do Sở Y tế Hà Nội tổ chức ngày 5-5, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) Hà Nội cho biết, đến thời điểm này  toàn thành phố đã ghi nhận 37 ca bệnh sốt xuất huyết, với 2 ổ dịch. Mặc dù số mắc tại hầu hết các quận/ huyện của thành phố thấp hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng với diễn biến thời tiết nóng ẩm như hiện nay, nguy cơ bùng phát dịch trong giai đoạn chuyển mùa là không hề nhỏ. “Đặc biệt, qua theo dõi giám sát dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội những năm gần đây thì cứ theo chu kỳ 3-5 năm dịch lại bùng phát lớn, trong khi năm 2014 là năm thứ 5 tính từ năm 2009- năm bùng phát dịch sốt xuất huyết dengue trên địa bàn. Vì thế, Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội nhận định có khả năng dịch sốt xuất huyết dengue sẽ bùng phát trở lại nếu các biện pháp phòng chống dịch không quyết liệt” – ông Nguyễn Nhật Cảm phân tích.

Dự kiến ngay trong tháng 5 này, TTYTDP Hà Nội sẽ tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy chủ động phòng chống sốt xuất huyết đợt 1 tại 100% xã/ phường. Cùng đó, TTYTDP Hà Nội sẽ tổ chức 30 đợt phun hóa chất diện rộng diệt muỗi trưởng thành truyền bệnh tại các xã phường có nguy cơ cao trong tháng 6 và tháng 7 tới.

Lo ngại dịch tay chân miệng

Trong khi dịch sởi vẫn chưa được khống chế thì cùng thời điểm này, một dịch bệnh truyền nhiễm có đặc tính tương tự là tay chân miệng lại đang có nguy cơ bùng phát do thời tiết chuyển sang nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh này phát triển. Thống kê của TTYTDP Hà Nội cho biết, tính đến ngày 5-5, thành phố ghi nhận 192 ca tay chân miệng tại 26/30 quận, huyện. Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhận định, các dịch bệnh mùa hè, đặc biệt là tay chân miệng, sốt xuất huyết, tiêu chảy cấp… vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Do đó, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu TTYTDP thành phố và các Trung tâm Y tế quận/ huyện khẩn trương xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh mùa hè cũng như đảm bảo đầy đủ hóa chất, thuốc men, phương tiện để sẵn sàng chống dịch.

Hiện tại, số ca mắc tay chân miệng đang tăng nhanh ở khu vực miền Nam do thời tiết nắng nóng mạnh hơn, đã có 2 ca tử vong. Cụ thể, tại TP.Hồ Chí Minh, số ca mắc tay chân miệng tăng xấp xỉ 30% so với cùng kỳ năm 2013, tại Bà Rịa-Vũng Tàu số ca mắc tăng 34,4%, Cà Mau tăng 15,5%, còn tại Kon Tum số ca mắc tăng đến 69,7%... Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, trước diễn biến đáng lo ngại nói trên, Bộ Y tế vừa quyết định thành lập 5 đoàn kiểm tra phòng chống bệnh tay chân miệng, tiến hành kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại các địa phương đang có số ca mắc tăng cao và tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch. Trong đợt kiểm tra này, Bộ Y tế sẽ xem xét lại khả năng thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân tay chân miệng của hệ thống điều trị.

Theo ông Trần Đắc Phu, đây mới là thời điểm bắt đầu của vụ dịch tay chân miệng và số mắc dự báo sẽ tăng mạnh hơn trong thời gian tới. Do vậy, để chủ động phòng chống bệnh trước nguy cơ dịch chồng dịch như hiện nay, với những bệnh có thể phòng được bằng cách tiêm chủng thì phụ huynh nên đưa con đi tiêm vaccine đầy đủ, đúng lịch. Với những bệnh chưa có vaccine như tay chân miệng, sốt xuất huyết, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo các bậc phụ huynh, người chăm sóc trẻ cần chú ý vệ sinh cá nhân cho trẻ và rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, thường xuyên lau rửa đồ chơi, dụng cụ học tập, mặt bàn, ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa. Khi phát hiện trẻ có biểu hiện bệnh cần cách ly và đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Hơn 16.300 ca mắc thủy đậu

Từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 16.380 trường hợp mắc thủy đậu tại hầu hết các tỉnh, thành phố. Số ca mắc thủy đậu tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2013 (7.900 trường hợp). Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay do nhu cầu tiêm vaccine phòng thủy đậu tăng đột biến nên đã xảy ra tình trạng thiếu
vaccine tại các điểm tiêm chủng. Hiện tại, Bộ Y tế đã đề nghị các đơn vị có liên quan làm việc với các đơn vị cung ứng vaccine khẩn trương nhập khẩu đồng thời chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng có kế hoạch đặt hàng để mua vaccine tiêm phòng phục vụ người dân một cách chủ động hơn.
Thứ ba 06/05/2014 07:13
Tiến Hưng

No comments:

Post a Comment